Người ta vẫn đọc báo!
Hải Lý
![]() |
(TBKTSG) – Ba năm trước, sau hơn 30 năm miệt mài ở bộ phận môi giới chứng khoán của Merrill Lynch, ông nghỉ hưu. Có nhiều thời gian, ông đi du lịch, viết e-mail tán gẫu với bạn bè, khách hàng mà nhiều người cũng đã lớn tuổi như ông.
Thỉnh thoảng ông trao đổi với tôi vài mẩu tin về hàng xóm, về cái hồ trước nhà vào mùa hè nắng nóng, người ta xuống bơi ầm ầm, nhưng mùa đông thì vắng lặng như tờ, cũng vẫn chuyện gẫu.
Hình như, ông vui vẻ, ông bằng lòng với cuộc sống hiện tại, một cuộc sống mà như ông nói, không cần phải ngày ngày đọc báo, xem vô tuyến, nghe đài, vào Internet tìm kiếm thông tin, theo dõi thị trường tài chính và tư vấn cho khách hàng.
Không có thông tin, ông vẫn sống được, sống khỏe. Rồi có bữa, ông gửi cái e-mail ngắn ngủi, hỏi “còn viết không?”. Cứ như thể tôi cũng như ông, “cắt đứt” việc tiếp xúc với thông tin vậy!
Tôi vẫn viết, vẫn gặp gỡ các nguồn tin, phỏng vấn người này, hỏi han người kia. Tin tức ngồn ngộn, dòng thời sự vẫn chảy, nhưng thông tin trên mặt báo, theo nhận xét của độc giả, dường như ít đi.
Một độc giả đọc báo thường xuyên, đọc nhiều tờ, nói rằng số phát hành của các báo phải giảm. Tôi hỏi vì sao? Vì giá báo tăng? Anh cười ngất: “Báo ở Việt Nam rẻ nhất thế giới”. Vậy thì vì sao? “Vì đọc tờ nào cũng như tờ nào, cũng bằng ngần ấy thông tin. Thay vì mua nhiều tờ, mua hết mọi tờ, bây giờ chỉ cần mua một tờ là đủ”. Tôi lân la hỏi các đồng nghiệp, và giật mình khi biết số phát hành của một vài tờ giảm thật.
Chuyện số lượng phát hành của một số tờ báo giảm ấy có là tin không? Vớ vẩn! Tin tức gì kỳ vậy? Mùa mưa sắp đến, báo bán chậm hơn. Kinh tế khó khăn, người ta tiết kiệm, mua báo ít hơn. Biết đâu một số tờ tự giảm lượng phát hành vì quảng cáo giảm, mà càng in nhiều, phát hành nhiều, càng lỗ. Đơn giản thế, không lẽ cũng làm tin?
Sáng sáng tôi đến tòa soạn. Việc đầu tiên là mở máy tính, vừa lên mạng, vừa đọc báo viết. Một giờ sau, 90 phút sau gọi điện đến vài chỗ, hỏi han, dự định những cuộc gặp cho buổi trưa, buổi chiều, ngày mai, ngày mốt, tuần sau… Bất chợt mấy tuần nay, buổi sáng mà cảm thấy rảnh rỗi, tôi nhìn đồng hồ. Ồ, giờ tôi chỉ mất 15 phút là đọc hết mấy tờ báo ngày. Thêm 15 phút nữa lên mạng là xong. Tôi “mở” lại cái đầu mình. Tin tức từ các báo không nhiều lắm. Chết tiệt! Vị độc giả nào đó có lý. Chỉ cần mua một tờ báo, thay bằng mua nhiều tờ, hết mọi tờ…
Hôm qua, bẵng đi một thời gian chỉ toàn gửi ảnh những miền đất đi du lịch, ông viết cho tôi một e-mail dài. Đầu tiên ông kể chuyện đã thấy một chàng trai trẻ bơi ở hồ trước nhà vào ban trưa, nhiệt độ trong ngày đã tăng, mùa hè sắp đến ở Virginia. Sau ông ca thán chứng khoán xuống giá, mấy cái cổ phiếu blue-chips ông mua trước khi nghỉ hưu giờ giá chỉ còn phân nửa.
Ông phàn nàn báo chí, các phương tiện truyền thông thay giọng ào ào. Mới hai tháng trước đọc báo chỉ toàn thấy u ám, khủng hoảng dài hạn, các ngân hàng đóng cửa cho vay, doanh nghiệp thua lỗ, Dow Jones sẽ về 6.000 điểm, nay mọi thứ bỗng sáng sủa. Kinh tế phục hồi đến nơi, chứng khoán cuối năm lên lại 10.000 điểm, toàn tin màu hồng. Cuối cái e-mail lại hỏi: “Còn viết không?”. Và lên giọng “dạy dỗ”: “Báo chí chỉ nên đưa tin thôi. Cứ cuộc sống thế nào, viết lên thế, đừng bình luận, thuyết minh, phân tích gì cả”.
Tôi phát bực. Người ngoại đạo mà “cả gan” chỉ trích nghiệp vụ báo chí. Tôi muốn gào lên không phải báo chí thay giọng, mà là kinh tế đang thay đổi. Báo chí không đẻ ra chuyển biến kinh tế, báo chí chỉ miêu tả nó. Nhưng chợt nghĩ ông già rồi, người già ưa phô bày kinh nghiệm. Và tự khoái trá với mình: ông kêu ca tin tức thế, nghĩa là ông phải đọc báo, xem ti vi, lên mạng, không khéo đọc nhiều hơn cả hồi còn đi làm.
“Đồng tiền liền khúc ruột”, tiền hưu của ông bỏ vào chứng khoán, giờ Dow Jones mất điểm, ông mất tiền, ông không thể nào không theo dõi nó, không thể nào không đọc báo, nhất là với máu môi giới lành nghề còn lưu lại trong huyết quản. Tôi mang ý nghĩ đó viết vào e-mail trả lời ông. Đọc thư phản hồi, lẩn quất trong những dòng chữ, cảm giác ông đang cười nửa miệng đầy chế giễu, đại ý rằng ba mươi năm kinh nghiệm của ông không có ý nghĩa gì với thị trường, rằng thị trường luôn luôn đúng, rằng cánh nhà báo tài chính vẫn luôn bình luận, nhưng thị trường đâu có trườn theo phân tích của họ. Tôi thấy ớn lạnh.
Từ trước đến nay tôi và các đồng nghiệp khi viết về thị trường tài chính có bình luận không nhỉ? Bình luận đúng được bao nhiêu phần trăm thực tế? Chúng tôi vẫn đang đi sau thị trường, vẫn góp nhặt để trải trên trang báo những thông tin chuyển động trong cuộc sống. Có lúc nào đó, báo chí, ti vi, hay Internet nhặt sai thông tin, hoặc nhặt đúng thông tin mà đặt không đúng chỗ, hoặc đơn giản là đặt không đúng thời điểm? Thế báo chí có nghèo đi, có ít người đọc đi?
Tôi với điện thoại, nhắn tin cho người bạn là độc giả trung thành của báo tôi. Mẩu tin gửi lại một câu hỏi và gợi ý nói đùa: “Không viết được à? Em có thể viết một bài về em không?”.
Ra vậy, dù thế nào người ta cũng vẫn muốn đọc báo, vẫn quan tâm đến khía cạnh này kia. Như thế, đã đủ để cho tin tức trôi trên dòng báo chí hàng ngày!