Nhà bán lẻ hợp tác công ty tài chính để kích cầu
T.Thu
![]() |
Các diễn giả tại buồi toạ đàm hôm 26-1. Ảnh: Thu Nguyệt |
(TBKTSG Online) – Hiện một số nhà bán lẻ đang hợp tác với các công ty tài chính để kích cầu, tăng doanh số bằng hình thức cho khách hàng mua hàng trả góp trong thời gian ngắn với lãi suất 0%.
Tại toạ đàm tài chính trực tuyến về cho vay tiêu dùng do Thời báo Ngân hàng và công ty cho vay tiêu dùng Home Credit Việt Nam tổ chức hôm 26-1 tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tài chính để bán hàng trả góp nhằm kích cầu tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó giám đốc Công ty TNHH TMDV Sang Trọng chuyên kinh doanh xe máy, cho biết, do có những mặt hàng bán rất chậm và cần thu hồi vốn, nên công ty hợp tác với các công ty tài chính để thu hút khách hàng đến cửa hàng bằng sản phẩm cho vay trả góp với lãi suất 0% trong cả thời gian vay (thông thường là 6 tháng). Sản phẩm cho vay này không phải áp dụng đại trà mà chỉ với một số mặt hàng và trong thời gian nhất định.
Ông Lê Đức Thuần, Giám đốc ngành hàng Dịch vụ FPT Retail, cho biết công ty hiện đang hợp tác với bốn công ty tài chính để khách hàng được mua trả góp, trong đó có sản phẩm mua trả góp lãi suất 0% trong cả kỳ hạn vay, nhằm kích cầu đối với một số mặt hàng nhất định. Để có mức lãi suất 0%, hiện FPT Retail thoả thuận với các công ty tài chính để mỗi bên chịu một phần lãi suất. Tuỳ từng mặt hàng và thời điểm, nhưng nhìn chung có những sản phẩm cho vay trả góp, FPT Retail chịu trên 10% giá bán.
Ông Thuần cho biết thêm, gói vay mua hàng trả góp này chỉ có thể áp dụng được toàn bộ thời gian là 6 tháng vì khoảng thời gian này có chi phí vừa sức với doanh nghiệp. Dựa trên thời hạn vay 6 tháng này, công ty bán lẻ và công ty tài chính sẽ cân đối chi phí. Hiện 30% doanh số của công ty đến từ khách hàng vay mua trả góp của các công ty tài chính.
Bà Vương Thủy Tiên, Thành viên Hội đồng thành viên Home Credit Việt Nam, cho biết hiện công ty đang triển khai nhiều sản phẩm cho vay với lãi suất ưu đãi nhờ hợp tác với các nhà sản xuất và công ty bán lẻ, như một số công ty bán lẻ điện thoại di động, máy tính, xe máy...
Theo bà Thuỷ Tiên, hiện các công ty bán lẻ và nhà sản xuất đã tăng cường hợp tác với các công ty tài chính. Trước đây, các công ty tài chính phải trả hoa hồng để có sự hiện diện tại các cửa hàng bán lẻ, thì hiện lại được sự hỗ trợ của các nhà sản xuất và bán lẻ để đưa ra các sản phẩm cho vay lãi suất thấp.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, mặc dù các công ty tài chính và nhà bán lẻ đưa ra chương trình cho vay mua trả góp với lãi suất 0%, nhưng khách hàng nên so sánh về giá cả của các cửa hàng trước khi quyết định mua. Thêm vào đó, lãi suất quan trọng nhưng thời gian hoàn trả cũng quan trọng, nên khách hàng cần lưu ý những điểm này.
Ngoài ra, lãi suất 0% được áp dụng trong toàn toàn bộ thời gian vay, tuy nhiên nếu trả chậm so với thời gian quy định trong hợp đồng, khách hàng phải chịu phí phạt nặng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, năng lực cạnh tranh của các công ty tài chính thấp hơn nhiều so với các tổ chức tín dụng. Do đó, sản phẩm của công ty tài chính phải tạo sự khác biệt để đảm bảo cạnh tranh. Hiện các ngân hàng đang áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng phổ biến ở 11-13%. Do đó, việc các công ty tài chính đưa ra một số sản phẩm cho vay tiêu dùng với lãi suất 0% là sự khác biệt để cạnh tranh.
Theo ông Minh, tại Việt Nam nói chung và tại TPHCM nói riêng, trong nhiều năm qua, cho vay tiêu dùng có nhiều triển vọng, đem lại nhiều lợi ích kinh tế, và hứa hẹn sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian tới.
Tính đến cuối năm 2010, khi cho vay tiêu dùng chưa được các công ty tài chính, ngân hàng quan tâm nhiều, tỷ trọng cho vay tiêu dùng rất thấp, chỉ chiếm 2,3% trong tổng dư nợ trên địa bàn TPHCM đến cuối năm 2010, tương đương 16.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối 2015, tỷ trọng này tăng mạnh, chiếm 6,8% trong tổng dư nợ, tương đương 90.000 tỉ đồng, trong đó trên 20% là đến từ các công ty cho vay tiêu dùng.
Theo ông Minh, dư nợ cho vay tiêu dùng tăng nhanh, nhưng nợ xấu nhìn chung không cao. Tuy nhiên, riêng nợ xấu của các công ty tài chính vẫn còn cao, vì đối tượng cho vay thường có thu nhập trung bình thấp.
Thêm vào đó, một trong những yếu tố gây rủi ro lớn cho công ty tài chính là, trong hợp đồng cho vay có những điều khoản khách hàng không hiểu. Do đó để đảm bảo thu hồi nợ tốt, các công ty tài chính cần phải công khai minh bạch các điều khoản, đặc biệt điều khoản về thu hồi nợ (của công ty cho vay) và trả nợ (của khách hàng). Ông Minh đề nghị công ty tài chính xử lý những nguồn dự phòng rủi ro, và cố gắng đưa nợ xấu xuống dưới 3%.