Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà đầu tư Mỹ ‘đánh bạc’ với cổ phiếu các công ty phá sản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà đầu tư Mỹ 'đánh bạc' với cổ phiếu các công ty phá sản

Khánh Lan

(TBKTSG Online) - Giới đầu tư nhỏ lẻ ở Mỹ tranh mua cổ phiếu của các công ty đang nộp đơn xin bảo hộ phá sản, khi họ đặt cược rằng điều thần kỳ sẽ xảy ra vào phút chót, chẳng hạn như các công ty này sẽ được chính phủ giải cứu.

Giới tỉ phú Mỹ 'bỏ túi' 565 tỉ đô la Mỹ nhờ Covid

Covid-19 tàn phá thị trường lao động Mỹ với 10 triệu người mất việc

Nhà đầu tư Mỹ 'đánh bạc' với cổ phiếu các công ty phá sản
Nợ nần lớn cộng với hoạt động kinh doanh suy sụp khiến Công ty cho thuê xe Hertz nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 22-5. Ảnh: Bloomberg

“Bữa tiệc” cổ phiếu của công ty phá sản

Hôm 8-6, giá cổ phiếu của Công ty cho thuê xe Hertz và chuỗi bán lẻ JC Penney trên thị trường chứng khoán Mỹ đều tăng 100% dù họ đang làm thủ tục phá sản do nợ nần chồng chất giữa lúc tình hình kinh doanh ế ẩm do tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19.

Trong khi nhiều nhà quản lý quỹ đầu tư chuyên nghiệp và các nhà phân tích đều bi quan về triển vọng của các công ty này thì “một đội quân” nhà đầu tư nhỏ lẻ sẵn sàng đặt cược rằng, sẽ xuất hiện những diễn biến lật ngược tình thế vào phút chót giúp chúng hồi sinh. Đó là lý do họ tranh mua cổ phiếu của Hertz và JC Penney với giá bèo và hy vọng kiếm lãi đậm nếu các công ty này vượt qua khủng hoảng.

Người dùng ứng dụng giao dịch chứng khoán Robinhood (Mỹ), đa phần là nhà đầu tư nhỏ lẻ, đã mua cổ phiếu của Heztz trong ba phiên giao dịch trước ngày 9-6 với khối lượng cao hơn bất cứ công ty niêm yết nào khác của Mỹ. Lượng tài khoản cá nhân nắm giữ cổ phiếu Heztz ở Robinhood cũng đã tăng gấp ba lần trong ba ngày qua.

Công ty cho thuê xe có 102 năm tuổi đời Hertz đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản hôm 22-5, khiến cổ phiếu của công ty này ngay lập tức giảm 80%. Nhưng kể từ đó, cơn tranh mua của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã giúp cổ phiếu Hertz tăng từ mức 0,56 đô la vào hôm 26-5 lên mức 5,53 đô la vào ngày 9-6. Herzt đang có các khoản nợ lên đến 20 tỉ đô la Mỹ và đang lên kế hoạch bán đội xe cũ để trả nợ.

Trong phiên giao dịch hôm 9-6, giá cổ phiếu Hertz giảm 36%.

Trong khi đó, tính đến ngày 8-6, cổ phiếu của chuỗi bán lẻ JC Penney với 846 cửa hàng trên khắp nước Mỹ đã tăng 472% so với điểm giá thấp nhất vào tháng trước, thời điểm mà công ty này trở thành công ty bán lẻ lớn đầu tiên ở Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước này.

JC Penney có trụ sở ở Plano, bang Texas, được thành lập cách đây hơn 100 năm. Như là một phần của tiến trình phá sản, JC Penney sẽ đóng cửa 1/3 số cửa hàng trong 2 năm tới. Chuỗi bán lẻ này gục ngã vì đang gánh các khoản nợ 3,7 tỉ đô la giữa lúc doanh thu sụt giảm mạnh do các lệnh phong tỏa cầm chân hàng triệu người Mỹ ở nhà.

Xu hướng “xác chết hồi sinh” cũng đang diễn ra ở các cổ phiếu ngành năng lượng. Cổ phiếu Công ty dầu đá phiến Whiting Petroleum bật tăng 152% trong phiên giao dịch hôm 8-6.

Whiting Petroleum là công ty dầu đá phiến lớn đầu tiên ở Mỹ sụp đổ trước cơn khủng hoảng trên thị trường dầu do tác động của dịch Covid-19. Đa phần các công ty dầu đá phiến hiện nay ở Mỹ cần giá dầu đạt mức 50-55 đô la/thùng để đạt điểm hòa vốn. Giá dầu thô tương lai ở Mỹ lao dốc mạnh hồi tháng 4 và có lúc rớt xuống mức -40 đô la/thùng.

Cổ phiếu Công ty dầu đá phiếu Chesapeake Energy, cũng đang có dấu hiệu bị đầu cơ sau khi có thông tin công ty này sắp nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Bất chấp tương lai u ám, giá cổ phiếu Chesapeake Energy tăng 180% trong phiên giao dịch 8-6. Công ty này đang gánh khối nợ gần 9 tỉ đô la Mỹ và đang đối mặt với nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi hơn 1 tỉ đô la trong năm nay.

Mạo hiểm “bắt dao rơi”

Lượng tài khoản cá nhân (đường màu xanh) nắm giữa cổ phiếu Hertz ở ứng dụng giao dịch Robinhood tăng mạnh khi giá cổ phiếu của công ty (đường màu hồng) này lao dốc. Ảnh: Zerohedge

Christopher Grisanti, Giám đốc chiến lược cổ phần ở Công ty MAI Capital Management, nói: “Giới đầu tư nhỏ lẻ đã đẩy tăng giá cổ phiếu của các công ty đang phá sản. Tôi không nghĩ các nhà đầu tư tổ chức mua vào những loại cổ phiếu này. Điều này quá rủi ro. Tôi gọi đó là hành động bắt dao rơi”.

Paul Markham, Giám đốc quản lý danh mục cổ phiếu toàn cầu ở Công ty Newton Investment Management, nói: “Khi giới đầu tư nhỏ lẻ xem thị trường như là chiếu bạc, hoặc là ăn hoặc là thua, đó là lúc giống như bạo động”.

Glenn Reynolds, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn tài chính CreditSights, cho rằng cơn tăng giá của cổ phiếu Hertz “quá phi lý”.

Nhà phân tích ngành ô tô ở Ngân hành Barclays, nói: “Điều quan trọng mà các nhà đầu tư phải lưu ý là Hertz đang nợ 14 tỉ đô la tiền mua xe và gần 6 tỉ đô la tiền nợ doanh nghiệp, tất cả đều cần phải trả đầy đủ bằng tiền mặt hoặc cổ phần”.

Markham nhận định giới đầu tư nhỏ lẻ đang hy vọng rằng chính phủ Mỹ sẽ có động thái cứu một số công ty trên khỏi bờ vực sụp đổ, giống như các gói giải cứu mà Washington từng tung ra để giải cứu ngành ô tô trong thời kỳ khủng khoảng tài chính toàn cầu 2009.

Cơn tranh mua cổ phiếu các công ty phá sản cho thấy các nhà đầu tư nhỏ lẻ đặt cược rằng, đà hồi phục kinh Mỹ sẽ đủ mạnh để giúp các công ty này thoát ra khỏi tình trạng phá sản hoặc chính phủ sẽ can thiệp để giải cứu họ”, Markham nói.

Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư của Công ty Bleakley Advisory Group, cho rằng cơn tăng giá vù vù của những cổ phiếu trên là một dấu hiệu cho thấy sự “sôi trào” ở một số bộ phận trên thị trường.

Trong một báo cáo gửi cho khách hàng, ông viết: “Thật tuyệt khi thành phố sòng bài Las Vegas bắt đầu tái mở cửa nhưng ai cần đến đây nữa khi bạn đã có thị trường chứng khoán để đánh bạc”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới