(KTSG Online) - Người tiêu dùng Mỹ đang “giải cứu” nền kinh tế toàn cầu khi họ tăng cường chi tiêu bằng cách sử dụng hàng ngàn tỉ đô la tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 nhờ các gói cứu trợ khổng lồ của chính phủ. Sức chi tiêu mạnh mẽ đó giúp nhiều nước trên thế giới tăng tốc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.
- Kinh tế Mỹ phục hồi nhanh hơn dự báo nhờ thích nghi với tình hình dịch bệnh
- Nền kinh tế Mỹ lấy lại 22 triệu việc làm đã mất trong đại dịch Covid-19
Trái lại, sức chi tiêu của người dân ở Trung Quốc, nền kinh tế thứ nhì thế giới, vẫn èo uột, kìm hãm hoạt động sản xuất công nghiệp ở những nước đang bán hàng hóa sang Trung Quốc.
Trở lại năm 2009, các công ty trên toàn cầu dựa vào thị trường Trung Quốc để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính. Hiện nay, với lạm phát ở mức cao trong nhiều thập niên, họ hướng đến thị trường Mỹ để duy trì tăng trưởng.
Vai trò của Trung Quốc trong việc hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn 10 năm được đánh giá quá cao. Vào thời điểm đó, gói kích thích trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 586 tỉ USD hiện tại) nhắm đến lĩnh vực hạ tầng mà Bắc Kinh triển khai đã bù đắp cho nhu cầu sụt giảm mạnh ở nước ngoài.
Nhờ gói kích thích này, Trung Quốc đã tăng cường mua quặng sắt cũng như các hàng hóa nguyên liệu từ Úc và các các nước khác. Nó cũng hỗ trợ dòng doanh thu tại Trung Quốc của các doanh nghiệp như chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks (Mỹ) và hãng Volkswagen (Đức).
Nỗ lực kích thích đã tạo ra hiệu quả rõ rệt, đẩy GDP hàng quí của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng đến 11,9% vào cuối năm 2009. Vì hầu hết nhu cầu phi hàng hóa được tạo ra bên trong biên giới Trung Quốc nên ảnh hưởng của nó đối với việc tạo việc làm ở nước ngoài là rất hạn chế.
Giờ đây, Mỹ đang đóng vai trò hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu. Nhờ các gói kích thích khổng lồ của chính phủ, tiền tiết kiệm của các hộ gia đình Mỹ đã tăng thêm 2,5 ngàn tỉ đô la kể từ tháng 3-2020, theo Viện Brookings. Tất cả số tiền mặt đó là một phần lý do tại sao doanh số bán lẻ bất ngờ tăng 0,6% trong tháng 7-2022 so với tháng trước, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ.
Đồng đô la Mỹ tăng mạnh trong năm nay, thúc đẩy hoạt động nhập khẩu của Mỹ. Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của Mỹ tăng 20% trong 6 tháng đầu năm 2022 và tăng 12% từ châu Âu. Tiêu dùng của người dân Mỹ gần đây tăng chậm lại khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng được giải quyết và những người Mỹ có thu nhập thấp hơn cảm thấy sức ép do giá cả tăng cao.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp lớn của nước ngoài vẫn tiếp tục kiếm bộn tiền từ thị trường Mỹ. Ví dụ doanh thu của hãng xa xỉ phẩm LVMH (Pháp), chủ sở hữu của thương hiệu trang sức cao cấp Tiffany và thương hiệu thời trang Christian Dior, tăng 21% trong nửa đầu năm nay, dù doanh số bán hàng ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, về cơ bản không tăng do tình trạng phong tỏa kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc. Doanh thu của LVMH cải thiện là nhờ mức tăng trưởng doanh thu 27% ở Mỹ .
Mùa hè này, chuỗi cửa hàng nội thất Home Depot đã nhanh chóng bán hết bộ xương khổng lồ để trang trí dịp lễ hội Halloween với giá 299 đô la. Những bộ xương này được sản xuất tại Trung Quốc.
Người Mỹ, những người bị ảnh hưởng ít hơn so với người châu Âu bởi cuộc chiến ở Ukraine, cũng đang chi tiêu mạnh mẽ ở nước ngoài. Hãng bảo hiểm du lịch Allianz Partner ước tính các chuyến đi du lịch của người Mỹ ở châu Âu tăng 600% vào mùa hè này. Và họ cũng đang chi tiêu nhiều hơn, với ngân sách trung bình tăng từ 440 đô la vào năm ngoái lên 2.760 đô la trong năm nay trong mỗi chuyến du lịch, theo một cuộc khảo sát của Ipsos. Mức chi tiêu này cao hơn nhiều so với mức chi tiêu 1.800 đô la của người dân châu Âu trong các chuyến du lịch.
Theo Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), mức chi tiêu gia tăng đột biến của du khách Mỹ sẽ giúp ngành du lịch gần phục hồi mức đóng góp 10% vào GDP toàn cầu trước đại dịch.
Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ có thể tiếp tục tăng trong một thời gian nữa. Giám đốc điều hành Ngân hàng đầu tư JPMorgan, Jamie Dimon cho biết vào tháng 6 rằng người Mỹ vẫn còn tới 9 tháng nữa để chi tiêu ở mức cao.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Ngân hàng Bank of America, Brian Moynihan tỏ ra lạc quan hơn. Trong cuộc trao đổi với CNBC hồi tháng 7, ông cho biết hiện nay, ngay cả những người có thu nhập trung bình ở Mỹ cũng có khoản tiết kiệm khoảng 13.000 đô la để đáp ứng nhu cầu mua sắm đang bung ra ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19. Trước đại dịch, họ chỉ có khoảng 3.500 đô la trong tài khoản ngân hàng.
Bất chấp lạm phát, người tiêu dùng Mỹ đang lạc quan hơn về nền kinh tế khi giá xăng giảm liên tục. Dữ liệu công bố hôm 30-8 cho thấy trong tháng 8, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ, do nhóm nghiên cứu quản lý kinh doanh và kinh tế Conference Board theo dõi, tăng lên 103,2 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 5.
Trong năm nay, đóng góp của Trung Quốc cho kinh tế toàn cầu chủ yếu là tiêu cực. Tỷ trọng đóng góp của tiêu dùng tư nhân cho GDP của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống còn 37% vào cuối năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 68% ở Mỹ. Thặng dư thương mại của Trung Quốc cao kỷ lục, cho thấy nhu cầu trong nước yếu.
Các công ty nước ngoài kinh doanh tại Trung Quốc đang bị tổn thương. Starbucks đã tăng doanh số bán hàng ở cùng cửa hàng lên 9% ở Bắc Mỹ nhưng lại giảm 44% ở Trung Quốc trong quí kết thúc vào ngày 3-7. Doanh số bán hàng hàng quí của hãng xe Ford Motor tại Trung Quốc giảm 38% so với mức cuối năm 2021.
Stellantis, nhà sản xuất ô tô đến từ châu Âu, đã “tung cờ trắng” và chấm dứt một liên doanh tại nước này. Một trong những điểm đáng chú ý duy nhất là nhờ lĩnh vực bất động sản đang suy thoái, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát giá hàng hóa.
Đối với một số công ty, thiệt hại kinh tế ở Trung Quốc chỉ gây tác động nhỏ. Dù nền tảng đặt phòng trực tuyến Airbnb đã đóng cửa hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc với tất cả các phòng niêm yết ở Trung Quốc đại lục bị gỡ xuống khỏi trang web và ứng dụng của Airbnb hồi tháng 7, doanh thu đặt phòng trực tuyến toàn cầu của Airbnb dự kiến tăng kỷ lục gần 3 tỉ đô la trong quí 3. Giống như nhiều công ty khác, Airbnb cần phải “cảm ơn” người tiêu dùng Mỹ.
Theo Reuters