(KTSG Online) - Trong một thị trường đầy cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể tìm thấy cơ hội thành công từ thị trường ngách, nhờ định hướng sản phẩm, dịch vụ độc đáo và sự hỗ trợ từ công nghệ.
Hành trình chuyển mình của cửa hàng nhỏ
May mắn là năm qua Woof PET Food & Treat vẫn ổn, chị Nguyễn Ngọc Hân, mở đầu câu chuyện về thị trường kinh doanh các sản phẩm liên quan đến thú cưng đang ngày càng sôi động, nhưng cũng cạnh tranh gay gắt kể từ sau đại dịch Covid-19.
Trong căn nhà phố 4 tầng ở một con hẻm trung tâm ở quận 11 (TPHCM), trụ sở mới của WOOF từ đầu năm 2024, Hân kể năm qua đã sự thay đổi đáng kể của bản thân khi không còn phải vật lộn với những cuốn sổ tay đầy ghi chú lộn xộn như trước.
Tình yêu chó mèo khiến Hân đặt bản thân mình vào cuộc chơi khởi nghiệp từ 10 năm trước, nhưng thiếu kiến thức và quan hệ cần thiết đã khiến cô đối mặt với nhiều thử thách, không chỉ là tiền bạc, mà còn về thời gian và sự kiên nhẫn.
“Tôi từng là người “mù công nghệ” Hân thừa nhận. Ghi chép tất cả bằng sổ tay đã dẫn đến những rắc rối thường xuyên như quên đơn hàng, không nhớ khách đã thanh toán hay chưa, và gặp khó khăn trong việc theo dõi hàng hóa cũng như tính toán chi phí. “Mỗi lần mất sổ là khóc không thành tiếng,” Hân nói.
Bước ngoặt đến khi Hân gặp một vị khách đặc biệt – chị Dương Mai Anh, người từng phàn nàn về quy trình bán hàng thủ công của Woof. “Cách bạn vận hành quá rườm rà, khiến khách hàng mất nhiều thời gian và cảm thấy bất tiện,” chị Mai Anh nhận xét.
Sau lần nói chuyện đó, quy trình bán hàng lỗi thời của Hân đã thay đổi nhờ sự giúp sức của chính Mai Anh, nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Công nghệ Vidiva, đơn vị sở hữu Cổng thanh toán Paykit, một “ẩn số’ mới trên thị trường trung gian thanh toán.
Hiện nay, Hân đã sử dụng laptop và có website riêng, nơi khách có thể tự đặt hàng. Đơn hàng sẽ trả về email sau khi cổng thanh toán xác nhận tiền vào, nhân viên của Hân sau đó chỉ việc soạn và giao đơn. Thời gian còn lại, cô dành để sáng tạo những sản phẩm độc đáo như bánh kem tự vẽ tay dành cho chó mèo. Hân cũng có thêm thời gian và không gian riêng để chăm sóc cho 40 con mèo và 7 chú chó mình đang nuôi, phần lớn trong số chúng bị chủ cũ bỏ rơi. Nếu không có chúng, với quy mô doanh nghiệp của mình, có lẽ Hân không cần phải thuê đến một căn nhà phố nhiều phòng đến như thế.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, thành công hiện tại của Woof có lẽ cũng nhờ vào sự kiên trì với lối đi riêng. Hân quyết định không bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, tức từ chối sự hỗ trợ từ sàn (từ quản trị đơn, giao hàng, thanh toán…). Thay vào đó, cô tập trung xây dựng một cộng đồng khách hàng trung thành, khuyến khích họ tự đặt hàng và thanh toán trực tuyến thông qua website riêng.
“Tệp khách hàng của tôi ổn định, chủ yếu là khách quen, trong đó không ít là khách hàng nước ngoài. Họ là những người "có kiến thức và có trách nhiệm" với thú cưng, sẵn sàng chi trả cho sản phẩm, dịch vụ chất lượng, thay vì vấn đề giá”, Hân nói. COD
Cổng thanh toán cũng tìm lối đi riêng
Không chỉ Woof, Paykit cũng có những khó khăn riêng khi là người mới trên thị trường. Vidiva chính thức nhận giấy phép trung gian thanh toán vào tháng 4-2020. Sau đó một năm, Vidiva ra mắt ví điện tử Ting và bắt đầu thương mại hóa cổng thanh toán Paykit từ tháng 9-2023.
“Thay vì cố gắng chạy đua theo các cổng trung gian thanh toán lớn, chúng tôi cần tập trung phát triển một sản phẩm có giá trị thực sự cho khách hàng. Ngoài nhóm người tiêu dùng cá nhân, cũng có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chưa được hỗ trợ hiệu quả”, chị Mai Anh nói, đồng thời chia sẻ thêm bài học của Woof đã củng cố thêm mục tiêu của mình.
Tính đến cuối năm 2024 có khoảng 50 đơn vị có giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nhưng thời gian cấp phép, mục tiêu và lĩnh vực cũng khác nhau. Ví dụ ở lĩnh vực ví điện tử có nhiều thương hiệu nổi tiếng như MoMo hay ZaloPay tiếp cận nhiều hơn đến người dùng cuối. Còn lĩnh vực cổng thanh toán chủ yếu kết nối doanh nghiệp, thì ít người chú ý.
Hiện nay, lĩnh vực cổng thanh toán có nhiều ông lớn, mỗi đơn vị tận dụng lợi thế riêng để giành lấy thị phần. Ví dụ như VNPAY, kỳ lân fintech thường gắn hoạt động thanh toán với ứng dụng ngân hàng; hay Payoo với sự hậu thuẫn của nhà đầu tư Nhật Bản, đi trước thị trường khá xa trong mảng thanh toán dịch vụ như điện, nước hay các tại các trung tâm thương mại; VNPT Pay có lợi thế tiếp cận với các doanh nghiệp nhà nước.
Khi muốn tham gia với các nhà bán hàng trực tuyến dưới sàn, vấn đề mà Paykit và nhiều cổng thanh toán khác đối mặt là người tiêu dùng vẫn quen trả tiền mặt khi giao hàng (COD). Cả bên bán và mua đều có nỗi lo riêng, dù việc sử dụng các giải pháp thanh toán bảo mật hiện đại là cách để cả hai đỡ gặp rắc rối.
Từ góc độ người bán, mối quan tâm lớn nhất là chất lượng cổng thanh toán và khả năng bảo vệ trước những rủi ro như giả mạo giao dịch, hoặc thanh toán bằng thẻ tín dụng bị đánh cắp. Nhưng trên thị trường, các giao dịch nhỏ lẻ thường không được các đơn vị thanh toán ưu tiên vì doanh thu thấp, nhiều khi phí từ các giao dịch này không đủ bù đắp chi phí hoạt động.
Còn từ phía người mua, việc thanh toán qua thẻ thường mang lại sự an tâm hơn vì các tổ chức phát hành thẻ cũng như ngân hàng thường ưu tiên bảo vệ quyền lọi của chủ thẻ. Nếu có tranh chấp hoặc nghi ngờ gian lận, khách hàng có thể khiếu nại và được hoàn tiền nếu xác định lỗi thuộc về nhà bán hàng.
Tuy nhiên, thói quen dùng thẻ thanh toán vẫn chưa phổ biến. Một phần là do sự thiếu minh bạch trong câu chuyện công bố biểu phí thanh toán. Một số nơi chọn cách trả phí thay người mua, như Woof chẳng hạn, nhưng cũng có không ít nhà bán hàng lại bắt người dùng trả thêm.
Hiện nay, Paykit có một số khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh tự do trong lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm dinh dưỡng, thiết kế, sản xuất nội dung. Phục vụ nhóm đối tượng khách hàng cá nhân kinh doanh tự do (freelancer) hay hộ gia đình được Paykit xem là hướng đi khác biệt với thị trường.
Việc chuyển đổi thành công của Woof đã chứng minh rằng, ngay cả những doanh nghiệp nhỏ cũng có thể đạt được những thành tựu lớn khi biết tận dụng sức mạnh của công nghệ và xây dựng thương hiệu khác biệt. Đại diện Vidiva tin rằng câu chuyện của Woof sẽ là nguồn cảm hứng lớn cho những ai muốn khởi nghiệp.
“Mục tiêu của Paykit là xây dựng một hệ thống vận hành tự động, giúp các nhà bán hàng tự làm mọi thứ mà không cần nhân viên hỗ trợ. Điều này không chỉ giảm chi phí vận hành mà còn giúp tăng quy mô lên dễ dàng hơn. Tôi tin rằng khởi đầu gần như miễn phí và quy trình đơn giản sẽ giúp nhiều người dễ dàng bắt đầu kinh doanh online”, chị Mai Anh nói.
Quy mô kinh tế lớn/ nhỏ, đều cần thiết và tồn tại khách quan trong mọi thời đại. Đặc biệt, lĩnh vực “nhỏ/ siêu nhỏ” có năng lực thích ứng tuyệt vời với mọi hoàn cảnh, theo phương châm “Tự nuôi sống mình trước, sau đó đóng góp cho xã hội”. Nhà nước đỡ phải lo lắng gánh nặng cơm áo gạo tiền cho toàn dân. Với sự hỗ trợ của công nghệ internet, loại hình kinh tế này có cơ hội phát triển như “rồng gặp nước”. Quan trọng là chính sách quản lý cần tạo môi trường thông thoáng để lĩnh vực kinh tế này càng phát huy vai trò.
Để cạnh tranh trực diện với các doanh nghiệp lớn khi vốn ít, khách hàng mỏng, kinh nghiệm chinh chiến thương trường… là rất khó. Giờ đi vào thị trường ngách sẽ tốt hơn, nhất là tận dụng thêm công nghệ để hỗ trợ kinh doanh, giảm sức lao động con người.