Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ nhập lậu động vật, sản phẩm động vật

Nam Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong 9 tháng của năm 2023, cơ quan chức năng phát hiện 131 vụ nhập lậu động vật, sản phẩm động vật, cao hơn 120 vụ bị phát hiện trong năm 2022. Theo Bộ NN&PTNT, điều này cũng tiềm ẩn dịch bệnh trên động vật nhập lậu, gây hại cho ngành chăn nuôi trong nước.

Nhân viên ngành thú y đang tiêm vaccine phòng dịch bệnh trên gia cầm. Ảnh: TL.

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm và công tác chỉ đạo, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh động vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Trong 9 tháng của năm 2023, có 13 tỉnh thành báo cáo về số vụ xử lý với 131 vụ bị phát hiện, số lượng động vật bị bắt giữ là gần 160.000 con; tổng trọng lượng của số động vật bị bắt giữ là hơn 116.000 kg, trong khi năm 2021 không có phát hiện nào.

Chỉ tiêu tổng hợp 2021 2022 2023
Số tỉnh báo cáo 03 02 13
Số vụ phát hiện 63 09 131
Số lượng (con) động vật bị bắt giữ 103.300 159.979
Trứng gia cầm (quả) 43.912
Số lượng (kg) sản lượng động vật bắt giữ 0 9.000 116.183

Nguồn: Bộ NN&PTNT

Theo Bộ NN&PTNT, động vật nhập lậu ngoài ảnh hưởng đến người chăn nuôi trong nước thì còn có nguy cơ lớn hơn là khi gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu không được đánh giá nguy cơ dịch bệnh trước khi nhập khẩu, không được lấy mẫu xét nghiệm sạch bệnh và không tuân thủ các quy định về kiểm dịch nhập khẩu sẽ dẫn đến các bệnh động vật mới xâm nhập vào trong nước; các biến chủng virus ngoại nhập vào Việt Nam.

Tình trạng đó gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh động vật nguy hiểm do chưa có vaccine hay các biện pháp phòng bệnh cho các bệnh/chủng virus ngoại lai, gây thiệt hại về kinh tế cho đàn gia súc, gia cầm nuôi trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng do nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người là rất cao.

Những bệnh xâm nhiễm lần đầu vào Việt Nam Năm
A/H5N1 2003
A/H5N6 2014
A/H5N8 2021
Bệnh tai xanh ở heo 2007
Bệnh lở mồm long móng 2012
Dịch tả heo châu Phi 2019
Bệnh viêm da nổi cục xâm nhiễm trên trâu bò 2020

Nguồn: Bộ NN&PTNT

Nguy cơ dịch bệnh rất cao khi các nước lân cận đang có dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh trên gia cầm, gia súc rất cao nếu không ngăn chặn, kiểm soát được việc nhập lậu qua biên giới. Bộ NN&PTNT trích dẫn dữ liệu của của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) cho thấy, từ đầu năm đến 27-7-2023 tổng cộng có 250 đợt bùng phát/sự kiện đã được báo cáo tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt, tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 đã phát hiện ở Trung Quốc.

Đối với bệnh dịch tả heo châu Phi, tính đến 30-6-2023, WOAH đã ghi nhận khoảng 10.000 ổ dịch ở 37 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại khu vực Đông Nam Á có báo cáo từ 7 quốc gia, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan. Trước đây, Việt Nam từng cho doanh nghiệp nhập khẩu heo sống từ các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia để đáp ứng nhu cầu trong nước nhưng khi những nước có dịch, Việt Nam đã tạm dừng nhập khẩu heo sống từ các nước láng giềng.

Theo báo cáo của WOAH, trong 10 tháng đầu năm 2023, có 4.604 ổ dịch lở mồm long móng tại tại 8 quốc gia châu Phi và 15 quốc gia châu Á, trong đó khu vực Đông Nam Á có báo cáo tại Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan. Trong số các quốc gia có sự lưu hành của bệnh, Indonesia là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, xảy ra hơn 4.100 ổ dịch (89,8%).

Trong 10 tháng đầu năm 2023, có hơn 10.500 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục tại 13 quốc gia, trong đó, khu vực lân cận với Việt Nam có báo cáo là tại Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia. Indonesia là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi bệnh viêm da nổi cục với gần 10.300 ổ dịch. Sáu tháng đầu năm 2023, đã có 47 ổ dịch heo tai xanh trên 4 quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Thái Lan. Trung Quốc là quốc gia có số lượng ổ dịch bùng phát nhiều nhất với 23 ổ dịch, chiếm gần 49%, theo báo cáo của WOAH.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới