Người tiêu dùng dè dặt với sữa Trung Quốc
![]() |
Người tiêu dùng chú trọng hơn với xuất xứ, nguồn gốc các loại sữa trên thị trường – Ảnh: Hữu Thắng |
(TBKTSG Online) – Sau khi có thông tin phát hiện sữa xuất xứ từ Trung Quốc đã có tại TPHCM, nhiều người tiêu dùng không những ngừng sử dụng với những loại sữa bị cảnh báo mà còn “nói không” với những loại sữa mà trên bao bì có chữ Trung Quốc.
Nếu trước đây người tiêu dùng chỉ quan tâm đến hương vị và giá của sữa thì hiện nay, nguồn gốc là tiêu chí được họ đặt lên hàng đầu khi mua hàng. Theo chị Hoàng San, nhân viên bán sữa của nhà phân phối Hancofood trên đường Nguyễn Tri Phương, sau khi có thông tin về sữa Trung Quốc có chứa melamine, có khách hàng đã đến hỏi chị loại sữa thường mua trước đây là của nước nào. Sau khi biết mình không dùng sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc, khách hàng này mới an tâm.
Theo một số chủ cửa hàng sữa, thói quen của người tiêu dùng trước đây là chỉ dừng trước cửa hàng, gọi tên loại sữa mình cần mua rồi trả tiền thì nay họ đã cẩn thận hơn rất nhiều. Đa phần khách hàng hiện nay khi mua sữa đều hỏi xuất xứ từ đâu, nhìn kỹ nhãn mác, bao bì rồi mới chịu mua.
Không những ngừng sử dụng sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số khách hàng cũng “nói không” với những sản phẩm trên bao bì có chữ Trung Quốc mà không cần biết chúng xuất xứ từ đâu.
Chị Ngân Hà, chủ cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông cho biết tại của hàng chị có bán loại sữa có tên Pura, nguồn gốc từ New Zealand nhưng trên bao bì có ghi cả chữ tiếng Anh lẫn tiếng Trung Quốc. Một số khách hàng sau khi nghe thông tin về sữa Trung Quốc hiện nay đã không dùng sữa Pura nữa. Thậm chí có khách hàng mua cả thùng sữa và dùng được một nữa nhưng sau khi nghe thông tin, họ đã đem số sữa còn lại trả lại cho chủ cửa hàng.
Trước tình hình này, Công ty TNHH thương mại dịch vụ tiếp thị Phú Lý, đơn vị phân phối sữa Pura, đã gởi đến chủ cửa hàng một bản xác nhận của Chi cục Thú y TPHCM về việc đã kiểm nghiệm không có chất melamine trong sữa, đồng thời xác nhận sữa Pura có nguồn gốc sữa tại New Zealand. Mặc dù vậy, người tiêu dùng vẫn không tin và trả sữa lại.
Chị Mỹ Linh, người mua sữa trên đường Nguyễn Thông cho rằng không cần biết sữa ở đâu, chỉ cần thấy trên bao bì có chữ Trung Quốc là chị không mua. Tuy nhiên, với những khách hàng đã quen dùng các loại sữa có thương hiệu thì họ vẫn mua hàng bình thường và không có thắc mắc gì, theo lời anh Bỉnh Nam, một chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Bà Hạt.
Anh Trần Hùng Cường, một khách hàng mua sữa trên đường Nguyễn Thông, cho biết chắc chắn anh sẽ không mua sữa Trung Quốc. Nhưng đối với các loại sữa có chữ Trung Quốc trên bao bì thì anh sẽ xem xét nguồn gốc và xuất xứ. Nếu loại sữa có chữ Trung Quốc trên bao bì nhưng có nguồn gốc từ các nước như Úc hay New Zealand thì anh vẫn sử dụng.
Với các chủ cửa hàng bán sữa mà phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tiếp xúc thì câu “Ở đây không có bán sữa Trung Quốc” là câu nói cửa miệng của tất cả các chủ cửa hàng mà phóng viên có dịp trao đổi. Tại khu vực chợ Bình Tây, nơi chuyên bán các loại sữa bột cân ký và các loại sữa có xuất xứ từ Trung Quốc, các chủ cửa hàng tại đây luôn khẳng định mình chỉ bán các loại sữa có tên tuổi như Abott, Mead Johnson hay Vinamilk… chứ không bán sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Một chị bán hàng tại cửa hàng tạp hóa Tuyền Quân trên đường Lê Quang Sung thừa nhận trước đây cửa hàng chị có bán sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng để trấn an khách hàng, chị này cho rằng loại sữa đó đã được trả lại các nhà phân phối và một phần đã bị các cơ quan chức năng tịch thu.
Anh Huỳnh Hải, một chủ cửa hàng khác cũng trên đường Lê Quang Sung cho rằng hiện nay vẫn còn một số người bỏ mối cho cửa hàng anh loại sữa dưới dạng sữa bột, sữa ký không rõ nguồn gốc nhưng họ đều cho rằng đó là sữa có nguồn gốc từ New Zealand. Tại chợ Bình Tây, chủ một sạp hàng chuyên bán các loại bột và ngũ cốc cho biết hiện chị có bán loại sữa bột nhãn hiệu Cô gái Hà Lan nhưng chỉ với giá 24.000 đồng/kg. Chị này khẳng định rằng sữa mình đang bán không phải là sữa của Trung Quốc.
Thông tin về tình hình sữa tại Trung Quốc ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sữa tại TPHCM. Anh Nguyễn Đình Trung, chủ cửa hàng tạp hóa tại quận Tân Bình cho biết hiện nay cửa hàng của anh bán chậm hơn 30% so với ngày thường. Theo ghi nhận của chúng tôi, đó cũng là tình hình chung của các cửa hàng sữa hiện nay.
THANH HẰNG