(KTSG) - Bạn tôi không phải là người chơi vé số. Nhưng thi thoảng ngồi đấu láo với bạn bè ở cà phê cóc vỉa hè, bao giờ anh cũng mua mấy tấm vé số phát cho mỗi đứa một tấm với lời dặn nếu có trúng giải đủ lớn đừng quên khao hết cả bọn một chầu ra trò. Anh bảo mua vé số kiểu này thì xem như cũng làm việc nghĩa nên bao giờ anh cũng đủ kiên nhẫn chờ để chọn trong số đội ngũ mời chào vé số một người anh nghĩ là cần giúp nhất, thường là người khuyết tật hay người lớn tuổi.
Bạn tôi còn vui miệng kể thêm “kinh nghiệm” về chuyện mua vé số. Đó là, một khi đã mua vé số giúp người bán, thì hãy lấy những tấm vé số mình đã mua chứ đừng chỉ trả tiền, dù mình có ý tốt muốn họ hưởng trọn số tiền đi chăng nữa. Bạn tôi đã gặp phải vài tình huống lúng túng khi từ chối nhận vé số, người bán cũng trả lại tiền rồi cám ơn đi thẳng sau khi nói họ không đi xin. Với họ, bán vé số là một công việc như bao nghề khác, và lúc mời chào các tấm vé số cũng có nghĩa là họ đang làm việc của mình chứ không xin của bố thí.
Còn tôi thì xem những người bán vé số như vậy là người nghèo tự trọng, bởi họ không nhận những gì không phải do mình làm ra. Tuy họ nghèo, nhân cách của họ còn cao quý hơn trăm, ngàn lần những người giàu có nhưng sống trên của cải bòn rút từ xương máu của những người khác, số đông lại là người nghèo.
Trong xã hội có bao nhiêu người giữ được sự tự trọng như số ít người bán vé số vừa nói ở trên? Nói thật, thường thì ai cũng ít nhiều tự trọng, nhưng giữ được lòng tự trọng đó hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác. Tiếng Việt ta lắm lúc cũng thâm thúy lắm. “Giàu” thì đi liền với “sang”, để thành “giàu sang”, và “nghèo” thì phải bắt cặp với “hèn” trở thành “nghèo hèn”. Không phải muốn biện minh gì, nhưng đã “nghèo” thì thường khó tránh được “hèn”, cổ nhân ta đã dạy như vậy.
Còn một chuyện khác đáng nói hơn ở đây. Lần giở lại các số liệu thống kê cũ, chúng ta sẽ thấy vài con số đang suy nghĩ về vé số. Dự toán ngân sách thu từ dầu thô năm 2020 là 34.000 tỉ đồng, trong khi tổng thu từ hoạt động kinh doanh vé số năm 2019 là khoảng 29.000 tỉ đồng và dự toán được Quốc hội phê duyệt từ những tấm vé số trong năm 2020 là 31.700 tỉ đồng, cũng không thấp hơn dầu thô bao nhiêu(1).
Chưa hết, nhiều địa phương, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tổng thu từ vé số từ nhiều năm nay còn lớn hơn tất cả các khoản thu còn lại của ngân sách địa phương. Thế mà, đây lại là một vùng trũng về nhiều mặt của đất nước chúng ta. Thực tế này nói lên điều gì? Người mua vé số phần đông là người nghèo. Với họ, mỗi tấm vé số cũng là nơi gửi gắm ít nhiều hy vọng đổi đời.
Nhưng thực sự có bao nhiêu người trong số đó đã đổi đời từ những tấm vé số may mắn? Không ai có con số chính xác để trả lời cho câu hỏi này, nhưng có thể khẳng định điều sau đây: hoạt động xổ số đã giúp nhiều người nghèo kiếm sống. Ví dụ, theo thống kê năm 2020, tại TPHCM có chừng 30.000 làm nghề bán vé số, trong đó khoảng 18.000 có hộ khẩu tại thành phố. Người bán vé số dạo cũng nằm trong số những đối tượng dễ tổn thương nhất trong xã hội. Đại dịch Covid-19 cũng đã khẳng định thực tế này.
Mấy năm trở lại đây, đội ngũ bán vé số dạo còn chịu sự cạnh tranh của xổ số điện toán. Dù gần đây nhất, dường như tình hình bớt căng thẳng hơn, chuyện tương lai vẫn khó đoán. Tuy nhiên, điều sau đây là chắc chắn sẽ xảy ra: người Việt, cũng như nhân loại, sẽ tiếp tục mua vé số vì những tấm giấy với các con số giúp họ tiếp tục nuôi hy vọng.
Còn tôi thì hy vọng rằng một ngày nào đó - chắc vẫn còn xa lắm chưa biết đến bao giờ - những người bán vé số dạo sẽ không còn phải bán dạo nữa, mà có thể đường hoàng chuyển sang nghề khác, ít phải dãi năng dầm mưa hơn, trong khi thu nhập cao hơn. Chỉ khi nào đội ngũ bán vé số dạo - những người ở tận đáy thu nhập trong xã hội - biến mất hoàn toàn trên đất nước chúng ta, ngày ấy Việt Nam mới trở thành nước giàu.
---------------
(1)https://tuoitre.vn/nhin-vao-nen-kinh-te-ve-so-20200824231635519.htm