Thứ tư, 29/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà chọc trời là dấu hiệu của suy thoái!

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Câu hỏi làm sao biết nền kinh tế đang rơi dần vào vòng xoáy suy thoái đang ám ảnh nhiều nước trong tình hình lạm phát dâng cao, giá cả mọi thứ cứ tăng đều. Câu trả lời có thể làm nhiều người ngạc nhiên vì nghe qua chẳng khác gì lời phán của thầy bói.

Tòa tháp Cayan cao chọc trời ở Dubai (UAE).

Andrew Lawrence, một giám đốc và nhà phân tích của hãng đầu tư tài chính Barclays Capital đưa ra lý thuyết “Chỉ số nhà chọc trời” vào năm 1999. Lý thuyết này cho rằng cứ nhìn vào các tòa nhà chọc trời, chúng xuất hiện càng nhiều, nền kinh tế càng đi dần vào chỗ suy thoái. Và mỗi khi có tòa nhà nào phá vỡ kỷ lục cao nhất thế giới, lúc đó chắc hẳn sắp có khủng hoảng kinh tế. Ông này nói nghiêm túc rằng đã nghiên cứu dữ liệu suốt từ thời 1800 đến nay, lịch sử cho thấy có mối quan hệ giữa khủng hoảng kinh tế và việc khánh thành tòa nhà cao nhất thế giới.

Tòa nhà Empire State được hoàn tất vào năm 1930, đúng lúc cuộc Đại Suy thoái nổ ra. Tòa tháp Sears và cặp tháp đôi World Trade Center khai trương vào đầu thập niên 1970 sau đó nước Mỹ rơi vào những năm “đình lạm” – tức kinh tế vừa đình đốn vừa bị lạm phát cao. Tháng 10-2009 ngoại thất tòa nhà Burj Khalifa ở Dubai được làm xong thì hai tháng sau chính quyền Dubai gần như vỡ nợ.

Lý do Lawrence đưa ra lý thuyết kỳ lạ này là vì ông cho rằng các tòa nhà chọc trời biểu hiện cho chính sách nới lỏng tiền tệ, tiền rẻ không biết làm gì cho hết nên người ta xây cao để lấy tiếng; nó cũng là biểu hiện của tình trạng đầu tư lãng phí, là dấu hiệu của một nền kinh tế sẽ phải sớm điều chỉnh.

Ngày nay ở Mỹ, theo CNN, hầu hết các dự án cao ốc chọc trời đều đang tạm ngưng nhưng ở một hướng khác, cũng tương tự như thế là các tỉ phú như Jeff Bezos, Elon Musk, và Richard Branson đang chạy đua, tiêu tiền để bay vào không gian xem ai bay xa hơn, cao hơn.

Alan Greenspan thì có một lý thuyết khác để lý giải chuyện suy thoái. Vị cựu Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ nói chỉ cần quan sát quần lót nam giới là biết thời điểm suy thoái đến gần! CNN trích lời một nhà báo của đài NPR kể rằng Greenspan lập luận quần lót của đàn ông là món hàng ít khi trưng ra cho người khác thấy nên người ta mua vì nhu cầu cần thiết chứ không phải vì chạy theo thời trang. Vì thế lượng hàng bán ra thường rất ổn định và mỗi khi doanh số quần lót giảm, ắt các ông kẹt tiền lắm mới giảm chi tiêu món hàng này.

Số liệu thực tế chứng tỏ Greenspan nói đúng: doanh số quần lót nam ở Mỹ sụt giảm đáng kể từ năm 2007 đến 2009 trong suốt đợt khủng hoảng tài chính nhưng doanh số này ổn định trở lại vào năm 2010 khi nền kinh tế Mỹ phục hồi.

Chủ tịch hãng mỹ phẩm Estee Lauder, Leonard Lauder nhận xét doanh số các loại mỹ phẩm, đặc biệt là son môi, thường có xu hướng đi ngược chiều so với tăng trưởng kinh tế như vào mùa thu năm 2001, doanh số bán ra của son môi tăng 11% trong khi kinh tế đi vào giai đoạn trầm lắng, còn trong giai đoạn Đại Suy thoái, doanh số mỹ phẩm nói chung tăng 25%. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu của hãng Kline & Company lại thấy doanh số son môi, mặc dù có tăng trong thời khủng hoảng, qua thời ăn nên làm ra cũng tăng không kém.

Thời kỹ thuật số, người ta nhìn vào các ứng dụng hẹn hò qua mạng như một chỉ dấu kinh tế. Các ứng dụng này mà sôi nổi, nhiều người vô ra thì tình hình kinh tế đang khó khăn như ứng dụng Match cho biết họ có một quý tăng trưởng mạnh nhất trong nhiều năm vào năm khủng hoảng tài chính 2009. Năm 2020 khi Covid hoành hành, kinh tế đình trệ, giá cổ phiếu hãng này tăng mạnh đến 141%. Có lẽ người ta thất nghiệp, rảnh rỗi nên tính chuyện hẹn hò chăng.

Nghiêm túc hơn thì có những người tin vào hiện tượng nghịch đảo của đường cong lợi suất, khi tỷ suất lợi nhuận trái phiếu ngắn hạn lại cao hơn lợi suất dài hạn – họ cho rằng bất kỳ khi nào hiện tượng này xảy ra, chắc chắn nền kinh tế sắp có một đợt suy thoái trầm trọng. Kể từ thập niên 1970 đến nay, mọi đợt suy thoái đều chứng kiến hiện tượng bất thường như một dấu hiệu cảnh báo.

Thông thường lợi suất trái phiếu dài hạn phải cao hơn lợi suất trái phiếu ngắn hạn vì khi nào người ta cũng tính thêm những rủi ro không nhìn thấy của tương lai như lạm phát nên đòi phải được bù đắp bằng lợi suất cao hơn. Độ chênh này càng cao khi người ta kỳ vọng lạm phát cao, lãi suất cũng cao theo.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, lợi suất dài hạn xuống thấp là bởi nhà đầu tư cho rằng trong tương lai có suy thoái kinh tế đến nỗi chính phủ phải can thiệp bằng cách hạ lãi suất – đó là dấu hiệu cảnh báo suy thoái của hiện tượng nghịch đảo đường cong lợi suất đang được giới đầu tư bàn tán sôi nổi.

3 BÌNH LUẬN

  1. Nhà chọc trời từ lâu đã là biểu hiện của sự phát triển, văn minh và tiến bộ công nghệ. Nhưng giờ đây, lại được xem là có mối quan hệ nhân quả với khủng hoảng kinh tế ?! Thực ra, vấn đề cũng không đơn giản như vậy. Cũng không thể đả phá nhà chọc trời bằng cách tháo dỡ chúng hàng loạt. Sau Covid, mọi thứ gần như đang được định nghĩa lại, cả lý thuyết và thực tiễn. Quan trọng là cần có giải pháp để biến nhà chọc trời thành nơi thân thiện hơn với môi trường và cuộc sống, như vậy mới thông minh và khả thi.

  2. cũng đúng! Nhà cao tầng ken dày chứng tỏ khu vực đó giá đất đang sốt, càng chồng cao càng có lợi, dưới đất giới đầu cơ thì lũng đoạn, và điều gì đến sẽ đến, bong bóng BĐS.. Khu vực châu Âu ít nhà cao tầng, đô thị trải đều, đời sống cư dân ổn định hơn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới