Nguyễn Huy Thiệp và kịch bản chèo “Vong bướm”
Hạnh Thư
(TBKTSG Online) - “Vong bướm” là tên cuốn sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cuốn sách bao gồm hai kịch bản chèo mang tên “Vong bướm” (Sự tích chàng nghệ sĩ) và “Truyền thuyết tìm vua” (Sự tích Chúa Chổm).
“Vong bướm” là câu chuyện lấy cảm hứng từ cuộc đời và tác phẩm của thi sĩ Nguyễn Bính và nhiều văn nghệ sĩ khác đương thời. Nhân vật chính của câu chuyện là Điệp Lang, một nhân vật xuất thân từ nông thôn, bỏ quê đi ra thành phố, hướng về lý tưởng Chân - Thiện - Mỹ.
Lên chuyến tàu định mệnh, Điệp Lang ký khế ước với Ma vương, làm bạn cùng bốn con quỷ đầy cám dỗ là “tửu, sắc, yên, đổ”, vượt qua bốn ngọn núi Sinh, Lão, Bệnh, Tử để đến với ánh sáng của Chân - Thiện - Mỹ. Nhưng Điệp Lang đã thực hiện dang dở ý tưởng của mình.
Sau “Vong bướm”, “Truyền thuyết tìm vua” được viết trên cảm hứng về cuộc đời chúa Chổm, một nhân vật đặc biệt trong lịch sử.
Cuối thế kỷ XVI ở Việt Nam, nhà Lê (nhà Lê sơ – do Lê Lợi lập ra vào năm 1527) sau 100 năm tồn tại ngày càng suy đồi. Đến đời vua Lê Chiêu Tông (1616) xã tắc rối ren, Mạc Đăng Dung lạm quyền, vua phải bỏ chạy ra ngoài cung điện. Tương truyền khi chạy ra ngoài, bị giam cầm, Lê Chiêu Tông gặp gỡ với một cô bán rượu ở làng Lủ, huyện Thanh Trì và truyền lại ấn tín, sau này sinh ra Lê Duy Ninh hay Lê Duy Huyến tức chúa Chổm.
Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, Hưng quốc công Nguyễn Kim tập hợp các công thần nhà Lê giương cao ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc” lập căn cứ ở biên giới Thanh Hoá - Sầm Nưa. Hai cha con Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm đã tìm ra chúa Chổm tôn phò làm vua, mở ra thời kỳ lịch sử Lê trung hưng (tồn tại 255 năm với 16 đời vua, từ vua Lê Trang Tông tức chúa Chổm đến Lê Chiêu Thống).
Trong kịch bản “Truyền thuyết tìm vua", điều mà Nguyễn Huy Thiệp muốn gửi gắm đến người xem nghệ thuật là cảm nhận cuộc sống cho chính mình: “Hơn cả sân khấu, hơn cả mọi hình thức nghệ thuật nói chung, đấy là nghệ thuật cảm nhận của mỗi chúng ta về “cái đang là” hôm nay, bây giờ, trong khoảnh khắc này”.
Nói về sự ra đời của “Vong bướm”, Nguyễn Huy Thiệp cho biết, ông đam mê chèo từ thuở nhỏ. Sau này, trở thành nhà văn, ông vẫn luôn để tâm đến loại hình nghệ thuật truyền thống này, mà đặc biệt là phần kịch bản mà người xưa hay gọi là “thân trò” hay “tích trò”. Tuy nhiên, theo thời gian thì chèo, thứ “đặc sản văn hóa có một không hai của văn minh đồng bằng Bắc bộ” này đang dần bị mai một, bị “dung tục hóa”. Bởi vậy, "Vong bướm" như một sự lưu giữ truyền thống.
Viết kịch bản chèo, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng lục bát làm phương tiện truyền đạt, bởi theo ông: “Thơ, ở Việt Nam, trước hết phải là lục bát. Nó cũng giống như xon-nê ở Pháp, hai-ku ở Nhật, tứ tuyệt, thơ Đường…ở Trung Quốc. Nó là thể thơ mang dân tộc tính rất cao. Lục bát còn, tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước ta còn”.
Tại đây, độc giả còn có cơ hội chiêm ngưỡng một Nguyễn Huy Thiệp hoàn toàn mới với thơ lục bát, khi mà lần đầu tiên ông thể nghiệm một thể loại mới: kịch bản chèo.
Giao lưu với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp Nhân dịp ra mắt tác phẩm "Vong bướm", ngày 23-2, tại Không gian sáng tạo Cà phê Trung Nguyên (36B Điện Biên Phủ, Hà Nội) Nguyễn Huy Thiệp sẽ có buổi giao lưu cùng độc giả. Buổi giao lưu còn có sự tham dự của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học và Tiến sĩ Nguyễn Văn Phượng - Đại học Sư phạm Hà Nội. |