Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà Của Thời Thơ Ấu: Nơi để chữa lành và hiểu thêm về văn hóa Việt

Ngọc Hùng

-

(KTSG Online) - Không đi theo mô típ hoạt động thiện nguyện cho người yếu thế hay các hoạt động bảo vệ môi trường, vợ chồng anh Nguyễn Anh Luân và Đồng Lê Quỳnh Hương đã thành lập doanh nghiệp xã hội Nhà Của Thời Thơ Ấu để “chữa lành” và kể những câu chuyện về văn hóa.

Khi nghe đến tên Nhà Của Thời Thơ Ấu, nhiều người hình dung đó là một không gian đầy ắp những kỷ niệm như chiếc tivi trắng đen, chiếc quạt cóc trên bàn, cùng ấm nước với những chiếc ly đã bạc màu vì bị cầm nắm quá nhiều… nhưng không, Nhà Của Thời Thơ Ấu là một không gian của tâm hồn, nơi mọi người được chìm đắm trong những phút thư thái, của sự quan tâm, của yêu thương và tiếng cười giòn tan. Nhà là nơi những con người thấy mình được bình yên trong tâm hồn - ý nghĩa việc thành lập Nhà Của Thời Thơ Ấu là vậy.

Tuy nhiên, đã là nhà thì phải có không gian nên thời gian đầu, hai vợ chồng Anh Luân và Quỳnh Hương đã tìm thuê một địa điểm vừa đủ để làm nhà với các hoạt động thu hút được nhiều bạn trẻ đến tìm hiểu và tham gia. Tiếng lành đồn xa nên có thời điểm địa chỉ này trở thành một “tụ điểm văn hoá” cho những bạn trẻ nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu về văn hoá tinh thần của người Việt. Đó là một thành công nhưng rồi dịch Covid-19 xuất hiện đã bắt buộc nhiều công ty, xí nghiệp phải thay đổi và thích nghi cho phù hợp. Nhà - với một địa chỉ cụ thể - không thể triển khai các ý tưởng trong bối cảnh “người người làm việc từ xa, sinh viên học trực tuyến”.

Chính đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam xem xét, cân nhắc có nên đóng cửa hay không vì nguồn vốn tài trợ cho hoạt động bị cắt giảm về con số không.

May mắn của những người sáng lập Nhà Của Thời Thơ Ấu là cả hai đã có công việc riêng, đã có thu nhập và tự nguyện cùng nhau xây dựng nên doanh nghiệp xã hội theo phương châm “liệu cơm gắp mắm”, có bao nhiêu làm bấy nhiêu. Vì thế, áp lực về tài chính không phải là quá nặng nề mà đó là áp lực về việc đã tạo nên một nơi để thu hút người trẻ nhưng chủ thể lại không thể đến do dịch bệnh và thói quen “tất cả giao tiếp trên không gian mạng”, một thói quen hình thành trong thời đại công nghệ và được thúc đẩy mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19.

Tiếp tục hay dừng lại? Đó là câu hỏi mà chị Quỳnh Hương đã tự hỏi mình trước biến cố dịch bệnh.

Dừng lại là điều dễ hiểu vì đại dịch là biến cố lớn, một yếu tố khách quan vượt qua sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp còn tiếp tục là vấn đề nan giải vì phải tính toán làm sao để phải thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tại. Đó là những hỏi cân não, buộc người sáng lập không thể trả lời một sớm một chiều.

Trước khi có câu trả lời cuối cùng, chị Quỳnh Hương đã ngồi xem lại cuốn nhật ký của nhà. Anh Luân dù là đồng sáng lập nhưng không đưa ra quyết định đó mà hỏi người bạn đời mình rằng: "Trước khi bỏ cuộc, em có nhớ lý do chúng ta đã bắt đầu không? Tại sao lại thành lập Nhà Của Thời Thơ Ấu và mục đích là để làm gì?"

Và cuối cùng, chị Quỳnh Hương cũng tìm được câu trả lời. Đó là... tiếp tục. Thế là, Nhà Của Thời Thơ Ấu đã vượt qua giới hạn của bốn bức tường trong một ngôi nhà để định hình ở một phiên bản mới hơn, rộng hơn, hiệu quả hơn.

Với mô hình mới, thay vì bỏ ra một phần tài chính thuê một địa chỉ cụ thể để người trẻ tìm đến thì đôi vợ chồng này quyết định "chuyển địa chỉ" nhà đến các trường đại học như Đại học Kinh tế, Tôn Đức Thắng... và gần đây nhất là dự án LATOI đến với sinh viên Đại học Tiền Giang.

Anh Luân cho biết, nhờ thay đổi này mà các hoạt động của doanh nghiệp xã hội của mình đã phát huy hết sự hiệu quả và mở rộng hơn đến các bạn trẻ. “Nếu chúng tôi tiếp tục thuê một địa chỉ để làm một không gian cho 20 hay 30 người thì cần rất nhiều thời gian để lan tỏa thông điệp đến với nhiều người trẻ. Nhưng khi chúng tôi mang nhà đến với các trường đại học, cũng một khung thời gian cho một dự án nhưng số người trẻ tiếp cận thông tin nhiều hơn 10 lần”, Anh nói.

Hiện Nhà Của Thời Thơ Ấu đã có những thành công khi đã tiếp cận được nhiều người trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên các trường đại học. Tuy nhiên, trong tầm nhìn dài hàn, hai đồng sáng lập muốn đưa "Nhà" ra thế giới. "Ở đâu có người Việt Nam thì chúng tôi có cơ hội mang Nhà Của Thời Thơ Ấu đến với họ để họ hiểu hơn về văn hóa Việt Nam. Đó là lý do vì sao trong tương lai, chúng tôi sẽ không ngừng mở rộng dự án và vượt qua biên giới Việt Nam", Anh Luân nói về tương lai.

Nói về lời khuyên cho các bạn trẻ muốn chọn khởi nghiệp bằng việc lập một doanh nghiệp xã hội, chị Quỳnh Hương cho rằng, đầu tiên là hiểu rõ bản thân mong muốn gì, tiếp đến là phải có được một nguồn tài chính ổn định, sau đó hãy xem bản thân mong muốn ai sẽ là người thụ hưởng từ hoạt động của doanh nghiệp xã hội. Đó là người nghèo, người già, trẻ em… và nếu không rõ ở chỗ này thì dễ bị rơi vào tình huống “làm từ thiện”. Nếu chọn làm từ thiện thì đó chỉ là một dự án ngắn hạn còn nếu làm một doanh nghiệp xã hội thực sự, người thực hiện cần có một tầm nhìn dài hạn hơn.

"Muốn chọn khởi nghiệp bằng một doanh nghiệp xã hội thì phải có sự kiên nhẫn để theo đuổi hành trình đó và phải chắc chắn là bản thân tìm được hạnh phúc trên hành trình đi với doanh nghiệp xã hội do mình sáng lập", bà nói.

TÁC GIẢ: NGỌC HÙNG
TRÌNH BÀY: THUTRANG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây