Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Người Malaysia trước mối lo làn sóng đầu tư của Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người Malaysia trước mối lo làn sóng đầu tư của Trung Quốc

C.T

Người Malaysia trước mối lo làn sóng đầu tư của Trung Quốc
Ông Mahathir Mohamad, ứng cử viên thủ tướng của phe đối lập, lo ngại trước việc người Trung Quốc ồ ạt mua các căn hộ trong dự án Forest City ở phía nam Malaysia. Ảnh: The Free Malaysia Today

(TBKTSG Online) – Hôm nay (9-5), cử tri Malaysia đi bỏ phiếu bầu chính phủ mới sau một cuộc chạy đua vận động tranh cử ồn ào với tâm điểm là những lo ngại về sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Malaysia.

Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào Malaysia

Theo hãng tin Bloomberg, những lo ngại đó chắc chắn là điều khó chịu đối với Trung Quốc, vốn tự xem mình là nước cổ vũ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế trên khắp thế giới.

Vào năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động sáng kiến Một vành đai, một con đường, một dự án phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 1.500 tỉ đô la Mỹ trải rộng ở 80 nước. Sáng kiến này nhằm nhằm liên kết chặt chẽ hơn các thị trường xa xôi với Trung Quốc đồng thời giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương ở các thị trường này. Nằm ở vị trị chiến lược bên eo biển Malacca, nơi 40% dòng chảy thương mại toàn cầu đi qua hàng năm, Malaysia trở thành một điểm đến quan trọng của nguồn vốn đầu tư từ sáng kiến trên.

Trung Quốc đã thực sự đầu tư mạnh mẽ vào Malaysia. Cho đến nay, các dự án trị giá 34 tỉ đô la do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ đang được triển khai ở Malaysia, bao gồm một đường ống dẫn khí và một tuyến đường sắt ở bờ đông Malaysia có tổng vốn đầu tư ít nhất 17 tỉ đô la. Các công ty tư nhân Trung Quốc cũng đang ồ ạt đầu tư vào Malaysia.

Từ năm 2012 đến năm 2016, thị trường bất động sản Malaysia đã đón nhận các khoản đầu tư có giá trị tổng cộng 2,37 tỉ đô la từ các công ty phát triển nhà ở của Trung Quốc. Nguồn tiền đầu tư của Trung Quốc cũng đang chảy vào các lĩnh vực sản xuất, năng lượng, kho vận và thương mại điện tử của Malaysia.

Người dân Malaysia lo ngại!

Chính phủ hiện tại của Malaysia hoan nghênh các khoản đầu tư trên như sự tiếp sức cần thiết cho một nền kinh tế đang lung lay trong những năm gần đây vì giá dầu thấp và vụ bê bối thất thoát hàng tỉ đô la ở quỹ đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB.

Tuy nhiên, tại Malaysia và nhiều nơi khác trên thế giới, sự phản đối của người dân đối với làn sóng đầu tư từ Trung Quốc đang gia tăng vì họ cảm thấy rằng các lợi ích chỉ dành cho một phía.

Có nhiều yếu tố khiến người dân Malaysia lên tiếng phản đối các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Thứ nhất, có nhiều lo ngại đang lan rộng ở Malaysia về việc Trung Quốc cấp vốn như thế nào cho các dự án lớn ở Malaysia và liệu Malaysia có trả nổi các khoản vay của Trung Quốc hay không. Năm ngoái, Sri Lanka đã ký thỏa thuận trị giá 1,1 tỉ đô để cho Trung Quốc thuê cảng biển chiến lược Hambantota trong 99 năm nhằm trả bớt khoản nợ 1,4 tỉ đô la mà Sri Lanka vay các công ty Trung Quốc để xây dựng cảng này. Thông tin này rất được chú ý tại Malaysia, nơi Trung Quốc đang vung tiền cho vay.

Các công ty Trung Quốc cũng thường bị chỉ trích vì nhập khẩu công nhân, thiết bị và vật liệu từ quê nhà hơn là dựa vào các nguồn lực tại chỗ ở các nước nằm trong sáng kiến Một vành đai, một con đường.

Chính phủ Malaysia viện dẫn lý do bất đồng ngôn ngữ để giải thích về việc cho phép các công ty Trung Quốc đưa công nhân từ quê nhà sang để phục vụ dự án đường sắt bờ đông Malaysia.

Trong khi đó, làn sóng đầu tư bất động sản của Trung Quốc tại Malaysia đang làm dấy lên các lo ngại về chủ quyền và kích động chủ nghĩa bài ngoại ở nước này. Trong giai đoạn 2012-2016, các nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn đến từ Trung Quốc, chiếm khoảng 35% giá trị giao dịch bất động sản ở Malaysia. Đáng chú ý nhất là dự án lấn biển trị giá 100 tỉ đô la để xây dựng thành phố Forest City ở eo biển Johor, làm nơi sinh sống cho 700.000 người.

Cho đến nay, 70% người mua các căn hộ ở dự án này là người Trung Quốc. Mỗi căn hộ ở đây có giá lên đến 250.000 đô la, nằm ngoài tầm với của hầu hết người dân địa phương.

Cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, ứng cử viên thủ tướng của phe đối lập, đối thủ số một của Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak, đã không ngần ngại khai thác những mối lo ngại này.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg gần đây, ông Mahathir dẫn ra việc Sri Lanka đánh mất cảng Hambantota vào tay Trung Quốc và việc người nước ngoài đổ xô đầu tư vào dự án Forest City như là các lý do để giám sát làn sóng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc. “Không nước nào muốn số lượng người nước ngoài khổng lồ tràn vào nước của họ”, ông nói.

Đó là một thông điệp cảnh báo mạnh mẽ. Năm 2015, Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa thất bại trong nỗ lực tái tranh cử vì ông bị cáo buộc quá nồng ấm với Trung Quốc. Tổng thống Sri Lanka đương nhiệm Maithripala Sirisena cũng đang hứng những chỉ trích tương tự.

Dù ông Mahathir không có nhiều khả năng lật đổ chiếc ghế của Thủ tướng Najib Razak trong cuộc bầu cử ngày 9-5, những chỉ trích của ông nhằm vào các khoản đầu tư Trung Quốc đang gây sức ép mạnh mẽ, khiến chính phủ Malaysia ra sức bảo vệ cho các khoản đầu tư này.

Cho dù phe nào thắng trong cuộc bẩu cử này, người dân Malaysia chắc chắn ngày càng hoài nghi hơn về vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế nước này.

Đối với Trung Quốc, diễn biến này là điều không mong đợi. Nguồn tiền đầu tư và cho vay từ sáng kiến Một vành đai, một con đường sẽ là một vấn đề chính trị gây chia rẽ ở nhiều nước khác nằm trong sáng kiến này trừ khi Trung Quốc bảo đảm rằng chúng sẽ không trở thành gánh nặng cho những nước đó. Điều này có nghĩa là Trung Quốc phải cho vay với các điều kiện thoáng hơn, phải thuê công nhân địa phương và phải bảo đảm các lợi ích đến từ sự đầu tư hào phóng của Trung Quốc phải được chia sẻ rộng rãi hơn.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới