Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà bán lẻ Mỹ tối ưu hóa hàng tồn kho mùa mua sắm cuối năm

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà bán lẻ ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bước vào chu kỳ kinh doanh quan trọng nhất trong năm với chiến lược tồn kho rất khác so với năm 2022. Các nhà kho của họ không còn chất đầy hàng hóa và các kệ hàng của họ không còn tràn ngập hàng hóa giảm giá. Thay vào đó, họ tập trung vào những mặt hàng có nhu cầu lớn.

Các nhà bán lẻ Mỹ đã giảm đáng kể hàng tồn kho và tập trung vào các sản phẩm có nhu cầu lớn trước mùa mua sắm cuối năm. Ảnh: Gep.com

Bước vào mùa mua sắm cuối năm, các chuỗi bán lẻ lớn của Mỹ từ Walmart, Target cho đến Best Buy và Dick's Sporting Goods đã giảm đáng kể lượng hàng tồn kho trong khi cố gắng tập trung các sản phẩm mà người tiêu dùng thực sự có nhu cầu.

Dự báo nhu cầu của người người tiêu dùng để lên kế hoạch cho chuỗi cung ứng là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà bán lẻ. Kể từ thời kỳ đại dịch, người tiêu dùng Mỹ nhanh chóng chuyển chi tiêu cho các mặt hàng như trang trí nhà cửa sang đồ dùng văn phòng, rồi sang các chuyến du lịch.

Nhiều nhà bán lẻ đã dành phần lớn thời gian trong năm qua để giải phóng lượng hàng tồn kho từ năm ngoái. Giờ đây, họ đã “dọn dẹp” đáng kể các trung tâm phân phối và giá trị hàng tồn kho trên bảng cân đối kế toán.

Chuỗi siêu thị Target đã cắt giảm 14% hàng tồn kho trong quí kết thúc vào ngày 28-10 so với cùng kỳ năm ngoái. Target là một trong những nhà bán lẻ đã thuê bao tàu container trong năm 2021 để giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở các cảng. Rốt cục, nhà bán lẻ này đã tích trữ hàng tồn kho quá nhiều, bao gồm quần áo và đồ gia dụng vốn có nhu cầu lớn trong thời kỳ đại dịch, nhưng không còn hợp thời khi người tiêu dùng quay trở lại văn phòng và nhà hàng.

“Khi xây dựng kế hoạch cho mùa nghỉ lễ này, chúng tôi thận trọng về hàng tồn kho. Điều này tạo cho chúng tôi sự linh hoạt cần thiết để nhanh chóng điều chỉnh theo những biến động xu hướng tiêu dùng”, CEO Brian Cornell của Target, cho biết hôm 15-11.

Tính linh hoạt của chuỗi cung ứng trở nên quan trọng sau khi các công cụ dự báo không còn hiệu quả trong thời đại dịch. Một số nhà bán lẻ đã tăng cường đặt hàng với các nhà cung cấp để tránh tình trạng thiếu sản phẩm trong bối cảnh chuỗi cung ứng liên tục bị gián đoạn. Nhưng cuối cùng, xu hướng tiêu dùng thay đổi khiến họ phải “ôm” một lượng lớn hàng tồn kho.

David Bassuk, lãnh đạo toàn cầu về hoạt động bán lẻ tại hãng tư vấn AlixPartners, cho biết mô hình mua hàng của người tiêu dùng ngày nay thay đổi nhanh chóng hơn so với trước đại dịch, khiến nhiều nhà bán lẻ không thể vạch ra cách quản lý hàng hóa tốt nhất. Bassuk cho rằng, đối với mùa mua sắm cuối năm, có nguy cơ thực sự là hàng tồn kho của các nhà bán lẻ không đúng chủng loại và phân bố sai địa điểm.

Lauren Hobart, CEO của chuỗi cửa bán bán đồ thể theo Dick's Sporting Goods, cho biết công ty ông đã tích cực giải quyết hàng tồn kho không mong muốn trong quí 3 để nhường chỗ cho hàng hóa mới. Doanh số bán hàng cùng cửa hàng của công ty tăng 1,7% trong quí vừa qua, trong khi hàng tồn kho giảm 2%.

“Điều thúc đẩy doanh số bán hàng hàng đầu của chúng tôi là khả năng giữ cho hàng tồn kho luôn tươi mới. Điều quan trọng là phải cung cấp các mặt hàng đang có nhu cầu lớn”, Hobart nói.

Doanh số bán lẻ trong mùa lễ cuối năm ở Mỹ dự kiến tăng với tốc độ chậm hơn trong năm nay. Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ dự đoán doanh số bán hàng trong mùa lễ năm nay tăng từ 3-4% so với năm ngoái, lên 957,3 - 966,6 tỉ đô la Mỹ, chậm hơn mức tăng 5,3% trong mùa lễ năm 2022 so với năm 2021.

Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng trưởng không đồng đều trong năm qua khi người tiêu dùng đối phó với lạm phát cao và chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ. Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 10  giảm 0,1% với tháng trước, đánh dấu mức giảm đầu tiên kể từ tháng 3.

Chuỗi bán lẻ điện tử Best Buy đã giảm lượng hàng tồn kho khoảng 4% trong quí 3 so với năm ngoái. Công ty hy vọng các mặt hàng có sẵn hiện nay trong kho sẽ phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng. Ví dụ, công ty có nhiều hàng tồn kho trò chơi điện tử hơn trong năm nay.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục quản lý hàng tồn kho một cách chiến lược để tối đa hóa khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, CEO Corie Barry của Best Buy, nhấn mạnh trong cuộc họp báo hôm 21-11.

Trong quí 3, Gap giảm lượng hàng tồn kho 22% so với cùng kỳ ngoái. Nhà bán lẻ thời trang, có trụ sở tại San Francisco, cho biết việc áp dụng cách tiếp cận kỷ luật đối với hàng tồn kho đã giúp công ty tránh bán hàng giảm giá quá sâu, đồng thời cho phép đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhanh hơn.

Theo Vivek Astvansh, giáo sư tiếp thị của Đại học McGill, trong năm nay, các nhà bán lẻ Mỹ đối mặt với một vấn đề nan giải xung quanh việc “duy trì bao nhiêu hàng tồn kho trong khi vẫn đảm bảo chủng loại đủ rộng để đáp ứng thị hiếu và sở thích đa dạng của người tiêu dùng”.

Dữ liệu cho thấy tỷ lệ hàng tồn kho so với doanh thu của các công ty bán lẻ Mỹ trong tháng 9 đã giảm xuống 1,18 so với 1,21 vào cùng kỳ năm ngoái.

Tại chuỗi cửa hàng bách hóa Macy's, hàng tồn kho chặt chẽ hơn đã giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp dù doanh số bán hàng giảm trong quí trước. Hàng tồn kho của Macy's giảm 6% trong quí 3 so với một năm trước đó và giảm 17% so với năm 2019.

Tony Spring, Chủ tịch của Macy's, cho biết công ty đang tập trung vào tính đa dạng thay vì quá nhiều hàng tồn kho. “Khách hàng ngày nay không muốn đi dọc theo một gian hàng dài vô tận (để tìm sản phẩm muốn mua). Họ muốn có lối đi hiệu quả nhất”, Spring nói.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới