(KTSG) Người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi, đang phải đối mặt với sức ép lớn khi giá cả lương thực, thực phẩm liên tục leo thang, chạm mức cao nhất kể từ năm 2011.
Giá lương thực, thực phẩm leo thang trên toàn cầu
Đầu năm nay, Celia Matos, một bà mẹ đơn thân tại khu ổ chuột Paraisópolis ở thành phố São Paulo, Brazil, vẫn có đủ tiền mua những thứ cơ bản để nuôi gia đình. Thế nhưng, giờ đây khi giá thịt và các loại thực phẩm khác đã tăng 30%, bà thường phải đi ngủ với cái bụng đói, để dành gạo và đậu cho bốn đứa con của mình.
“Thật đau đớn”, bà Matos chia sẻ. “Đôi khi tôi chỉ muốn khóc… tôi mua gas để nấu ăn và sau đó không đủ tiền mua thức ăn, hoặc nếu mua thức ăn thì lại không có tiền mua xà phòng”. Bà thậm chí còn không đủ khả năng mua những túi xương còn sót lại của cửa hàng bán thịt.
Giá lương thực, thực phẩm tăng ngày càng gây ra nhiều khó khăn cho người tiêu dùng trên khắp thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) đã tăng với tốc độ chóng mặt, lên tới 31% trong tháng 10 vừa qua. Chỉ số hàng hóa thực phẩm và đồ uống của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng tăng với tốc độ tương tự. Trên thực tế, sau khi tính đến yếu tố lạm phát, giá thực phẩm toàn cầu hiện đang cao hơn mức đỉnh vào các năm 2008 và 2011.
Các số liệu cho thấy, lạm phát giá thực phẩm tiêu dùng đang ở mức 4,5% tại gần 30 nước giàu thuộc OECD, tức cao gấp ba lần so với mức gần đây nhất vào tháng 5. Ở một số nền kinh tế mới nổi, giá thực phẩm thậm chí đang tăng ở mức hai con số. Người tiêu dùng ở các nền kinh tế mới nổi như Argentina, Brazil, Colombia, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt mức lạm phát thực phẩm hơn 10% một phần do đồng tiền của họ giảm giá so với đô la Mỹ.
Ông Christian Bogmans, chuyên gia kinh tế tại IMF, cho biết: “Vì hàng hóa thường được giao dịch và thanh toán bằng đô la Mỹ, điều này làm tăng lạm phát giá cả thực phẩm ở các nền kinh tế mới nổi”.
Ở Nga, chi phí thực phẩm đắt đỏ đã trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng. Thu nhập thực tế của người dân Nga đang giảm xuống, khiến tỷ lệ tín nhiệm của cử tri dành cho đảng cầm quyền nước Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Còn tại châu Á, nơi mức độ lạm phát thấp hơn, thời tiết xấu đã ảnh hưởng đến mùa màng, dẫn đến việc giá cả tăng vọt ở một số nơi. Mưa lớn ở Ấn Độ trong những tháng gần đây đã gây ra lũ lụt và lở đất, phá hủy mùa màng và đẩy giá các loại rau như súp lơ và hành tây lên cao. “Chúng tôi cố gắng xoay xở bằng cách chỉ ăn cơm, đôi khi là ăn bánh mì với đường. Có còn lựa chọn nào khác đâu”, Shanti Horo, một đầu bếp 41 tuổi và là bà mẹ đơn thân tại New Delhi, cho biết.
Mưa lớn cũng đã ập đến các tỉnh có sản lượng rau hàng đầu của Trung Quốc, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã phát sinh kể từ khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại sau quãng thời gian bị thiệt hại nặng nề vì đại dịch. Giá cả thực phẩm và nhiều mặt hàng khác cũng đang tăng nhanh theo từng tuần. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, giá thực phẩm trong tuần kết thúc vào ngày 31-10 đã tăng 3,7% so với tuần trước đó, với giá thịt heo tăng 10,6%, giá trứng gà tăng 6,4%. Còn trong tuần kết thúc vào ngày 26-9, giá thực phẩm cũng đã tăng 4,3% so với tuần trước đó.
Ông Bruce Pang, Giám đốc bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô ở Công ty tư vấn China Renaissance, nhận định sức ép lạm phát và xu hướng siết chặt chính sách tiền tệ ở các nước khác sẽ hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc, có thể khiến tăng trưởng của nước này chỉ đạt khoảng 4-5% trong quí 4-2021.
Philippines và một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng phải vật lộn với giá rau và dầu cọ đắt đỏ hơn. Còn tại Trung Đông, Iran và Afghanistan đã phải tăng mạnh lượng nhập khẩu lúa mì. Hạn hán tại khu vực này đã ảnh hưởng đến vụ mùa, làm gia tăng mức độ phụ thuộc vào ngũ cốc nhập khẩu đúng vào thời điểm giá cả trên thị trường thế giới tăng cao.
Mỹ Latinh gặp thách thức nghiêm trọng
Tình hình trở nên đặc biệt tồi tệ tại Mỹ Latinh, nơi các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát đình trệ, một sự kết hợp giữa việc kinh tế không tăng trưởng và giá cả tăng phi mã. Liên hiệp quốc ước tính, hàng chục triệu người tại khu vực này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn hoặc suy dinh dưỡng.
Julieta Irureta, một y tá 27 tuổi đến từ Buenos Aires, cho biết cô không còn đủ khả năng để cung cấp cho cậu con trai bốn tuổi của mình chế độ ăn uống cân bằng cần thiết. Cô nói: “Chúng tôi đã dành gần hai năm để mạo hiểm cuộc sống của mình trên tuyến đầu chống dịch, và bây giờ mức lương của chúng tôi ngày càng khó để đảm bảo có thể mua đủ thực phẩm”.
Thậm chí, nhiều người tiêu dùng giờ đây đang phải yêu cầu người bán thịt cắt riêng những bộ phận giá rẻ như mề gà để mua về làm thức ăn cho gia đình, thay vì dành cho thú cưng như trước đây.
Ông William Jackson, chuyên gia kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi tại công ty nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London, cho biết: “Lạm phát đặc biệt trầm trọng ở Mỹ Latinh. Mức lạm phát tại đây tăng mạnh hơn nhiều so với các khu vực khác”.
Thực vậy, lạm phát đang vượt quá mục tiêu của các ngân hàng trung ương trong khu vực - riêng Brazil là cao hơn mục tiêu 3 lần. Tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ qua của quốc gia này cũng đã ảnh hưởng xấu đến mùa màng và làm khô cạn các hồ chứa cung cấp năng lượng cho các đập thủy điện, gây thêm áp lực lên giá điện. Theo một nghiên cứu của Getulio Vargas Foundation, tại Brazil, thịt bò và trứng đắt hơn 20% so với năm ngoái, trong khi giá thịt gà và cà chua đã tăng gần 30%. Giá thực phẩm và năng lượng tăng cũng khiến lạm phát ở Mexico, Colombia, Peru và Chile cao hơn.
Các chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách cảnh báo, thiệt hại do giá lương thực thực phẩm tăng tại Mỹ Latinh có thể lớn hơn và kéo dài hơn. Các ngân hàng trung ương của khu vực đã mạnh tay tăng lãi suất trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Cả Brazil và Chile đều vừa công bố đợt tăng lãi suất lớn nhất trong vòng hai thập kỷ qua.
Đây có thể coi là những liều thuốc đắng khó nuốt trôi đối với một khu vực vừa phải hứng chịu mức thiệt hại kinh tế nặng nề nhất thế giới do đại dịch Covid-19. Các số liệu từ Our World in Data cho thấy, tỷ lệ tử vong trên đầu người tại khu vực này, cao hơn tất cả các khu vực khác trên thế giới.
Các nước phát triển cũng đối mặt với sức ép
Tại các quốc gia phát triển, dù giá thực phẩm có mức tăng thấp hơn, nhiều người tiêu dùng vẫn cảm thấy sức ép, đặc biệt là những người có mức thu nhập thấp.
Tại cửa hàng thực phẩm I Fresh ở Sunset Park, một khu phố của tầng lớp lao động ở Brooklyn, New York (Mỹ), cô Lily Leong cầm một bó hành lá lên, nhưng rồi lại vội vàng đặt xuống khi nhìn thấy mức giá 1,99 đô la. “Trước đây, giá ba bó hành lá chỉ 1 đô la”, cô cho biết. Với thịt bò, tình hình cũng tương tự. “Mọi thứ đều trở nên quá đắt đỏ”.
Các số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 10, chỉ số giá thực phẩm đã tăng gần 2% ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và tăng hơn 4% ở Mỹ. Còn tại Nhật Bản, mức giá mà người tiêu dùng phải trả cũng đã tăng 1% trong tháng 9.
Giới chức các nước đều bày tỏ những lo ngại về tình hình hiện nay. Chia sẻ với BBC, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Andrew Bailey nói rằng ông “rất xin lỗi” vì lạm phát ở Anh đang tăng mạnh và có thể đạt mức 5% vào tháng 4-2022. Ông cho biết các hộ gia đình đang cảm nhận được tác động của tình hình giá cả leo thang.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan, Grzegorz Puda, gần đây đã lên tiếng cảnh báo việc giá phân bón tiếp tục tăng có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực ở nước này. Trong viễn cảnh tệ hại nhất, đà tăng giá kết hợp của thực phẩm và năng lượng có thể đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân toàn cầu giữa lúc thế giới đang cố gắng thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19.
Nhiều người dân hiện vẫn đang cố gắng thích ứng với tình hình mới. Chị Nancy - một người dân tại Brooklyn, New York thừa nhận giá cả đang tăng lên, nhưng đồng thời cũng cho biết, gia đình chị vẫn có thể ứng phó với sự thay đổi này.
Tuy nhiên, việc người tiêu dùng tại các nước phát triển có thể tiếp tục mua các sản phẩm quen thuộc trong bao lâu nữa vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp, trong bối cảnh các chi phí đầu vào như giá năng lượng tiếp tục tăng cao. Bà Fiona Boal - người đứng đầu bộ phận hàng hóa tại S&P Dow Jones Indices nhận định: “Cuối cùng, nỗi lo lạm phát sẽ tràn từ năng lượng sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế, bao gồm cả ngành lương thực thực phẩm”.
Nguồn: WSJ, CNBC, Bloomberg, Financial Times, BBC