Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ lây dịch bệnh bạch hầu từ Lào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguy cơ lây dịch bệnh bạch hầu từ Lào

Ban Cao

Nguy cơ lây dịch bệnh bạch hầu từ Lào
Trẻ chích ngừa vắc xin "5 trong 1" Quinvaxem tại một trung tâm y tế dự phòng Quận Bình Thạnh – Ảnh: Hoàng Nhung

(TBKTSG Online) – Trước thông tin dịch bạch hầu đang bùng phát tại Lào, Bộ Y tế lo ngại dịch này sẽ xâm nhập vào Việt Nam, vào các vùng sâu vùng xa, nơi mà người dân chưa có ý thức tiêm ngừa và phòng chống dịch bệnh, sau đó sẽ lan sang các thành phố lớn.

Trao đổi với phóng viên TBKTSG Online, ông Vũ Ngọc Long, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết từ đầu năm 2015, ở Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại các thôn bản của huyện K’Bang thuộc tỉnh Gia Lai, và hai thôn thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Điều đáng lo ngại là người dân ở những vùng biên giới giáp Lào đều không chịu tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, dẫn đến nguy cơ lây lan cao.

“Người dân ở đây có ý thức phòng chữa bệnh chưa cao, có trường hợp mắc bệnh rồi nhưng vẫn nhất định không chịu đi chữa,” ông Long cho biết.

Ở Việt Nam, hiện đã có khoảng 90% trẻ em tiêm phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên chỉ tập trung tại các thành phố lớn. Việc vận động, nâng cao ý thức phòng chữa bệnh của người dân tại các vùng sâu vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

“Nếu người dân chưa có miễn dịch do chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh, thì dịch bệnh có thể xảy ra,” ông Long nói.

Để phòng chống dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, ông Long cho biết Cục Y tế dự phòng đã cách ly những vùng mắc bệnh và kiểm soát chặt chẽ vùng cửa khẩu.

Tại Việt Nam, vắc xin bạch hầu dùng trong tiêm chủng mở rộng là vắc xin DPT (bạch hầu – ho gà – uốn ván) sử dụng từ trước năm 2010, và vắc xin Quinvaxem (bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib) sử dụng từ năm 2010 đến nay.

Theo Cục Y tế Dự phòng, từ tháng 6 đến tháng 10-2015, Lào đã ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại 6/17 tỉnh, thành phố với 588 trường hợp mắc bệnh và 11 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế hiện đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu của Lào và thường xuyên trao đổi thông tin với nước bạn để triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới