Thứ năm, 1/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ từ bùn đỏ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguy cơ từ bùn đỏ

Tấn Đức

Bùn đỏ gây thảm họa môi trường ở Hungary.

(TBKTSG) - Bài học từ sự cố hồ chứa bùn đỏ ở Hungary đối với các dự án khai thác bauxite ở nước ta.

Có thật không gây nguy hại?

Tháng 5-2009, các đại biểu Quốc hội nhận được báo cáo riêng về dự án khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên. Báo cáo này nói rằng, kết quả phân tích bùn đỏ của bauxite Tây Nguyên không có chất gây độc hại cho môi trường, không có chất phóng xạ và không tồn tại loại rác thải gây nguy hiểm.

Về chất thải bùn đỏ, vấn đề được cộng đồng và các nhà khoa học rất quan tâm và lo ngại, bản báo cáo khẳng định, hiện nay công nghệ hiện đại thải và chứa cách ly bùn đỏ đã đạt hiệu quả gần như an toàn tuyệt đối với môi trường và đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới.

Thế nhưng, sự cố vỡ đập hồ chứa, làm gần 1 triệu mét khối bùn đỏ thoát ra môi trường ở Hungary hôm 4-10 vừa qua, cho thấy công nghệ chứa và cách ly loại chất thải này không phải là an toàn tuyệt đối.

Dự án khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên đã từng là đề tài thời sự nóng bỏng trên các phương tiện truyền thông, với kế hoạch ban đầu là sản xuất mỗi năm 7 triệu tấn alumin vào năm 2015 và đến năm 2025 tăng lên 15 triệu tấn. Sau khi cân nhắc ý kiến phản biện của các nhà khoa học, Chính phủ quyết định vẫn tiếp tục thực hiện dự án này.

Trong đó giai đoạn đầu làm trước hai nhà máy Nhân Cơ và Tân Rai, tổng công suất 1,25 triệu tấn/năm. Dù vậy, lượng bùn đỏ của hai nhà máy này thải ra cũng sẽ lên đến 2,4 triệu tấn, gần gấp đôi so với lượng bùn đỏ của nhà máy bauxite Ajka bị sự cố ở Hungary vào tuần trước.

Nguy cơ đã được chứng minh

Kiến nghị xem xét lại dự án bauxite

Sau khi xảy ra sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ tại nhà máy luyện nhôm Ajka ở Hungary, một số nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và nhà văn hóa trong và ngoài nước đã tiếp tục kiến nghị lãnh đạo Việt Nam xem xét lại chương trình khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên.

Theo kiến nghị này, Việt Nam nên ngưng xây dựng nhà máy alumin Tân Rai và tạm dừng đàm phán với đối tác nước ngoài về dự án alumin Nhân Cơ, đồng thời nghiên cứu lại một cách cặn kẽ và khoa học chương trình khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên, trình bày trước Quốc hội và trưng cầu ý kiến nhân dân về vấn đề này.

Những người kiến nghị cho rằng, những phản biện về đề tài này trong các năm trước đã chứng minh việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên để sản xuất alumin và nhôm không có hiệu quả kinh tế, nhưng lại gây ra những mối hiểm họa tiềm tàng về môi trường như thực tế đã cho thấy ở Hungary. Hơn nữa, việc khai thác bauxite để sản xuất alumin và sản phẩm cuối cùng là nhôm còn có thể gặp khó khăn do thiếu nguồn điện, nước.

Ngoài ra, vấn đề xây dựng mạng lưới giao thông, để vận chuyển nguyên liệu lên Tây Nguyên cũng như xuất sản phẩm đi nước ngoài, cũng rất tốn kém, mà việc xây dựng này có thể kéo dài nhiều năm. Nếu những nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ ra đời sớm mà đường sá chưa kịp xây dựng, sẽ gặp khó khăn trong vấn đề vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm.

Đ.H

Công nghệ được áp dụng để xử lý bùn đỏ của hai nhà máy alumin Nhân Cơ và Tân Rai cũng tương tự như công nghệ của nhà máy Ajka.

Ở đây, bùn đỏ được tồn trữ trong hồ chứa, mà theo chủ sở hữu của nhà máy, được xây dựng hiện đại với hệ thống giám sát chặt chẽ, cộng với giải pháp hoàn thổ và trồng cây xanh.

Tại Nhân Cơ và Tân Rai, các hồ chứa được xây dựng trong thung lũng, với đáy được lót vải kỹ thuật chống thấm và phủ lên trên là một lớp đất sét… Công tác hoàn thổ, trồng cây trong khu vực khai thác cũng được đề cập trong dự án.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa thực sự an tâm với những giải pháp kể trên. Công nghệ tách bauxite ở Tây Nguyên được xử lý theo phương pháp Bayer. Theo đó, quặng được hòa với dung dịch kiềm NaOH mạnh ở nhiệt độ và áp suất cao. Vì vậy, bùn đỏ thải ra chủ yếu là một dung dịch kiềm mạnh, có độ pH lên đến 13. Đồng thời, nó còn chứa hàm lượng chất rắn, có thể tới 30%, bao gồm các loại kim loại nặng và nhiều chất độc hại khác.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng thuộc tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho rằng các chất thải trong bùn đỏ là độc hại. Đồng thời, do bùn đỏ còn là dung dịch kiềm mạnh, nên rất nguy hiểm cho người khi tiếp xúc trực tiếp.

Ngoài ra, dung dịch kiềm trong bùn đỏ còn có tính ăn mòn rất mạnh. Với đặc tính đó, việc bảo đảm các bể chứa không bị tàn phá dần theo thời gian, cũng như lớp vải lót, chống thẩm thấu kim loại nặng vào nước ngầm, được duy trì bền vững trong thời gian dài hàng chục năm, vẫn là một ẩn số khó đoán, nhất là sau khi kết thúc dự án.

Đáng lo hơn cả là các hồ chứa bùn đỏ khổng lồ, với diện tích mỗi hồ đến 200 héc ta, lại nằm ở khu vực cao hơn mực nước biển trên 700 mét. Hơn nữa, Tây Nguyên lại là nơi thường xuyên có bão kèm theo những trận mưa rất lớn, gây lũ quét và lở đất. Vấn đề đặt ra là liệu các hồ chứa bùn đỏ có đủ sức chống chọi với sự tàn phá của bão lũ hay không?

Nếu chẳng may xảy ra một sự cố tương tự như ở Hungary, thì với địa hình có độ dốc lớn như vậy, thảm họa về dân sinh và môi trường đối với vùng đồng bằng ven biển ở miền Trung sẽ vô cùng nặng nề.

Nhất là khi quy mô khai thác bauxite và sản xuất alumin có thể không dừng lại ở 1,25 triệu tấn như hiện nay, mà có thể tăng lên 7 triệu tấn rồi 15 triệu tấn như đã được ghi trong kế hoạch. Khi ấy, lượng bùn đỏ thải ra hàng năm, theo tính toán của các nhà khoa học sẽ lên đến 10 triệu tấn rồi 13 triệu tấn/năm ứng với sản lượng alumin.

Cuối cùng là công tác hoàn thổ. Đây cũng là một ẩn số, vì TKV, chủ đầu tư của hai dự án Nhân Cơ, Tân Rai, chưa từng thành công trong công tác này với các dự án khai thác than của mình. Đó là chưa kể việc tìm đủ nguồn đất để bù vào lượng quặng bauxite bị lấy đi cũng là bài toán khó.

Hiệu quả có được tính kỹ?

Đối với bất kỳ dự án nào, hiệu quả kinh tế, xã hội luôn là điều phải được cân nhắc. TKV đã khẳng định, các dự án khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên là có hiệu quả. Thời gian thu hồi vốn có thể là 13 năm, nhưng với điều kiện phải có hệ thống đường bộ, đường sắt nối Tây Nguyên với cảng biển ở Bình Thuận để xuất hàng. Hiện nay TKV đang đề nghị Nhà nước dùng ngân sách để đầu tư mạng lưới giao thông này. Vấn đề đặt ra, nếu tính luôn chi phí xây dựng đường sá vào dự án, thay vì dùng ngân sách quốc gia, thì hiệu quả còn lại sẽ thế nào?

Và dù hiệu quả có lớn đến đâu, thì cũng cần cân nhắc kỹ cái giá có thể phải trả về môi trường. Nếu xảy ra một sự cố vỡ đập lớn như ở Hungary, gây ra cơn lũ bùn đỏ đổ xuống vùng hạ du, thì số tiền thu được từ các dự án bauxite liệu có đủ để trang trải các thiệt hại về kinh tế, môi trường và cuộc sống, sức khỏe con người?

Tác hại chỉ mới bắt đầu

Cảnh sát Hungary đã bắt giữ ông Zoltan Bakonyi, Giám đốc điều hành tập đoàn Nhôm Hungary, để thẩm vấn. Đồng thời, các chuyên gia của EU cũng đã vào Hungary để giúp nước này xây dựng khẩn cấp một con đập, nhằm ngăn đợt tràn bùn thứ hai và tiến hành nghiên cứu, đánh giá các tác động lâu dài đối với đất, nguồn nước của khu vực bị tràn bùn đỏ, cùng các rủi ro trong không khí đối với sức khỏe của cư dân địa phương sau khi bùn khô lại.

Theo các chuyên gia, tác hại của sự cố tràn bùn đỏ, làm bảy người thiệt mạng và 150 người bị thương, chỉ mới bắt đầu. Vấn đề đáng lo ngại trước mắt hiện nay là khi bùn khô đi dưới tác động của thời tiết nóng và gió mạnh, sẽ tạo thành những đám bụi lớn và phát tán rộng. Bộ trưởng Môi trường Hungary Zoltan Illes xác nhận, trong bùn đỏ ở đây có hàm lượng cao các loại kim loại nặng, trong số đó một số có thể gây ung thư. Còn Tổ chức Bảo vệ môi trường Greenpeace cảnh báo, các hóa chất thạch tín, crôm và lượng thủy ngân quá mức cho phép trong bùn chảy ra ngoài, có thể gây tổn hại cho con người và môi trường về lâu dài.

Hiện tại, chính quyền địa phương đã khuyến cáo cư dân ở khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ bùn đỏ phải đeo mặt nạ để phòng bụi độc hại.

Theo nhà khoa học Oliver Donard, Giám đốc Học viện Khoa học phân tích và Vật lý - Hóa học về môi trường và vật liệu thuộc Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học CNRS và trường Đại học Paul, mức độ nguy cơ về dài hạn của bùn đỏ tùy thuộc vào thành phần kim loại có trong chất thải này. Nhưng nói chung, nó có rất nhiều ôxit sắt, ôxít nhôm, xilic, titan, chì, crôm và có thể cả thủy ngân. Bản thân kim loại trong đó không có vấn đề. Vấn đề là dạng thức hóa học của kim loại và hoạt tính của nó. Ví dụ như ôxit nhôm. Ở thể rắn thì không độc, nhưng ở trong một dung dịch, nó có hoạt tính cao và có thể xuyên thấu các màng sinh học. Tương tự, crôm dưới dạng crôm VI rất dễ sinh ra bệnh ung thư. Chì và thủy ngân cũng tùy theo nồng độ và dạng thức hóa học.

Ông Donard cho rằng, tai họa vừa xảy ra ở Hungary là một quả bom hóa học nổ chậm. Vùng bị bùn đỏ tràn ngập sẽ bị tác động mạnh mẽ, phải mấy chục năm nữa mới có thể khôi phục. Tiền lệ ở Minamata (thành phố ở Tây Nam Nhật Bản, dân chúng bị nhiễm độc thủy ngân) cho thấy đối với loại ô nhiễm môi trường này, đơn vị đo lường thời gian là thập niên. Bùn đỏ sẽ quánh khô và lúc đó sẽ thêm nguy cơ do bụi đỏ bay theo gió. Rồi tới mùa mưa, hợp chất kim loại sẽ di động trên mặt đất và theo các dòng nước. Đất đai sẽ không canh tác được, mà có trồng trọt được thì cây trái rau cỏ chứa kim loại cũng không thể ăn được. Hiện nay tuy chưa có đầy đủ thông tin, nhưng ông e rằng toàn bộ vùng bị bùn đỏ sẽ trở thành vùng đất lâm nạn.

Tấn Đức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới