Thứ Hai, 15/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhà bán lẻ Đông Nam Á ‘đặt cược’ lớn vào thương mại mạng xã hội

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đa số nhà bán lẻ ở Đông Nam Á có kế hoạch tăng đầu tư vào thương mại mạng xã hội (social commerce) trong 12 tháng tới, theo khảo sát mới đây của Shopify Inc, công ty thương mại điện tử ở Canada.

Xu hướng này phù hợp với một dữ liệu quan trọng khác rút ra từ cuộc khảo sát: 82% người tiêu dùng trong khu vực phát hiện các sản phẩm mới thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Tìm kiếm và mua sắm sản phẩm thông qua các nền tảng mạng xã hội đang trở thành xu hướng phổ biến ở Đông Nam Á. Ảnh: TTXVN

Thương mại mạng xã hội được chú trọng

Báo cáo khảo sát Bán lẻ Đông Nam Á 2024 của Shopify cho thấy, 39% nhà bán lẻ ở Đông Nam Á xem mức độ tương tác của khách hàng đối với sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội là thước đo quan trọng để xác định tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư (ROI) cho hạ tầng thương mại điện tử. Tầm quan trọng của thước đo này đối với ROI chỉ đứng sau biên lợi nhuận.

Trong khi đó, 68% nhà bán lẻ cho biết sẽ tăng đầu tư thương mại xã hội trong 12 tháng tới. 66% có kế hoạch tăng cường đầu tư vào một nền tảng thương mại hợp nhất, trong đó sử dụng công nghệ tích hợp để kết nối tất cả khâu trong hoạt động bán lẻ của doanh nghiệp vào một hệ thống. Điều này sẽ cho phép nhà bán lẻ có cái nhìn toàn diện về mức độ tương tác của khách hàng, hàng tồn kho và quá trình thực hiện đơn hàng trên tất cả các kênh.

Hiện tại, 85% nhà bán lẻ Đông Nam Á thừa nhận đang đối mặt với nhiều thách thức trong hoạt động, chủ yếu liên quan đến các quy trình thủ công và hệ thống kinh doanh phức tạp. Gần như tất cả các nhà bán lẻ (99%) tin rằng, công nghệ có thể giải quyết những vấn đề này. Cuộc khảo sát của Shopify cho thấy, họ có kế hoạch đầu tư khoảng 20% ​​tổng doanh thu vào các sáng kiến ​​đổi mới trong năm tới.

Các lĩnh vực đầu tư công nghệ mà họ quan tâm nhất gồm định giá sản phẩm theo thời gian thực dựa vào bối cảnh, thương mại xã hội và  kinh doanh thông minh (liên quan đến  phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định kinh doanh). Nền tảng tảng thương mại hợp nhất và công nghệ thương mại điện tử có thể tùy chỉnh là những ưu tiên đầu tư tiếp theo.

Shaun Broughton, giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản của Shopify, nói: “Các nhà bán lẻ Đông Nam Á đang chuyển sang các giải pháp công nghệ tiên tiến không để chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn củng cố sức bật trong dài hạn”.

Theo ông, thương mại hợp nhất được coi là chất xúc tác tăng trưởng quan trọng, cho phép nhà bán lẻ khai thác dữ liệu và hiểu biết toàn diện về khách hàng, hàng tồn kho và hoạt động để đưa ra các quyết định mang tính chiến lược và sáng suốt.

“Trong điều kiện kinh tế khó khăn, khách hàng ngày càng trở nên thông minh và kén chọn hơn trong cách tiêu tiền. Thương mại mạng xã hội tiếp tục đóng vai trò lớn như một nền tảng để khám phá sản phẩm và tác động đến quyết định của khách hàng”, Eugene Chua, Giám đốc thương mại điện tử và tiếp toàn cầu của Secretlab, công ty sản xuất kinh doanh ghế chơi game của Singapore, nhấn mạnh.

Người tiêu dùng Đông Nam Á cắt giảm chi tiêu 

Môi trường kinh tế vĩ mô hiện tại tác động đáng kể đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng Đông Nam. Lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao khiến 83% người tiêu dùng trong khu vực cắt giảm các chi tiêu không thiết yếu, theo khảo sát của Shopify. 50% người tiêu dùng cho biết tìm kiếm giá trị tốt nhất khi mua sắm.

Giá cả là yếu tố hàng đầu để người tiêu dùng trong khu vực đưa ra quyết định mua sắm. 96% cho biết sẽ trung thành với một thương hiệu nếu thương hiệu đó đưa ra các ưu đãi. 70% thích các thương hiệu bán giá thấp hoặc khuyến mãi liên tục.

Các bán lẻ Đông Nam Á cũng đang cạnh tranh để mang lại trải nghiệm tiện lợi cho khách hàng vì đây là yếu tố quan trọng để đưa ra quyết định mua sắm bên cạnh giả cả. Chẳng hạn, tại Singapore, các cân nhắc mua sắm trực tuyến hàng đầu của người tiêu dùng là miễn phí vận chuyển (71%), khả năng thanh toán dễ dàng (55%) và trả lại hàng miễn phí (51%). Các ưu tiên trải nghiệm mua sắm hàng đầu tại cửa hàng truyền thống bao gồm đội ngũ nhân viên am hiểu (56%), sản phẩm có sẵn (55%) và dịch vụ chu đáo (36%), theo khảo sát của Shotify.

Cũng theo khảo sát, 52% người tiêu dùng Đông Nam Á thích mua sắm trực tuyến hơn. 28% cho biết thích mua sắm tại cửa hàng truyền thống tương đương mua sắm trực tuyến và 19% thích mua sắm tại cửa hàng truyền thống hơn. Dữ liệu này nhấn mạnh sự cần thiết của trải nghiệm mua sắm đa kênh.

Một dữ kiện quan trọng khác từ cuộc khảo sát là người tiêu dùng trong khu vực có xu hướng tin tưởng hơn vào trang web của thương hiệu khi mua những sản phẩm có giá trị lớn. Theo đó, 42% người tiêu dùng ưu tiên mua sắm sản phẩm giá trị lớn từ website của thương hiệu hơn là từ các cửa hàng trên nền tảng thương mại trực tuyến.

Theo TechNode, logistics.asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới