Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người tiêu dùng trong vòng xoáy của phụ phí dịch vụ

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong bối cảnh giá cả hàng hóa leo thang, phí cố định của nhiều dịch vụ tăng lên thì việc gồng thêm những khoản phụ thu chưa rõ căn cứ trong thời gian qua càng khiến người tiêu dùng thêm bức xúc. Điều đáng nói, các phụ phí này thường phát sinh ở mùa cao điểm sử dụng dịch vụ và người tiêu dùng luôn ở thế bị động.

Muôn kiểu phụ phí khi nhu cầu tăng

Gần đây khi nhu cầu đi lại trong dịp hè tăng mạnh nên một số hãng hàng không triển khai thêm dịch vụ thu phí để ưu tiên làm thủ tục nhanh. Bên cạnh đó Grab thu “phụ phí nắng nóng” hay trước đó là phụ phí xét nghiệm Covid-19 cũng khiến cho người tiêu dùng trở nên căng thẳng hơn khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ.

Cụ thể, một số hãng hàng không như Vietjet, Bamboo Airways… vừa triển khai dịch vụ thu thêm 100.000 – 140.000 đồng tùy chuyến đối với khách muốn làm thủ tục nhanh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Các hãng hàng không đưa ra thêm lựa chọn cho khách hàng nhưng lại gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng như vậy là có sự phân biệt, thậm chí không công bằng. Bởi cùng một loại vé, những lúc đông khách, một bên phải chờ đợi cả giờ, một bên được ưu tiên phục vụ sau khi đóng thêm phí.

Các hãng bay riển khai thêm dịch vụ thu phí để ưu tiên làm thủ tục nhanh đang gây bức xúc cho nhiều khách hàng. Ảnh minh họa: DNCC

Ngay sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không tạm dừng triển khai dịch vụ ưu tiên làm thủ tục hàng không tại sân bay. Cục đang cho rà soát lại các quy định để đánh giá việc thu phí làm thủ tục nhanh này đúng hay sai. Hiện tại chưa có quy định nào nói về dịch vụ thu phí làm thủ tục.

Cũng liên quan đến phụ phí dịch vụ, mới đây thông tin Grab phụ thu “phí nắng nóng” đã khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc. Cụ thể, từ 6-7 Grab thông báo áp dụng thu thêm phụ phí nắng nóng tại các địa phương với mức 5.000 đồng mỗi chuyến GrabBike, đơn hàng GrabFood, GrabMart và 3.000 đồng với dịch vụ GrabExpress. Phụ phí sẽ được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến xe. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra sau thông báo này.

Thực tế cho thấy, phụ phí nắng nóng của Grab là sự “kéo dài” những phụ phí hãng này từng thu của khách như giờ cao điểm, kẹt xe, Tết… với múc thu từ 10.000 – 15.000 đồng/chuyến. Nhiều ý kiến cho rằng, với diễn tiến gia tăng phụ phí như hiện nay đơn vị này phần nào tận dụng ưu thế chi phối thị trường (hơn 70% thị phần) và đặt ra điều kiện cho các khách hàng lẫn đối tác của mình.

Tuy vậy, ngay sau khi phụ phí nắng nóng được Grab đưa ra, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có công văn yêu cầu Grab phối hợp giải trình thông tin. Đến nay Grab vẫn chưa có báo cáo cụ thể về vấn đề này và đã xin lùi thời hạn cung cấp thông tin.

Người tiêu dùng bị động

Từ các trường hợp nêu trên, có thể nhận thấy các khoản phụ phí đang được nhà cung ứng áp dụng tại một số lĩnh vực kinh doanh đặc thù hoặc đang chi phối thị trường. Các doanh nghiệp đều muốn tận dụng các khoản phụ phí để tăng nguồn thu trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các khoản phụ phí này không chỉ tạo sức ép về chi phí cho người sử sử dụng dịch vụ mà còn tạo ra tiền lệ xấu cho nhiều lĩnh vực khác nhắm vào túi tiền của người tiêu dùng.

Đơn cử như vấn đề hãng bay ưu tiên làm thủ tục nhanh cho một số hành khách buộc số đông còn lại sẽ làm chậm hơn. Đồng thời, việc khách chấp nhận chi tiền để check-in nhanh sẽ dễ dẫn đến hãng bay cố tình làm chậm trễ để thu lợi nhiều hơn. Điều này tạo ra tiền lệ xấu cho không riêng ngành hàng không mà cả những ngành khác.

Chia sẻ với báo chí, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính cho rằng, việc một số hãng hàng không triển khai dịch vụ ưu tiên làm thủ tục nhanh có trả phí là giải pháp để tăng nguồn thu ngoài giá vé. Nếu khách chi tiền được ưu tiên thì sẽ xảy ra sự bất công bằng giữa hành khách phải xếp hàng chờ đợi và hành khách được làm thủ tục nhanh.

Chuyên gia này đặt vấn đề, thay vì vẽ thêm dịch vụ để thu phí tại sao các hãng không nâng cao năng lực khai thác bằng cách đẩy mạnh dịch vụ làm thủ tục online? Nếu như vậy khách hàng sẽ không phải xếp hàng chờ đợi làm thủ tục tại sân bay và cũng sẽ không phải mất thêm phí để được ưu tiên. Trách nhiệm kinh doanh của các hãng bay là nâng cao chất lượng dịch vụ để làm hài lòng khách hàng chứ không phải phát sinh dịch vụ để thu tiền khách hàng.

Hay như vấn đề về hàng loạt phụ phí mà Grab đưa ra trong thời gian qua cũng được đánh giá là hình thức tăng thu tận dụng lợi thế chi phối thị trường và đưa khách hàng vào thế bị động.

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người dân và sự minh bạch trong các hoạt động kinh doanh, cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc kiểm tra, kiểm soát mức giá của các hãng xe công nghệ theo đúng quy định.

Theo luật cạnh tranh 2018, doanh nghiệp có thị phần 30% trở lên được xem là có vị trí thống lĩnh thị trường, phải chịu sự giám sát riêng để đảm bảo không lợi dụng vị trí đặc biệt để trục lợi. Điều 27 của luật này quy định những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền bị cấm như “áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý… có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng” và “áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới