(KTSG Online) - Số tiền tiết kiệm hàng ngàn tỉ đô la mà người tiêu dùng Mỹ tích lũy trong đại dịch Covid-19 giúp họ tiếp tục mua sắm bình thường bất chấp lạm phát tăng cao. Nhưng hiện tại, nguồn tin đó đang dần cạn kiệt, vì vậy, những thay đổi có thể xảy ra của họ về thói quen mua sắm trong thời gian tới sẽ quyết định liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có tránh được suy thoái hay không.
- Kỳ vọng 2.900 tỉ đô la tiết kiệm ở các nước giàu sẽ thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu
- ‘Bánh xe’ suy thoái đang lăn trong nền kinh tế Mỹ
Trong hai năm qua, người tiêu dùng Mỹ đã rút hơn 2 nghìn tỉ đô la tiền tiết kiệm tăng thêm trong thời kỳ đại dịch để tiếp tục chi tiêu dù giá cả tăng nhanh. Điều đó cho phép nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn kỳ vọng ngay cả khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập niên.
Nhưng khi vùng đệm tiền mặt thu hẹp lại, người tiêu dùng Mỹ đang trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào tiền lương để duy trì thói quen chi tiêu thường ngày.
Theo hai nhà nghiên cứu Wendy Edelberg và Sofoklis Goulas ở Dự án Hamilton của Viện Brookings, điều đó đang “khiến các hộ gia đình đứng giữa ngã tư đường”, đặc biệt là các gia đình có thu nhập thấp, khi họ cân nhắc thay đổi chi tiêu và liệu có nên vay nợ nhiều hơn hay không.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn bất đồng về vấn đề này. Một số người cho rằng, tiền tiết kiệm cạn kiệt kết hợp với những căng thẳng tài chính sắp tới, chẳng hạn như việc nối lại các khoản thanh toán nợ vay sinh viên vào tháng 10 đối với hàng triệu người, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Họ nhận định, với chí phí vay đắt đỏ và các điều kiện vay khó khăn hơn do các hành động của Fed, người tiêu dùng sẽ buộc phải cắt giảm chi tiêu, khiến tăng trưởng kinh tế suy giảm.
“Ngày càng nhiều hộ gia đình đối mặt với những hạn chế về ngân sách. Đó sẽ là lực cản cho cho chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ”, Jonathan Pingle, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng UBS nói.
Các nhà kinh tế khác bày tỏ quan điểm lạc quan hơn. Họ nhận thấy lạm phát suy yếu cùng với thị trường việc làm vẫn ổn định cho phép cho người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu, ngay cả khi tiền tiết kiệm của họ cạn dần.
“Tăng trưởng thu nhập hiện mạnh hơn lạm phát. Vì vậy, nhu cầu tiết kiệm vượt mức để hỗ trợ chi tiêu đang tiếp tục giảm dần”, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nói.
Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng mạnh vào tháng trước. Các chuỗi siêu thị của Walmart, Target và Home Depot đều báo cáo lợi nhuận vượt ước tính của Phố Wall trong quí tài chính gần nhất. Dù vậy, giới lãnh đạo ngành bán vẫn thận trọng về triển vọng kinh doanh những tháng tới.
“Có những lý do để lạc quan trong các lĩnh vực như việc làm và lạm phát tiền lương. Và có những lý do khác để lo ngại, vì ngân sách của người tiêu dùng có khả năng suy yếu theo thời gian”, Doug McMillon CEO của Walmart, nói trong cuộc họp báo với các nhà phân tích hôm 17-8
Tiền tiết kiệm của người Mỹ tăng lên trong thời kỳ đại dịch nhờ các khoản trợ cấp tiền mặt trực tiếp và các phúc lợi khác của chính phủ cũng như việc họ cắt giảm chi tiêu cho các bữa ăn tại nhà hàng, các kỳ nghỉ và nhiều dịch vụ khác. Hiện tại, vẫn chưa rõ số tiền tiết kiệm đó còn lại bao nhiêu.
Hồi tháng 6, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng có khả năng người tiêu dùng Mỹ vẫn còn một số tiền tiết kiệm. Nhưng ông lưu ý, “động lực chính” đằng sau tiêu dùng và nền kinh tế là sức mạnh của thị trường việc làm và thu nhập cao hơn của người lao động.
Trong một bài viết hôm 16-8, hai nhà nghiên cứu Hamza Abdelrahman và Luiz Oliveira của Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực San Francisco cho rằng, khoản tiết kiệm tăng thêm của người dân Mỹ trong đại dịch có thể sẽ cạn kiệt trong quí này.
Theo Robert Sockin, nhà kinh tế toàn cầu cấp cao của ngân hàng Citigroup, đánh giá đó quá bi quan. Ông ước tính, các hộ gia đình Mỹ vẫn còn 1,4 nghìn tỉ đô la tiền tiết kiệm mà họ có thể rút ra để chi tiêu. Có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ vẫn đủ khả năng duy trì sức chi tiêu hiện nay trong bối cảnh Fed thắt chặt tín dụng. Đó là lý do khiến Citigroup đẩy lùi thời điểm dự báo suy thoái mà ngân hàng ban đầu cho rằng sẽ xảy ra vào vào quí đầu tiên của năm sau.
Tuy nhiên, các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn bắt đầu cảm thấy căng thẳng.
“Khoản tiền tiết kiệm của một nửa số hộ gia đình có thu nhập thấp ở Mỹ gần như cạn kiệt, trong khi chi phí trả nợ tăng nhanh, đang gây căng thẳng tài chính đối với họ”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics, viết trong một báo cáo hôm 14-8.
Tín dụng quay vòng của người tiêu dùng đã tăng hơn 10% trong năm qua do người Mỹ sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn, dù chi phí cho khoản vay đó tăng mạnh. Các khoản nợ quá hạn đối với các khoản vay mua ô tô và nợ thẻ tín dụng cũng đã xuất hiện.
Theo Edelberg và Goulas của Brookings, ít nhất cho đến nay, những dấu hiệu như vậy chưa mức đáng báo động. Nhưng nếu các hộ gia đình khó khăn về tài chính vay thêm nợ, điều đó sẽ đáng lo ngại hơn. “Chúng tôi hơi lo lắng nếu các hộ gia đình tiếp tục chi tiêu nhiều như hiện tại so với thu nhập của họ. Nhưng với nền kinh tế nhìn chung đang hoạt động tốt về mặt tăng trưởng việc làm, không rõ liệu chúng ta có chứng kiến suy thoái hay không”, Goulas nói trong một cuộc phỏng vấn.
Theo Bloomberg