Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ từ cuộc đua ‘bay thỏa thích’ của các hãng hàng không Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguy cơ từ cuộc đua ‘bay thỏa thích’ của các hãng hàng không Trung Quốc

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – Nhu cầu đi lại hàng không tại Trung Quốc đã gia tăng trở lại. Tuy nhiên, các hãng hàng không đang lao vào một cuộc chiến để tranh giành hành khách bằng các gói vé “bay thoải mái” – All You Can Fly. Bài học cần tiền mặt trong khủng hoảng của hãng bay khổng lồ American Airlines được nhắc lại như là lời cảnh tỉnh.

Nguy cơ từ cuộc đua 'bay thỏa thích' của các hãng hàng không Trung Quốc
Một chuyến bay nội địa của hãng hàng không Sichuan Airlines của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Shi, 31 tuổi đến từ Thượng Hải, đã du lịch đến thăm hơn 10 thành phố chỉ với một vé máy bay trị giá 3.332 nhân dân tệ, khoảng 480 đô la, của hãng China Eastern Airlines. Giá vé này bao gồm các chuyến bay không giới hạn vào những ngày cuối tuần. Shi đã gạch khỏi danh sách hai điểm đến Nội Mông và Cam Túc. “Còn rất nhiều nơi khác mà tôi rất muốn đến”, anh phát biểu.

China Eastern là hãng hàng không đầu tiên triển khai từ tháng 6 với gói “bay thỏa thích” có giá trị đến cuối năm. Và sau đó, các hãng như China Southern Airlines và Spring Airlines cũng đã nối gót. Đến tuần rồi, thì có khoảng 10 hãng hàng không giới thiệu các gói tương tự, bao gồm các hãng bay lớn và cả hãng giá rẻ.

“Bay hạng nhất cả đời” – sai lầm lớn nhất trong lịch sử hàng không

Các gói vé “bao bay” là một canh bạc lớn đối với các hãng hàng không, vì về cơ bản, các hãng này đã loại bỏ các cơ hội để gia tăng thu nhập của mình. Thông thường, giá vé máy bay luôn liên tục được điều chỉnh theo xu hướng nhu cầu nhằm tối đa hóa doanh thu của hãng.

Trải qua thập niên 1980 đầy thua lỗ, American Airlines mong muốn kiếm được nguồn tiền mặt nhanh chóng nên tung ra loại vé hạng nhất Aairpass bay cả đời với giá 250.000 đô la, tương đương hơn 560.000 đô là vào thời giá hiện nay. Chưa hết, với phụ phí 150.000 đô la, khách có thẻ AAirpass có thể đưa bất cứ ai lên khoang hạng nhất.

Tỷ phú Mark Cuban là một trong 28 hành khách may mắn có được vé máy bay này. “Đây là một trong những giao dịch hời nhất mà tôi từng thực hiện”, vị tỷ phú này nói. Năm 1994, American Airlines nhận ra lỗ hổng này và không bán chương trình AAirpass.

Nếu các hãng hàng không lấp đầy máy bay của mình bằng các hành khách “bao bay”, họ sẽ hụt mất các cơ hội để bán vé ở một mức giá cao hơn. Trong lịch sử hàng không, hãng American Airlines là câu chuyện nổi tiếng và tai tiếng trong việc bán các vé “bao bay”.

Nhưng những hành khách trong con số 28 may mắn kia biết cách tận dụng chiếc vé đầy quyền năng mà họ có được.

Năm 1987, Steve Rothstein, một nhân viên ngân hàng đầu tư thời bấy giờ tại Chicago, được hãng bay mời chào với giá ưu đãi 383.000 đô la cho thẻ chính và thẻ phụ. Trong suốt 21 năm cầm thẻ AAirpass, Rothstein đã bay tổng cộng 10.000 chuyến hạng nhất, tức là hầu như một ngày ông bay ít nhất một chuyến. Ông cũng rất hào phóng là mời bất cứ ai gặp ở sân bay lên cùng khoang hạng nhất.

Còn với nhân viên tư vấn Jacques Vroom thì cố đi mượn đủ số 400.000 đô la để sở hữu chiếc thẻ bay hạng nhất trọn đời. Trong 20 năm cầm vé, ông bay 3,2 triệu km mỗi năm, tương đương qua lại giữa Hà Nội – TP.HCM 2.772 lần. Từ Mỹ, Vroom bay sang London hay Paris chỉ để ăn trưa với bạn bè.

Năm 2007, American Airlines gặp khó khăn tài chính. Tất cả mọi sổ sách được lục tung và họ phát hiện mỗi vị khách kia xài đến 1 triệu đô la mỗi năm của hãng bay bao gồm tiền vé, thuế, phí dịch vụ. Thế là hãng tung ra chiến dịch bôi xấu “hai gã lừa đảo” và đòi lại vé AAirpass. Hãng bay cuối cùng thành công trước hai khách thấp cổ bé họng không sức đương đầu với rừng luật sư của American Airlines.

American Airlines không ngần ngại gọi Steven Rothstein là “gã lừa đảo” khi nhận ra vị khách này xài đến 1 triệu đô của hãng mỗi năm. Ảnh: Reddit

Cuộc đua xuống đáy…

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định: Các hãng hàng không của Trung Quốc đang dẫn đầu toàn cầu về sự phục hồi các tuyến bay nội địa, với mức lưu lượng giảm 35,5% trong tháng 6 so với giai đoạn 2019. Nhưng thị trường hàng không lớn thứ hai toàn cầu vẫn đầy sức cạnh tranh.

Hãng nào cũng đang cần tiền mặt. Dĩ nhiên, các hãng bay Trung Quốc chắc chắn vẫn nhớ bài học của American Airlines. Nhưng không phải lúc nào họ cũng bình tĩnh nhận ra rằng: Chiến lược tương tự – dù ở hạng ghế thấp hơn – cũng có thể dẫn đến thất thu lợi nhuận trong dài hạn. 

Họ nhận ra những rủi ro tiềm ẩn của chiến lược “bay thoải mái”, nhưng nỗi lo lắng về việc bị các đối thủ bỏ xa đã chiến thắng. Số lượng khách bay nội địa đã từ từ hồi phục sau thời gian ảm đạm, mặc cho tình hình chung vẫn còn là khá bất ổn. Điều này đã dẫn đến việc các hãng bay làm mọi cách để giành các vị khách bay thường xuyên. “Chiến lược chung là trước tiên phải giành lượng hành khách, sau đó mới đến tỷ lệ chỗ bán được, và rồi cuối cùng mới đến giá cả”, hãng chứng khoán Changjiang Securities nhận định.

Theo hãng Industrial Securities, giá vé bay quốc tế vào cuối tháng 7-2020 đã tăng hơn gấp ba lần so với một năm trước đó. Đây là hệ quả của việc hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn Covid-19 xâm nhập Trung Quốc từ nước ngoài, khiến nguồn cung chuyến bay hay số ghế khan hiếm.

Ngược lại, thì giá vé bay nội địa lại giảm khoảng 20% ​​so với cùng kỳ. Shi là một trong số ít hành khách đã tận dụng tối đa các ưu đãi do nhu cầu đi lại vẫn còn thấp so với nguồn cung. Các hãng hàng không Trung Quốc vẫn chưa để dành số ghế trong trường hợp khách bay cần gấp và khi thị trường bay hồi phục. Trong chiều hướng ế ẩm và hạ giá vé hiện nay, sự xuất hiện của loại vé bay không giới hạn chỉ có thể biến cuộc đua thành… chạm đáy hay rơi xuống vực!

Tuy nhiên, không phải tất cả các hãng hàng không tại thị trường đông dân nhất thế giới đều đã áp dụng chiến lược này. Hãng hàng không hàng đầu của Trung Quốc, Air China, vẫn chưa có động thái về việc cung cấp các gói vé “bao bay”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới