Người tiêu dùng “bỏ phiếu” bằng ví tiền của mình
Mạnh Cường (TPHCM)
![]() |
Ngày càng có nhiều nhãn hàng nội địa được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh TL. |
(TBKTSG Online) – Mấy tuần qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cơ quan truyền thông trong nước quan tâm với nhiều bài viết, mở diễn đàn, phỏng vấn các nhà kinh tế, chuyên gia… xung quanh việc làm thế nào thực hiện hiệu quả cuộc vận động này.
Theo tôi, có ba thành tố hạt nhân tham gia thực hiện cuộc vận động lớn nói trên, gồm nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Các giải pháp, chính sách của nhà nước thì có thể xem như chất xúc tác, cần xác định được liều lượng vừa đủ, cơ chế hợp lý, cũng như phải lường được những tác dụng phụ (nếu có); mặt khác, cũng cần xác định thời điểm và đối tượng cần sự tác động để đem lại hiệu quả cao?
Thị trường vốn luôn bị chi phối bởi quy luật kinh tế cung – cầu và thường xuyên diễn biến phức tạp, chịu tác động khách quan trong bối cảnh hội nhập. Tìm ra các giải pháp để thực hiện cuộc vận động này bằng hành động thực tiễn, đem lại giá trị thực chất là một bài toán không dễ dàng.
Nhìn kinh nghiệm một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…, thái độ của người dân hết lòng ủng hộ hàng hóa do trong nước sản xuất đã được hình thành trên sự kiên trì, bền bĩ nuôi dưỡng ý thức tự trọng và lòng tự hào dân tộc bắt đầu từ những đứa trẻ lên ba. Sự khéo léo, tinh tường của họ thể hiện qua phim ảnh, văn hóa, ẩm thực…, các sản phẩm xuất hiện trên phim ảnh của họ không thấy bóng dáng nhãn hàng nước ngoài.
Chính phủ ở các quốc gia này đã tạo dựng được một môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh để các doanh nghiệp dồn sức cho công tác nghiên cứu và phát triển. Cơ sở hạ tầng tối ưu khiến chi phí sản xuất ngày mỗi giảm trong khi chất lượng, mẫu mã kiểu dáng ngày càng hiện đại, thân thiện với môi trường… Vậy thử hỏi, người dân của họ sao không tự hào khi xài hàng do chính họ sản xuất?
Cũng thật khó định nghĩa rạch ròi và dễ hiểu, “như thế nào là hàng Việt” trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay. Người tiêu dùng sẽ chọn loại nước uống đóng chai nào trong một “rừng” nhãn hiệu nước “tinh khiết”, “nước suối” sản xuất tại Việt Nam sau khi có rất nhiều thông tin, liên tục phát hiện nhiều loại, nhiều lô sản phẩm bị nhiễm khuẩn.
Trong khi đó, một số hiếm hoi nhãn hiệu của mặt hàng này vẫn giữ được uy tín về chất lượng vệ sinh, an toàn thì lại do nước ngoài đầu tư sản xuất trong nước. Liệu chúng ta có thể tẩy chay loại sản phẩm có quy trình kiểm soát chất lượng tối ưu, đồng thời nhà đầu tư đảm bảo các tiêu chí bảo vệ môi trường và chăm sóc tốt đời sống công nhân? Và xét cho cùng họ cũng sản xuất tại Việt Nam, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam và đóng thuế cho Chính phủ Việt Nam.
Với hàng tiêu dùng, thì khả dĩ còn có thể chọn lựa hàng Việt Nam vì đã có nhiều sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao có thể cạnh tranh với hàng ngoại, nhưng các mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao như hàng điện tử, máy móc cơ khí, xe gắn máy, ô tô… thật khó kiếm được các thương hiệu chính gốc Việt Nam.
Tuy Việt Nam chưa có Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nhưng hiện nay nhiều người tiêu dùng đã sử dụng quyền cao nhất của mình là không mua, không sử dụng mọi loại hàng hóa hoặc dịch vụ nếu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng hoặc không phù hợp túi tiền của họ!
Nói như tiến sĩ Vũ Đình Áng, Viện phó viện Khoa học thị trường giá cả, thì người tiêu dùng đã “bỏ phiếu” bằng ví tiền của mình. Họ có thể dừng lại 5 giây, 10 giây, thậm chí 30 giây để cân nhắc suy nghĩ ưu ái cho hàng Việt, nhưng khi quyết định mua hàng, liệu tình cảm có thắng nổi sự suy tính để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ khi sản phẩm không tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra?
Ngoài ra hiện nay, tuy là người tiêu dùng Việt Nam, nhất là giới trẻ, họ còn là công dân toàn cầu trong thế giới hội nhập. Chỉ cần một cú click chuột, thông tin của các sản phẩm ngoại đầy ắp, hấp dẫn, được hướng dẫn sử dụng, chia sẻ kinh nghiệm tận tình, họ được toàn quyền khen, chê, tẩy chay… trong khi còn rất hiếm doanh nghiệp Việt Nam sử dụng phương tiện này để thỏa mãn mọi chờ mong của người tiêu dùng.
Nhà phân phối liệu có ưu tiên giới thiệu và bán hàng Việt khi nhận được khoản chiết khấu thấp hơn hàng ngoại, chưa kể là họ ít được các nhà sản xuất chăm sóc chu đáo. Tận ở chợ Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) hay Tiểu Cần (Trà Vinh), hàng ngoại vẫn chiếm số lượng lớn và được trưng bày ở vị trí tốt nhất trong các tiệm tạp hóa, các sạp mặt tiền chợ… còn hàng nội nằm khuất sau phía dưới các quầy hàng và thường ít được người tiêu dùng để ý.
Để người tiêu dùng không quay lưng với hàng nội thì các cuộc vận động thôi chưa đủ, mà cần có những thiết chế thị trường căn cơ, hữu hiệu.