Nguồn nhân lực Việt Nam yếu các kỹ năng mềm
Chính Phong
Ban tổ chức trao giải cho các nhóm tác giả tại Hội nghị khoa học trẻ TPHCM năm 2016. Ảnh: Chính Phong. |
(TBKTSG Online) - Chỉ có 45% các trường đưa kỹ năng mềm vào giảng dạy như môn học chính quy. Và ở trong các trường này, tỷ lệ kỹ năng mềm chỉ chiếm 3% tổng chương trình đào tạo. Đây là một lo ngại đối với nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu với các nền kinh tế trên thế giới.
Ngày 31-12 tới là tròn một năm, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập. Người lao động trong 8 nhóm ngành nghề đã được tự do di chuyển làm việc ở các nước AEC: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch.
Tới đây sẽ còn thêm nhiều nhóm ngành nghề khác, đặt những áp lực nhất định lên học sinh, sinh viên, lao động trẻ tại Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia lần lượt đạt 4,94 và 5,59 điểm.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để chủ động hội nhập cũng là chủ trương của TPHCM. Thành Đoàn TPHCM đã tổ chức Hội nghị khoa học trẻ năm 2016 với chủ đề “Tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến học sinh, sinh viên và lao động trẻ tại TPHCM” ngày 25-12. Hội nghị đã thu hút được 79 bài tham luận của 133 nhà khoa học trẻ đến từ 31 đơn vị trên cả nước, tập trung vào các vấn đề nhân lực, du lịch pháp lý, hướng nghiệp, cạnh tranh… khi Việt Nam tham gia AEC. Trong vòng chung kết, hội đồng giám khảo đã trao 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba và 6 giải khuyến khích cho các bài tham luận thuộc 2 nhóm, nhóm bài liên quan đến chính sách và nhóm bài liên quan đến nghiên cứu.
Bài tham luận “Cảm nhận về kỹ năng mềm của sinh viên Việt Nam” của nhóm tác giả Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM giành giải nhất trong nhóm bài liên quan đến nghiên cứu đã nêu đúng điều mà các nhà giáo dục, tuyển dụng đang trăn trở hiện nay về chất lượng sinh viên: khá thụ động khi hội nhập, khả năng ngôn ngữ, ứng xử, nắm bắt thực tế còn chậm hơn sinh viên các nước trong khu vực.
Nhóm này nêu dẫn chứng chỉ có 45% các trường đưa kỹ năng mềm vào giảng dạy như môn học chính quy. Và ở trong các trường này, tỷ lệ kỹ năng mềm chỉ chiếm 3% tổng chương trình đào tạo. Nội dung môn học lại khác nhau giữa các trường, chưa có một khung nội dung chuẩn thống nhất về kỹ năng mềm cần đào tạo.
Trong khi đó, năm 2006, Bộ Giáo dục Đại học Malaysia đã ban hành bộ khung kỹ năng mềm để áp dụng vào việc giảng dạy cho sinh viên đại học. Bộ kỹ năng này gồm tổng cộng 34 kỹ năng mềm, 16 kỹ năng bắt buộc phải có và 18 kỹ năng nếu có được sẽ tốt hơn, các kỹ năng này được tách thành 7 lĩnh vực cụ thể: Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, Kỹ năng làm việc theo nhóm, Kỹ năng học tập suốt đời và quản lý thông tin, Kỹ năng kinh doanh, Kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức, Kỹ năng lãnh đạo.
Việc ban hành hoặc thống nhất một bộ kỹ năng mềm tối thiểu mà sinh viên cần phải có như Malaysia đã làm là một gợi ý đáng quan tâm đối với những người làm công tác giáo dục ở Việt Nam.