Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ ngành khai thác vàng dừng hoạt động nếu giá vàng giảm sâu hơn

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Barrick Gold, công ty sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, cảnh báo ngành khai thác vàng sẽ dừng hoạt động nếu giá kim loại quý này giảm mạnh xuống mức 1.500 đô la Mỹ/ounce như dự báo của một số nhà phân tích. Tuy nhiên, Barrick Gold nhận định giá vàng không thể giảm sâu như vậy được nhờ lực mua từ các ngân hàng trung ương và giới đầu tư nhỏ lẻ.

Công nhân làm việc trong một mỏ vàng King of the Hill nằm sâu 400 mét so với mặt đất ở Tây Úc. Chi phí trung bình của ngành khai thác vàng đã tăng 6% trong năm qua, lên mức 1.693 đô la Mỹ/ounce. Ảnh: ABC News

Trong cuộc trao đổi với Financial Times hôm 14-11, Mark Bristow, Giám đốc điều hành Barrick Gold (Canada), đã bày tỏ nỗi lo giá vàng sẽ sụp đổ vào năm tới. Ông cảnh báo ngành công nghiệp khai thác vàng sẽ đóng cửa nếu giá kim loại quý này giảm mạnh như dự báo của một số phân tích.

Ông cho biết nếu giá vàng giảm xuống mức thấp 1.500 đô la Mỹ/ounce vào năm tới khi lãi suất tiếp tục tăng, điều đó sẽ tàn phá một lĩnh vực vốn đang phải vật lộn với chi phí gia tăng. Nhưng ông dự đoán giá vàng trong năm 2023 sẽ không thấp hơn 1.600 đô la Mỹ/ounce nhờ sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ và từ ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi đang tìm cách rời xa đồng đô la Mỹ.

“Giá vàng đương nhiên chịu áp lực trong những thời điểm như thế này. Nhưng tôi nghĩ 1.600 đô la Mỹ là một mức sàn có lực mua tốt. Nếu giá vàng rơi xuống 1.500 đô la Mỹ, ngành khai thác vàng sẽ ngừng hoạt động”, Bristow nói với Financial Times.

Chi phí duy trì sản xuất vàng của Barrick Gold đã tăng thêm 235 đô la Mỹ trong năm qua, lên mức 1.269 đô la Mỹ/ounce, khiến lợi nhuận ròng của công ty giảm 30% trong quí 3 so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 241 triệu đô la Mỹ.

Chi phí trung bình của ngành khai thác vàng, bao gồm vốn đầu tư dự án, thuế doanh nghiệp, lãi suất và thuế khai thác tài nguyên, đã tăng 6% trong năm qua, lên mức 1.693 đô la Mỹ/ounce, theo Công ty tư vấn Metals Focus.

Hôm 14-11, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế giảm 0,7%, về mức 1.760 đô la Mỹ/ounce, thấp hơn 15% so với mức cao kỷ lục được thiết lập hồi tháng 3, và cao hơn 8% so với điểm thấp vào cuối tháng 9.

Đà suy giảm của giá vàng trong năm nay là do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên khi các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất để dập tắt lạm phát, cũng như do sức mạnh của đồng đô la Mỹ.

Các nhà phân tích hàng hóa tại Macquarie Group dự đoán vàng sẽ chạm mức thấp 1.500 đô la Mỹ/ounce trong quí 2-2023 và chỉ bắt đầu phục hồi khi thị trường tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất.

Thậm chí, Kathleen Kelley, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu Queen Anne's Gate Capital, tin rằng giá vàng có thể giảm xuống mức 1.300 đô la Mỹ/ounce, ngưỡng thấp nhất trong phạm vi dự báo của bà, vì các nhà đầu tư có khả năng rút thêm tiền từ các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) theo dõi giá vàng.

Tuy nhiên, một số ngân hàng lại có quan điểm lạc quan hơn. Ngân hàng RBC của Canada dự báo giá vàng trung bình trong năm tới sẽ đạt mức 1.795 đô la Mỹ/ounce và sẽ biến động trong một biên độ rộng.

Các quỹ ETF vàng trên toàn cầu đã chứng kiến dòng tiền rút ròng trong hơn 5 tháng liên tiếp, cho thấy giới đầu tư đang chuyển tiền sang các tài sản có hiệu suất cao hơn. Trong quí 3, các nhà đầu tư đã rút 12 tỉ đô la Mỹ từ các quỹ ETF vàng, mức rút hàng quí mạnh nhất kể từ năm 2013, theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC).

“Mọi người sẽ đánh giá lại danh mục đầu tư của họ vào cuối năm. Và họ sẽ suy nghĩ: Tại sao tôi vẫn nắm giữ vàng sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19, trong khi tôi có thể mua các tài sản có lợi tức dương?”, Kelley nói.

Nhưng các lãnh đạo và nhà phân tích khác trong ngành cho biết thị trường vàng đã chống chịu tốt khi xem xét lợi suất thực của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng mạnh như thế nào trong năm qua.

Trong báo cáo hàng quí mới nhất, WGC nhận định giá vàng được hỗ trợ bởi lực mua kỷ lục của các ngân hàng trung ương và nhu cầu mạnh mẽ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

John Reade, Giám đốc chiến lược thị trường tại WGC, nói: “Nếu Fed vẫn chưa dừng tăng lãi suất, thị trường vàng sẽ còn khó khăn”.

Các ngân hàng trung ương đã mua khối lượng vàng kỷ lục 400 tấn trong quí 3. Những người tham gia thị trường tin rằng Trung Quốc và Nga nằm trong số những ngân hàng trung ương mua nhiều vàng nhất trong quí vừa qua dù họ không báo cáo công khai các giao dịch mua của mình.

Theo các lãnh đạo của ngành khai thác vàng, việc Mỹ vũ khí hóa đồng đô la thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đang làm lung lay niềm tin vào tài sản dự trữ đồng đô la Mỹ của ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi.

Boris Mikanikrezai, nhà phân tích thị trường hàng hóa tại Fastmarkets, nhận định: “Động thái mua vàng kỷ lục của các ngân hàng trung ương cho thấy sự lo lắng của họ đối với hệ thống tiền tệ pháp định”.

Mặc dù vậy, ngân hàng Goldman Sachs dự báo vàng có thể giảm xuống còn 1.500 đô la Mỹ/ounce nếu Fed tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ.

Nếu giá vàng giảm sâu, điều này sẽ thúc đẩy làn sóng sáp nhập của các công ty khai thác vàng.

Tuần trước, hai nhà khai thác vàng của Canada là Pan American và Agnico Eagle đã chào giá 4,8 tỉ đô la Mỹ để mua lại Công ty khai thác vàng Yamana Gold, vượt qua lời đề nghị của đối thủ Gold Fields của Nam Phi.

Barrick Gold muốn thực hiện nhiều thương vụ sáp nhập và thâu tóm (M&A) hơn, nhưng Bristow, người dẫn dắt thương vụ sáp nhập giữa Barrick và Randgold vào năm 2018, cho biết công ty đang gặp khó khăn trong việc tìm mục tiêu phù hợp và đang sở hữu các dự án còn nhiều tiềm năng.

Chris Griffith, giám đốc điều hành Gold Fields, nói với Financial Times rằng công ty ông sẽ đánh giá các cơ hội M&A khác sau thất bại trong thương vụ thâu tóm Yamana Gold. Nhưng ông lưu ý thêm rằng các điều kiện thị trường khó khăn có thể sẽ khiến một số công ty khai thác vàng từ chối bán hết tài sản vì nhận thấy chúng bị định giá quá thấp.

Bristow cho biết trong các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trước đây, thị trường vàng đã phục hồi vài năm sau đó và ông kỳ vọng điều tương tự sẽ xảy ra trong lần này.

“Thị trường vàng đạt đỉnh vào năm 2011 sau cú sụp đổ năm 2007”, Bristow nói và lập luận rằng nguy cơ vỡ nợ do đồng đô la Mỹ tăng giá cuối cùng sẽ khiến đồng bạc xanh lao dốc và vàng tăng giá.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới