Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Người Trung Quốc muốn gì?

Lê Hữu Huy(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Theo giới thiệu về quyển sách Người Trung Quốc muốn gì? trên The Financial Times, tác giả Tom Doctoroff đã điều hướng sự giao thoa hấp dẫn giữa thương mại và văn hóa để giải thích những điều bí ẩn của Trung Quốc cũng như khám phá những nguồn lực văn hóa, chính trị và kinh tế hình thành nên người Hoa đại lục thế kỷ 21 và ý nghĩa của chúng đối với doanh nhân, nhà tiếp thị và du khách quan tâm đến đất nước rộng lớn này.

Người cao tuổi ở Trung Quốc tạo nên nền kinh tế bạc trị giá tới 30.000 tỉ nhân dân tệ (4.100 tỉ đô la), chiếm 10% GDP vào năm 2035. Ảnh: Getty Images

Người Trung Quốc muốn gì? là tựa đề sách của Tom Doctoroff, một người Mỹ đã trải qua 20 năm sinh sống và làm việc tại Trung Quốc trên cương vị CEO khu vực Bắc Á và châu Á Thái Bình Dương của Công ty truyền thông tiếp thị nổi tiếng toàn cầu J. Walter Thompson Worldwide.

Tôi “tậu” được quyển sách này cách đây 12 năm sau chuyến đi Bắc Kinh lần đầu tiên trong đời với tâm niệm rằng những hiểu biết của bản thân về đất nước và con người Trung Quốc còn rất hạn chế. Mặc dù có vài luận điểm và đánh giá không hoàn toàn thuyết phục nhưng quyển sách đã giúp tôi làm sáng tỏ nhiều điều mà mình còn chưa rõ cũng như hệ thống hóa lại những kiến thức mà tôi tưởng mình đã biết để ứng dụng vào thực tiễn hoạt động kinh doanh hay tư vấn cho khách hàng. Thời gian dần trôi, quyển sách vẫn đồng hành với tôi mỗi khi bản thân cần tìm câu trả lời cho một vấn đề nào đó liên quan đến đất nước và con người Trung Quốc. Và nay câu hỏi làm tựa đề của quyển sách nói trên lại ám ảnh tôi trong suốt chuyến đi bảy ngày ở Trung Quốc hồi tháng 6 vừa rồi.

Bản sắc văn hóa và con người Trung Quốc

Theo tác giả Tom Doctoroff, người phương Tây thường mơ hồ trước những điều có vẻ nghịch lý của xã hội Trung Quốc đương đại. Một mặt, người Trung Quốc thận trọng và tự bảo vệ mình. Họ bị ràng buộc bởi các quy tắc, gắn chặt với trật tự, dè dặt khi thay đổi, bị ám ảnh bởi thể diện, e dè bày tỏ ý kiến và cực kỳ phân cấp. Mặt khác, họ có tham vọng và thích thể hiện một cách táo bạo về địa vị, thể hiện qua nỗi ám ảnh về các thương hiệu xa xỉ như một công cụ để thăng tiến. Họ cũng có tinh thần kinh doanh, đam mê thành tích giáo dục, hoạt động theo khát vọng công nghiệp, tinh thần dân tộc chủ nghĩa và được thúc đẩy bởi sự thành công.

Tom Doctoroff cho rằng người Trung Quốc rất đa dạng nhưng có những điểm thống nhất và biến thể phản ánh sự thật về kinh tế xã hội và địa lý: xung đột thống nhất theo Nho giáo giữa việc tự bảo vệ và thể hiện địa vị - mà việc dùng hàng hiệu là biểu hiện cụ thể. Bất chấp phát triển kinh tế và các cơ hội về vật chất hay lối sống mới, bản sắc văn hóa địa phương vẫn còn nguyên vẹn. Trung Quốc đang hiện đại hóa nhưng không trở thành phương Tây và cũng không ở trong tình trạng mất phương hướng về tinh thần hoặc văn hóa đến mức suy nhược. Theo tác giả, hướng đến một thế kỷ 21 hòa bình và thịnh vượng, người phương Tây cần thiết lập quan hệ hiệu quả với người Trung Quốc và tìm hiểu sâu hơn về động cơ, hành vi và thế giới quan của họ.

Người Trung Quốc muốn gì?

Nhưng có lẽ câu hỏi mà tác giả Tom Doctoroff đặt ra sẽ được trả lời cụ thể hơn qua bài phát biểu của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp báo của các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 18 vào ngày 15-11-2012. Theo ông Tập, người Trung Quốc thiết tha yêu cuộc sống này. Họ muốn có nền giáo dục tốt hơn, việc làm ổn định hơn, thu nhập cao hơn, an sinh xã hội đảm bảo, chăm sóc y tế và sức khỏe tốt hơn, điều kiện nhà ở được cải thiện và môi trường tươi đẹp. Họ mong con cái sẽ phát triển tốt, có công việc tốt và cuộc sống thú vị hơn. Ông cho biết mong muốn đó là sứ mệnh của Đảng và trách nhiệm của ông là tập hợp, lãnh đạo toàn đảng, toàn dân để giải phóng tư tưởng, cải cách mở cửa, phát triển hơn nữa lực lượng sản xuất và giải quyết các vấn đề trong lao động và đời sống.

Nhận định nói trên về người Trung Quốc nằm trong phần mở đầu cho quyển sách mang tên “Xi Jinping, the Governance of China” (tạm dịch: Tập Cận Bình, Quản trị Trung Quốc) trình bày các trích đoạn và tóm tắt của 79 bài phát biểu, tọa đàm và phỏng vấn từ lúc ông Tập bắt đầu đảm nhận trọng trách lãnh đạo cao nhất. Theo giới thiệu của Amazon.com, quyển sách này không những nói đến cái nhìn độc đáo về nội bộ và tầm nhìn của chính đảng này trong tương lai. Với tôi, quyển sách còn thú vị qua những ghi chú liên quan đến hệ thống xã hội, lịch sử và văn hóa của Trung Quốc và một số thông tin về sự nghiệp và cuộc sống cá nhân của ông Tập Cận Bình.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Tập đã làm rõ quan điểm của mình về nhiều khía cạnh khác nhau trong sự phát triển của đất nước Trung Hoa. Trong chuyến thăm triển lãm “Con đường hướng tới đổi mới” ở Bắc Kinh vào ngày thứ 15 sau khi được bầu làm người lãnh đạo đảng và nhà nước cao nhất, ông phát biểu rằng những lời nói suông làm hại đất nước và chỉ có hành động cụ thể mới giúp đất nước giàu có (“空谈误国,实干兴” - “Không đàm ngộ quốc, thực cán hưng bang”). Hiểu được người Trung Quốc muốn gì, ông Tập đã đưa ra các biện pháp nhằm cải thiện phong cách làm việc của đảng và thắt chặt mối quan hệ với người dân, trong đó có quy tắc ứng xử dành cho lãnh đạo ĐCSTQ được sự hoan nghênh cả trong và ngoài nước.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh kinh tế đối mặt nhiều thách thức, qua Hội nghị Trung ương ĐCSTQ vào tháng 7 vừa rồi, Trung Quốc sẽ không có thay đổi mang tính quyết định trong chiến lược kinh tế mà sẽ giữ nguyên kế hoạch hiện tại như đẩy nhanh nỗ lực hướng tới tự cung cấp và nâng cấp công nghiệp, đồng thời giải quyết những trở ngại dai dẳng về bất động sản và nợ của chính quyền địa phương.

Theo ông Charles Austin Jordan, nhà phân tích cấp cao của Công ty nghiên cứu Rhodium Group có trụ sở tại Mỹ, các biện pháp được công bố tại hội nghị nói trên sẽ tái khẳng định xác tín của ông Tập rằng mô hình Trung Quốc sẽ đứng vững trước áp lực của phương Tây. Tuy nhiên, ông Jordan cho rằng niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do môi trường pháp lý không rõ ràng, áp lực đa dạng hóa của phương Tây và sức hấp dẫn ngày càng tăng của các nền kinh tế thị trường mới nổi khác. Và tôi đồng ý với nhận định đó khi chứng kiến khung cảnh đìu hiu vắng vẻ ở sân bay Bắc Kinh với lèo tèo vài cửa hàng bán đồ miễn thuế còn mở cửa và số hành khách phương Tây có thể đếm trên đầu ngón trong thời gian chờ lên máy bay từ Bắc Kinh về lại Sài Gòn.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới