Chủ Nhật, 1/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nguồn cung dư thừa khiến nhựa nguyên sinh rẻ hơn nhựa tái chế

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –  Nguồn cung các hóa chất công nghiệp sản xuất nhựa trên toàn cầu đang dư thừa ở mức lớn nhất trong nhiều thập niên khi công suất hóa dầu tăng mạnh ở Trung Quốc và Mỹ. Tình trạng này khiến giá polyethylene mật độ cao (HDPE), một loại nhựa nhiệt dẻo nguyên sinh sử dụng phổ biến trong các sản phẩm như đồ chơi, túi nhựa và chai dầu gội đầu, giảm xuống mức rẻ hơn giá HDPE tái chế.

HDPE là loại nhựa nhiệt dẻo có cấu trúc phân tử mật độ cao nên có độ dày, cứng, chống chịu va đập, kéo căng tốt hơn so với nhựa PE thông thường. Vì vậy, loại nhựa được sử dụng phổ biến để sản xuất các sản phẩm như chai đựng dầu gội đầu, sữa tắm, chất tẩy rửa… cũng như đồ chơi. Ảnh: CNET

Theo số liệu mới từ S&P Global, Trung Quốc chiếm 60% mức tăng công suất hóa dầu trên toàn cầu năm 2023. Công suất hóa dầu cũng tăng mạnh ở Mỹ do cơn bùng nổ dầu đá phiến, khiến nguồn cung các nguyên liệu sản xuất nhựa như polyetylene trở nên dư thừa ở mức lớn chưa từng thấy kể từ thập niên 1980.

Vấn đề dư thừa nguyên liệu nhựa nguyên sinh đặt ra thách thức cho những công ty đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nhựa sử dụng một lần để tuân thủ các quy định quản lý chặt chẽ hơn và cam kết của các chính phủ nhằm giảm ô nhiễm rác thải nhựa.

“Công suất dư thừa của ngành hóa dầu và giá nguyên liệu nhựa nguyên sinh thấp hơn khiến hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất nhựa tái chế trở nên khó khăn hơn”, Ciarán Healy, nhà phân tích của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), bình luận.

Năm ngoái, công suất ethylene trên toàn cầu tăng gần 42 triệu tấn so với năm 2019, trong khi nhu cầu toàn cầu chỉ tăng khoảng 14 triệu tấn. Ethylene được sản xuất từ ​​các hợp chất hydrocarbon có nguồn gốc từ dầu và khí tự nhiên, và là nguyên liệu thô cho loại nhựa nguyên sinh được sử dụng rộng rãi nhất, polyetylene.

Tình trạng dư cung đã khiến lĩnh vực này hoạt động dưới mức công suất tối đa, với tỷ lệ công suất hiệu dụng của ethylene trên toàn cầu giảm từ khoảng 90% vào năm 2019 xuống dưới 82% vào năm ngoái khi giá cả sụt giảm.

Tại Mỹ, giá giao ngay của HDPE nguyên sinh, giảm từ 1.674 đô la Mỹ/tấn vào năm 2021 xuống còn 943 đô la/tấn vào năm 2023, theo S&P Global.

Điều này đang gây áp lực lên các nhà sản xuất nhựa tái chế giữa lúc họ đang chật vật cạnh tranh với các nguyên liệu nhựa nguyên sinh rẻ hơn nhiều. Theo S&P Global, giá HDPE tái chế giảm đáng kể từ mức cao 2.954 đô la/tấn hồi đầu năm nay, xuống còn 1.631 đô la/tấn, vẫn đắt hơn đáng kể so với HDPE nguyên sinh.

HDPE là loại nhựa nhiệt dẻo có cấu trúc phân tử mật độ cao, nên có độ dày, cứng, chống chịu va đập, kéo căng tốt hơn so với nhựa PE (polyethylene) thông thường. Vì vậy, loại nhựa được sử dụng phổ biến để sản xuất các sản phẩm như chai đựng dầu gội đầu, sữa tắm, chất tẩy rửa… cũng như đồ chơi.

Trước năm 2019, nhựa tái chế thường rẻ hơn sản phẩm nguyên sinh. Nhưng nhu cầu về nhựa tái chế tăng vọt khi các công ty tiêu dùng đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nhựa nguyên sinh trong nỗ lực giảm khí thải nhà kính và rác thải nhựa.

Walt Hart, nhà nghiên cứu hóa chất của S&P Global, cho biết tỷ lệ sử dụng ethylene, tức khối lượng ethylene chuyển đổi thành các vật liệu mới như nhựa, đã giảm xuống mức thấp nhất trong bốn thập niên, do tổng công suất tăng quá mức và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong thời gian gần đây sau đại dịch Covid-19.

Theo IEA, công suất dư thừa đang gây áp lực lên các nhà sản xuất HDPE nguyên sinh ở châu Âu và châu Á trong bối cảnh họ đối mặt chi phí sản xuất cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh ở Bắc Mỹ và Trung Đông, những nơi có lợi thế tiếp cận nguồn cung ethane (nguyên liệu sản xuất ethylene) với chi phí thấp.

Sự suy giảm công suất hóa dầu của châu Âu trở nên trầm trọng hơn vì chi phí đầu vào tăng cao do giá cả năng lượng tăng vọt sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo Plastics Europe, tổ chức thương mại đại diện cho các nhà sản xuất nhựa ở châu Âu, trong năm 2022, khu vực này sản xuất 14% nhựa toàn cầu, giảm từ 20% vào năm 2012. Trong cùng thời kỳ, thị phần sản xuất nhựa toàn cầu của Trung Quốc tăng từ 23% lên 32%.

Công suất hóa dầu tăng thêm của Trung Quốc cũng gây áp lực lên các nhà cung cấp nước ngoài trước đây vì nước này từng là nước nhập khẩu lớn polymer và sợi tổng hợp. IEA cho biết các lô hàng hóa chất xuất khẩu từ Trung Đông và các khu vực khác ở châu Á sang Trung Quốc giảm 30% trong chín tháng đầu năm 2023.

Nhưng các nhà sản xuất dầu hàng đầu bao gồm Saudi Arabia đang đặt cược rằng nhu cầu các sản phẩm hóa dầu sẽ tiếp tục tăng ngay cả khi nhu cầu ô tô chạy xăng chững lại. Vì vậy, vương quốc dầu mỏ này đang đầu tư vào năng lực hóa dầu của Trung Quốc để đảm bảo xuất khẩu dầu thô.

James Wilson, nhà phân tích cấp cao của Công ty thông tin thị trường ICIS, nhận định, thị trường nhựa tái chế sẽ tiếp tục hoạt động kém hiệu quả trong tương lai gần. “Với nguồn cung nhựa nguyên sinh rẻ chưa từng thấy, hoạt động tái chế nhựa làm sao có thể cạnh tranh trong môi trường đó?”, ông nói.

 Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới