Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần

Chân dung nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt – Ảnh: TTXVN

Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lúc 18 giờ ngày 12-6-2008 đã ra thông cáo đặc biệt: nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt do tuổi cao, bệnh nặng đã từ trần hồi 7 giờ 40 ngày 11-6-2008, thọ 86 tuổi.

Tang lễ nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang. Linh cữu ông được quàn tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM. Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 8 giờ, ngày 14-6-2008 đến 8 giờ 30 phút, ngày 15-6-2008, lễ truy điệu bắt đầu từ 9 giờ, ngày 15-6-2008.

Lễ an táng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt được tổ chức cùng ngày tại Nghĩa trang TPHCM.

Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu diễn ra tại TPHCM, lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội và tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long. Trong hai ngày Quốc tang (ngày 14 và ngày 15-6-2008), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

 

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt  trong một dịp gặp gỡ, nói chuyện thân tình cùng các thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 thuộc Saigon Times Club vào năm 2006 – Ảnh: Lê Toàn

Tóm tắt tiểu sử nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

– Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khoá VI, VIII, IX, Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

– Ông Võ Văn Kiệt, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23-11-1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế.

– Năm 1939, ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ, Huyện uỷ viên và tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm. Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông làm Ủy viên chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ.

– Ông đã tham gia kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ.

– Năm 1976, ông làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM rồi làm Bí thư Thành ủy TPHCM. Sau đó, ông được điều về Trung ương công tác. Hoạt động cách mạng liên tục trên 70 năm, ông đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

– Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VIII, ông được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; sau đó, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII (tháng 8-1991), ông được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996), ông tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị và được cử làm Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị.

– Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX (1992 – 1997), ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

– Từ tháng 12-1997 đến tháng 4-2001, ông được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

– Ông là đại biểu Quốc hội các khoá VI, VIII, IX.

Theo TTXVN

Lúc sinh thời, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo luôn quan tâm đến nhân dân, đến tương lai phát triển của đất nước, ngay cả khi ông đã rời khỏi vị trí điều hành Chính phủ. Ông đã từng có nhiều bài viết sâu sắc, nhận định, góp ý cho những vấn đề kinh tế quan trọng mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã có dịp đăng tải.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn xin giới thiệu một trong những bài viết đó

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới