(KTSG Online) - Trước áp lực cạnh tranh mạnh mẽ ở kênh bán hàng trực tuyến và hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi nhiều, các nhà phân phối tiếp tục tăng tốc săn mặt bằng để tạo lợi thế kinh doanh, nhất là chuỗi bán lẻ ngoại.
- Thị trường bán lẻ Việt Nam đạt 350 tỉ đô la vào năm 2025
- Thu khoảng 180.000 tỉ đồng thuế kinh doanh thương mại điện tử trong 2 năm
Cuộc chiến dành thị phần "miếng bánh" thị trường hơn 190 tỉ đô la Mỹ này không chỉ dừng lại về cạnh tranh giá bán mà các nhà kinh doanh còn đang dịch chuyển theo thị hiếu tiêu dùng, tăng tiện ích và trải nghiệm mua sắm của khách hàng...
Cuộc đua gia tăng “điểm chạm” với khách hàng
Trải qua năm 2023 đầy khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cũng như cạnh tranh mạnh mẽ với kênh bán hàng điện tử, các nhà bán lẻ với chuỗi cửa hàng vật lý vẫn tin tưởng tiềm năng thị trường để tăng tốc mở rộng kinh doanh.
Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) gần đây ký kết với Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị để phát triển thêm các điểm bán ở địa phương này. Nhà bán lẻ này sẽ nghiên cứu mở ở TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh...
Theo Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức, hệ thống phân phối và hậu cần trải dài khắp mọi miền đất nước là lợi thế lớn của Saigon Co.op. Thông qua đó, hàng sản xuất trong nước có thể nhanh chóng đến tận tay người tiêu dùng. Saigon Co.op mong muốn, từ dự án đầu tiên là Co.opmart Đông Hà, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tạo điều kiện để đơn vị phát triển các dự án mới.
Đây là một trong những hướng đi mà Saigon Co.op muốn nâng 800 điểm lên 900 điểm bán năm 2024.
Với chuỗi Bách Hóa Xanh, thay vì kế hoạch mở dàn trải như nhiều năm trước, năm 2024, chuỗi này sẽ tập trung vào thị trường TPHCM với mục tiêu mở 100 điểm bán. Nếu kế hoạch thành công sẽ nâng tổng số điểm bán trên toàn quốc lên hơn 1.800 cửa hàng.
Kế hoạch này được cho là khả thi khi mà chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu thuộc Thế Giới Di Động (MWG) gần đây hoàn tất giao dịch chào bán cổ phần riêng lẻ 5% cổ phần cho CDH Investments - một công ty đến từ Trung Quốc.
Đáng chú ý, WinCommerce, chủ quản chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng Winmart+ đang quay trở lại chiến lược mở rộng điểm bán. Công ty đặt mục tiêu mở 400-700 cửa hàng và siêu thị, tương đương mỗi ngày sẽ có thêm một điểm bán mới. Nếu thành công với mục tiêu tối đa, chuỗi này sẽ có hơn 4.000 điểm bán vào cuối năm nay.
Tương tự, các chuỗi bán lẻ ngoại cũng có kế hoạch phát triển điểm bán mạnh mẽ sau một năm khá trầm lắng. AEON Việt Nam tháng 4 qua đã mở trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn (SSM) đầu tiên của mình ở TPHCM. Điểm bán mới này của AEON đặt ở Crescent mall, nơi mà nhiều nhà bán lẻ khác từng mở kinh doanh như Giant, Auchan...
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam chia sẻ, AEON nhận định Việt Nam là một trong hai thị trường trọng điểm trong chiến lược đẩy mạnh đầu tư để tiếp tục tăng trưởng. "Chúng tôi có kế hoạch mở đa dạng các điểm mua sắm với nhiều mô hình và quy mô khác nhau. Không chỉ nằm trong các TTMS của AEON, chúng tôi sẽ mở rộng và phát triển thêm tại các TTTM của các đối tác khác", ông nói, và cho biết năm nay, sẽ khai trương TTTM AEON Huế và 2 trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị...
Central Retail cũng không ngừng tìm cơ hội mở điểm bán mới mà gần nhất là khai trương cửa hàng mini Go! thứ 10 tại tỉnh Đồng Tháp. Để linh hoạt thích ứng nhu cầu đa dạng của người dùng cả nước, Central Retail cũng phát triển nhiều mô hình như đại siêu thị, siêu thị, TTTM, cửa hàng...
Hiện tập đoàn sở hữu hơn 340 điểm bán ở 40 tỉnh, thành. Đầu năm ngoái, "ông lớn" bán lẻ công bố kế hoạch đầu tư khoảng 1,43 tỉ đô la và đặt mục tiêu doanh thu khoảng 4,3 tỉ đô la, sau 5 năm. Nếu mục tiêu này hiện thực, nhà bán lẻ Thái Lan sẽ tăng số cửa hàng lên 600 trên cả nước.
Còn thương hiệu Emart của Hàn Quốc chỉ với một điểm kinh doanh ở Gò Vấp sau 7 năm có mặt ở Việt Nam, khi về tay Thaco cũng nhanh chóng có thêm 2 đại siêu thị mới đi vào hoạt động ở TPHCM. Thaco lên kế hoạch mở 20 siêu thị trên toàn quốc...
Đua tăng giá trị để “giữ chân” khách hàng
Kết thúc quí 1-2024, thị trường tiêu dùng, hàng hóa đã chứng kiến những kết quả trái ngược. Trong khi doanh thu bán lẻ hàng hóa ghi nhận tăng trưởng không mấy tích cực thì mua sắm TMĐT lại vượt xa kỳ vọng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quí 1/2024 tăng trưởng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.537,6 ngàn tỉ đồng, chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố về giá, con số này chỉ tăng 5,1%, bằng một nửa mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng rất thấp so với mức tăng bình quân 11,5%/năm trong giai đoạn trước dịch Covid-19 (2015 - 2019).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2023 của Việt Nam đạt 4.858.600 tỉ đồng, tăng 8,6% so với năm 2022.
Quy đổi qua đô la Mỹ với 25.400 đồng thì tương đương hơn 191 tỉ đô la. Nếu tính tỷ giá cuối năm 2023 thì doanh số đã vượt 200 tỉ đô la.
Trong khi đó, cùng thời gian trên, ở kênh TMĐT có trạng thái trái ngược. Cụ thể, năm sàn TMDT gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop đã đạt tổng doanh thu 71.200 tỉ đồng (chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream), tăng 78,69% so với cùng kỳ 2023.
Theo Metric, nền tảng số liệu về TMĐT, đây là mức tăng trưởng đầy tích cực, vượt xa kỳ vọng bởi theo nhiều dự báo từ cuối 2023, mức tăng trưởng cả năm 2024 so với 2023 sẽ chỉ ở mức 35%.
Hiện nay, các doanh nghiệp địa phương cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ, tổng doanh thu và sản lượng bán của các địa phương ngoài top 10 đều tăng trưởng trên mức 50%. Điều này cho thấy TMĐT không còn là sân chơi riêng cho các doanh nghiệp tại các đô thị lớn mà đã có xu hướng mở rộng ảnh hưởng sang các tỉnh thành.
Rõ ràng xu hướng mua sắm online đang ngày càng chiếm ưu thế nhưng quy mô TMĐT còn nhỏ và đóng góp hạn chế trong tăng trưởng chung của lĩnh vực bán lẻ, thương mại dịch vụ.
Các nhà phân phối tin tưởng tiềm năng tăng trưởng ở thị trường hơn 100 triệu dân còn lớn nên tiếp tục tăng tốc mở rộng điểm bán nhằm tạo lợi thế về thu mua hàng hóa cũng như nhận diện thương hiệu...
Dù vậy, để tồn tại và thu hút khách hàng cũng như cạnh tranh với kênh bán hàng online, sàn TMĐT... họ không thể "đứng yên". Hành vi của khách hàng đã thay đổi rất nhiều, nếu nhà bán lẻ không theo kịp sự thay đổi đó để đáp ứng thì sẽ tụt lại phía sau hoặc bị đào thải.
Do đó, bên cạnh nỗ lực cung cấp sản phẩm an toàn, cạnh tranh giá, các nhà bán lẻ còn đang chạy đua tạo ra các giá trị mới, tăng trải nghiệm cho khách hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng thay đổi và khó khăn kinh tế...
“Xu hướng thắt chặt chi tiêu của khách hàng sẽ còn kéo dài, AEON sẽ nỗ lực bình ổn giá, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ đưa ra những chiến lược sản phẩm phù hợp với sự phát triển của thị trường cũng như nhu cầu của khách hàng”, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam chia sẻ.
Nhà bán lẻ này cũng sẽ tăng cường các “điểm chạm” để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn bằng cách mở thêm nhiều điểm kinh doanh mới, đa dạng hoá kênh bán hàng: bán trực tiếp tại các cửa hàng, siêu thị… hoặc trực tuyến.
Các công ty thành viên thuộc Tập đoàn AEON cũng tăng cường mở rộng hệ thống bán hàng. “Chúng tôi sẽ tích hợp dữ liệu từ các công ty thành viên khác trong Tập đoàn AEON, như hệ thống tích điểm. Khi đó khách hàng mua sắm tại bất kỳ cửa hàng nào của AEON cũng sử dụng được”, ông chia sẻ. Như vậy, tùy điều kiện, khách hàng của AEON khi mua sắm trực tiếp hoặc trực tuyến đều có trải nghiệm dịch vụ như nhau.
Bên cạnh đó, nhà bán lẻ còn phải đi trước một bước – nghĩa là phải dự đoán nhu cầu của khách hàng để đưa ra sự điều chỉnh, cải tiến kịp thời.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay, người tiêu dùng không chỉ muốn mua sản phẩm mà muốn kết hợp dịch vụ hoàn hảo hơn. Những hàng hóa khi cung ứng ra thị trường, người tiêu dùng luôn đặt câu hỏi có những dịch vụ gì kèm theo. Nghĩa là doanh nghiệp cần cung cấp cho khách hàng nhiều tiện ích, nhiều quyền lợi hơn...
Trong tình hình khó khăn, khách hàng cũng cân nhắc và lựa chọn những trải nghiệm tốt khi mua sắm. Do đó, các nhà bán lẻ tập tập trung nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Chẳng hạn, hiện nhiều gia đình dành thời gian cùng nhau và sẽ tạo điều kiện cho các em nhỏ vui chơi nên họ đẩy mạnh dịch vụ phục vụ cả gia đình và trẻ em...
Việc đưa vào nhiều sản phẩm kinh doanh độc quyền, nhãn hàng riêng... cũng là cách tạo sự khác biệt để thu hút khách hàng đến mua sắm và giải trí của các chuỗi kinh doanh.
Các chuyên gia bán lẻ cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao và cạnh tranh bán lẻ gay gắt, đòi hỏi nhà kinh doanh liên tục cải tiến để đáp ứng những thay đổi về giá trị. Trong đó tập trung vào cách doanh nghiệp chăm sóc khách hàng, cung cách phục vụ và tạo ra cảm xúc.
Khách hàng thường đến chuỗi nào đó mua sắm là họ yên tâm sản phẩm chất lượng và môi trường mua sắm mang đến những trải nghiệm vui vẻ – thoải mái cùng nhiều giá trị. Do đó, việc nhà kinh doanh luôn sáng tạo cho khách hàng cảm thấy vui vẻ như lần đầu tiên đến, từ đó tạo được niềm tin, sự tín nhiệm để họ quay trở lại.
Do đó, theo các chuyên gia, thị trường với quy mô hơn 190 tỉ đô la sẽ là một cuộc cạnh tranh quyết liệt của các nhà bán lẻ không chỉ về giá bán mà là tăng tiện ích, giá trị, cảm xúc và trải nghiệm mua sắm.