Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nguồn lực được dồn tối đa cho ĐBSCL để thúc đẩy vùng phát triển nhanh, bền vững

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ sẽ dồn tối đa nguồn lực để đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là sự đầu tư cần thiết nhằm đưa khu vực vốn được xem là vùng trũng của cả nước vượt lên phát triển nhanh và bền vững thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị diễn ra vào hôm nay, 21-6, ở TP Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Sẵn sàng nguồn lực cho ĐBSCL

Thông tin từ Ban tổ chức hội nghị “Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030” diễn ra vào hôm nay, 21-6, ở TP Cần Thơ cho biết, ngay khi quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch với 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, thứ nhất là phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị, hiệu quả cao, trong đó, tập trung phát triển các trung tâm đầu mối, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thứ hai, phát triển khu vực đô thị - công nghiệp động lực, trong đó, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông liên vùng, liên tỉnh, hệ thống logistics, hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp; các công trình nguồn và lưới điện, phát huy có hiệu quả tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo.

Thứ ba, xây dựng môi trường sống tốt, điểm đến hấp dẫn thông qua xây dựng và triển khai chương trình phát triển các điểm nguồn nước ngọt dự trữ chiến lược trên toàn vùng; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục- đào tạo, y tế, du lịch có khả năng cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế tại TP Cần Thơ; chương trình phát triển thương hiệu du lịch ĐBSCL tầm cỡ quốc tế gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá- lịch sử; bảo tồn các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng, đa dạng sinh học biển đảo.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ tư là quản lý, điều phối thực hiện quy hoạch vùng thông qua Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều phối, đôn đốc các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện thống nhất các nhiệm vụ, chương trình, dự án đề án theo quy hoạch.

Về nguồn lực đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho vùng ĐBSCL, trên cơ sở kiến nghị của đơn vị này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 973 ngày 8-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26 ngày 14-9-2020 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, ông Dũng cho biết, ở giai đoạn như nêu trên, tổng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 320.000 tỉ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương khoảng 178.000 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 82.000 tỉ đồng, tăng 41,2% so với giao đoạn 2016-2020, nguồn vốn nước ngoài (ODA) là khoảng 60.000 tỉ đồng (bao gồm 46.000 tỉ đồng của Chương trình hỗ trợ chính sách phát triển - DPO) chiếm 30% tổng vốn ODA cả nước trong giai đoạn 2021-2025, trong khi con số tương ứng của giai đoạn 2016-2020 là 7,66%.

Ngoài ra, theo ông Dũng, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số bộ như Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế… để triển khai các công trình, dự án trong vùng đạt khoảng 122.000 tỉ đồng. “Tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 422.000 tỉ đồng”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, với số vốn được bố trí như nêu tên, sẽ hoàn thành các công trình trọng điểm của vùng ĐBSCL, bao gồm các tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau cũng như các tuyến đường quốc lộ, cảng hàng không, công trình thuỷ lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn…

Trong khi đó, thực hiện nghị quyết 120 của Chính phủ, ông Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải và 13 địa phương ĐBSCL làm việc với 6 nhóm ngân hàng phát triển quan tâm, bao gồm ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á), KEXIM (Ngân hành xuất nhập khẩu Hàn Quốc), AFD (Cơ quan phát triển Pháp), KfW (Ngân hàng Tái thiết Đức), JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) và WB (Ngân hàng Thế giới) thống nhất tài trợ khoảng 2,2 tỉ đô la Mỹ để triển khai 20 dự án liên kết vùng giai đoạn 2021-2025.

Chính phủ cũng dành rất nhiều nguồn lực cho phát triển hạ tầng ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã tập trung cho ĐBSCL rất lớn. “Đến thời điểm này, chúng tôi xác định có 86.000 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để chúng tôi tập trung vào phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở ĐBSCL”, ông Thể nói.

Theo ông Thể, thời gian qua, cả vùng ĐBSCL chỉ có khoảng 120 km cao tốc đã hoàn thành và đang triển khai, trong đó, có 90 km đã hoàn thành và đang triển khai là 30 km. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này, sẽ bố trí đầu tư khoảng 400 km đường cao tốc, bao gồm những trục chính kết nối từ TPHCM đến Cần Thơ - Cà Mau cũng như tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề và tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh kết nối đến Rạch Giá. “Như vậy, nếu chúng ta làm đúng theo kế hoạch thì cuối nhiệm kỳ này sẽ có khoảng 400-500 km đường cao tốc”, ông nói. Theo ông, đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đưa vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững thời gian tới.

Quy hoạch đưa nông nghiệp ĐBSCL hướng đến “tổng thể, chiến lược”

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã nhất quán quan điểm phát triển vùng ĐBSCL bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa- xã hội và hệ sinh thái tự nhiên, lấy con người làm trung tâm.

“Theo nhiều chuyên gia, quy hoạch này sẽ là bước ngoặc để kinh tế - xã hội đồng bằng được kích hoạt, tiềm năng sẽ được đánh thức, nhờ những vấn đề nội tại dần được khắc phục”, ông Hoan nói.

Theo đó, quy hoạch nông nghiệp hướng đến tính "tổng thể, chiến lược", chứ không chỉ là “phép cộng công thức” đơn thuần. Quy hoạch có tính “mở”, tính linh hoạt tương đối để có thể chủ động thích ứng với xu thế biến đổi liên tục, không ngừng, với những câu hỏi kinh tế học từ nhiều năm nay “sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào?”.

Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. “Mỗi địa phương có thể chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển trong không gian có sự điều phối cả vùng. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt”, ông Hoan nói.

Ông Hoan cho biết, Văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ đang thực hiện vai trò điều phối tích hợp thông tin nông nghiệp cấp vùng thông qua số hoá các cơ sở dữ liệu, công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu, chuẩn hoá quy trình sản xuất. Dữ liệu này sẽ giúp kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; hình thành chuỗi ngành hàng thông qua các hiệp hội ngành hàng bắt đầu từ chuỗi lúa gạo, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thuỷ lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống.

Ngoài ra, Văn phòng điều phối cũng sẽ hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hoà giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn. “Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền”, ông cho biết.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư vào vùng ĐBSCL đang ngày càng được quan tâm.

Theo đó, nếu như giai đoạn 2016-2020, tổng mức đầu từ ngân sách nhà nước, đầu tư qua địa phương ĐBSCL đạt gần 200.000 tỉ đồng, tương đương gần 9 tỉ đô la Mỹ, thì kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025, vùng ĐBSCL được đầu tư khoảng 318.000 tỉ đồng, tương đương 13,8 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 5 tỉ đô la so với giai đoạn trước.

"Nhiệm kỳ này ĐBSCL được ưu tiên cao nhất, nhưng đây là hoàn toàn xứng đáng", Thủ tướng nói. Ông cho rằng đây là điều kiện giúp ĐBSCL khắc phục được những yếu kém đang tồn tại, nhất là về hạ tầng, chất lượng nhân lực để đưa vùng này phát triển nhanh, bền vững thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới