Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà bán lẻ Mỹ trở lại chiến lược hàng tồn kho tinh gọn

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các mức tồn kho hàng hóa tăng vọt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đang giảm nhưng các nhà bán lẻ của Mỹ vẫn ngần ngại đặt mua hàng dự trữ mới. Họ đang khôi phục lại chiến lược cũ để quản lý mức tồn kho hợp lý và tinh gọn hơn sau bốn năm vật lộn tìm ra sự cân bằng phù hợp, giúp nguồn cung hàng hóa đầy đủ nhưng không quá nhiều.

Các nhà bán lẻ đang quay trở lại chiến lược hàng tồn kho kịp thời, tinh gọn. Ảnh: dynamictech

Các nhà bán lẻ Mỹ đã giải quyết lượng hàng tồn dư thừa chất đống trên các kệ hàng và trong nhà kho trong 18 tháng qua và hiện tập trung vào việc bổ sung kịp thời các mặt hàng để đáp ứng vừa đủ nhu cầu, thay vì tích trữ hàng hóa sẵn để đối phó rủi ro chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Sự thay đổi này đánh dấu sự quay trở lại chiến lược quản lý hàng tồn kho “đúng lúc” ((just in time) mà nhiều công ty đã áp dụng trước khi tình trạng thiếu sản phẩm do chuỗi cung ứng đứt gãy trong đại dịch, và những thay đổi không ổn định trong nhu cầu của người tiêu dùng thúc đẩy việc chuyển sang phương pháp dự trữ “đề phòng” (just in case).

Jamie Bragg, giám đốc chuỗi cung ứng của chuỗi bán lẻ thời trang nam Tailored Brands ở bang Texas, cho biết, quản lý hàng tồn kho đúng lúc là mục tiêu của công ty. Tailored Brands đã nghiên cứu trong vài năm qua để có được cái nhìn rõ hơn về các đơn đặt hàng sản xuất ở nước ngoài, từ đó điều chỉnh đơn hàng dựa trên nhu cầu.

“Chúng tôi đang nhập lượng hàng tồn kho cần thiết để hỗ trợ kế hoạch bán hàng và có khả năng nắm bắt chuỗi cung ứng lên tới 180 ngày để điều chỉnh tăng hoặc giảm dựa trên các tín hiệu nhu cầu mà chúng tôi nhận được”,  Bragg chia sẻ. Ông cho biết thêm, khả năng phản ứng với nhanh chóng trước những thay đổi của nhu cầu có nghĩa là công ty không cần hàng tồn kho đề phòng.

Theo Terry Esper, giáo sư hậu cần ở Đại học bang Ohio, các công ty hiện có khả năng dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng tốt hơn và cảm thấy họ có thể dự trữ hàng tồn kho ít hơn trong bối cảnh tăng trưởng chi tiêu ở mức vừa phải và ít gián đoạn chuỗi cung ứng hơn.

“Các nhà bán lẻ tin tưởng hơn vào chuỗi cung ứng tổng thể, mạng lưới hậu cần và môi trường kinh doanh, vì vậy, họ thấy đây là thời điểm an toàn để quay trở lại chiến lược tồn kho ‘đúng lúc’”, Esper nói.

Các chuyên gia hậu cần cho biết, các công ty thường không muốn dự trữ lượng hàng tồn kho lớn vì điều này sẽ làm tăng chi phí lưu kho, đòi hỏi nhiều không gian và nhân lực hơn để quản lý, đồng thời hàng hóa có nguy cơ trở nên lỗi thời khi xu hướng thay đổi.

Các nhà bán lẻ Mỹ đang nỗ lực để đưa hàng tồn kho trở lại phù hợp với doanh số bán hàng sau khi nhập trước quá nhiều hàng hóa không còn nhu cầu vào năm 2022 khi người tiêu dùng chuyển chi tiêu từ các mặt hàng như trang trí nhà cửa sang trang phục công sở, rồi chuyển sang du lịch.

Theo Cục Điều tra dân số Mỹ, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh số bán hàng tại các nhà bán lẻ hàng hóa tổng hợp, theo dõi số lượng hàng tồn kho so với số hàng họ đã bán, giảm xuống 1,36 vào tháng 11 từ mức cao nhất trong thời kỳ đại dịch là 1,5 vào tháng 8-2022. Tỷ lệ vào tháng 11-2019 là 1,33.

Jason Miller, giáo sư hậu cần của Đại học bảng Michigan, nhận định về, về cơ bản, các nhà bán lẻ Mỹ đang quay trở lại chiến lược tồn kho của năm 2019.

Chỉ số nhà quản lý hậu cần (LMI), một cuộc khảo sát hàng tháng đối với các nhà quản lý chuỗi cung ứng ở Mỹ, cho thấy mức tồn kho trong tháng 12 đã giảm lần thứ bảy trong tám tháng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, tình trạng gián đoạn mới của chuỗi cung ứng có thể khiến các nhà bán lẻ thực hiện một cách tiếp cận khác và nhập thêm nhiều hàng dự trữ. Các cuộc tấn công gần đây của phiến quân Houthi nhằm vào vào các tàu container ở Biển Đỏ đã buộc các công ty phải thay đổi lộ trình các chuyến hàng với khoảng cách xa hơn để tránh khu vực biển nguy hiểm này. Trong khi đó, mực nước thấp ở Kênh đào Panama cũng làm chậm một số đợt giao hàng đến Mỹ.

Chi tiêu của người tiêu dùng ở Mỹ tăng chậm lại do tác động của lạm phát cao và lãi suất tăng cao. Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của Mỹ sau khi điều chỉnh theo mùa trong tháng 12 tăng 5,6% so với một năm trước Đó là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm 2023, nhưng thấp hơn tốc độ tăng trưởng trong suốt năm 2021 và 2022.

Tanja Dysli, giám đốc chuỗi cung ứng của chi nhánh ở Mỹ của nhà bán lẻ nội IKEA, cho biết công ty đã quay trở lại nhập khẩu với khối lượng tương đương như trước đại dịch. Bà nói rằng IKEA đang áp dụng cách tiếp cận “đúng lúc” đối với hàng tồn kho.

“Chúng tôi ít nhiều đã trở lại tình trạng bình thường về mức tồn kho và tính sẵn có của sản phẩm”, bà nói.

Các nhà bán lẻ như Walmart đã triển khai công nghệ nhằm khắc phục các công cụ dự báo sai sót trong đại dịch khi họ tìm cách hiểu rõ hơn những gì người tiêu dùng đang mua và dự đoán nhu cầu chính xác hơn.

Rob Handfield, giáo sư quản lý chuỗi cung ứng của Đại học bang Bắc Carolina, cho biết, công nghệ này cho phép các nhà bán lẻ dự trữ những lô hàng nhỏ hơn, chính xác hơn so với trước đây.

Theo David Guggina, Phó Chủ tịch điều hành chuỗi cung ứng của Walmart, công ty ông hiện chỉ bổ sung thêm hàng khi cần thiết dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng.

“Bạn sẽ không thấy mức độ gián đoạn ở thượng nguồn trong chuỗi cung ứng như vào năm 2020 và 2021. Chúng tôi có thể dự đoán thời gian giao hàng tốt hơn, chúng tôi có thể thực hiện chu kỳ đánh giá tốt hơn, nhờ đó, chúng tôi có thể đạt được mức tồn kho mục tiêu”, Guggina nói.

Walmart đang tìm cách tăng doanh số bán hàng với lượng hàng tồn kho tinh gọn hơn. Walmart đã giảm lượng hàng tồn kho 4,8% tại Mỹ trong quí kết thúc vào ngày 27-10 so với cùng kỳ năm ngoái trong khi doanh số bán hàng tại cùng cửa hàng tăng 4,9%.

 Theo WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới