Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà đầu tư nước ngoài lũ lượt rời bỏ Myanmar

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chín tháng sau cuộc đảo chính quân sự hồi đầu tháng 2-2021, kinh tế Myanmar lao dốc nhanh chóng khi môi trường kinh doanh tệ hơn, đơn hàng chuyển sang nước khác. Làn sóng nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ nơi từng được ca ngợi là biên giới cuối cùng của giới đầu tư ở châu Á cũng đang lớn dần.

Nền tảng thanh toán số Ongo hợp tác với hãng bán sỉ Metro từ tháng 3-2019 trong dịch vụ giao hàng tận nhà. Metro được hậu thuẫn lớn và cả kỳ vọng lớn khi tạo ra nền tảng kinh tế số ở Myanmar và mang lại thu nhập cho nông dân. Ảnh: Myanmar Times

“Kẻ bỏ chạy” mới nhất

Trong khu nhà kho của hãng bán sỉ Metro của Đức bên ngoài Yangon, những chiếc xe tải màu trắng không tên công ty đang đậu thành hàng, logo xanh vàng của Metro đã bị xóa. Hôm 31-10 là ngày cuối cùng hãng buôn này hoạt động.

Hồi tháng 9, Metro thông báo sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, với lý do môi trường đầu tư và kinh doanh có nhiều biến động. "Hoàn cảnh hiện tại không còn cho phép chúng tôi vận hành công việc kinh doanh theo các tiêu chuẩn cao mà chúng tôi tự đặt ra", thông cáo của Metro viết.

Metro gia nhập thị trường bán buôn ở Myanmar vào năm 2019, cung cấp thực phẩm cho nhà hàng và khách sạn thông qua liên doanh với Yoma Strategic Holdings, hãng con của tập đoàn Yoma Group của Myanmar. Liên doanh này đã nhận được tài trợ từ Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB Group) bởi các định chế tài chính quốc tế từng kỳ vọng Metro và các đối tác địa phương sẽ cải thiện chất lượng của toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm của Myanmar, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Melvin Pun, Giám đốc điều hành của Yoma Strategic Holdings, nói rằng các hoạt động bán lẻ từ các khách sạn, nhà hàng và quán cà phê sụt giảm do ảnh hưởng của Covid. “Chúng tôi sẽ ngừng hoạt động và sau đó sẽ đóng cửa liên doanh. Chúng tôi có thể sẽ bán tài sản và công việc kinh doanh trong những tháng tới”, Pun nói với Nikkei Asia.

Môi trường kinh doanh tệ hơn

Đối mặt với sức ép đặc biệt mạnh mẽ về nhân quyền từ các cổ đông và các nhóm vận động trong nước, cho đến nay phần lớn các công ty rời Myanmar là các doanh nghiệp châu Âu.

Hồi tháng 7, hãng viễn thông Telenor Group của Na Uy nói sẽ bán các mạng di động của hãng tại Myanmar với giá 105 triệu đô la. Chính quyền đã gây áp lực buộc Telenor phải cài đặt phần mềm gián điệp. Giờ đây, Telenor phải đương đầu với một vài thách thức khi chính quyền miễn cưỡng phê duyệt kế hoạch này.

Hãng thuốc lá British American Tobacco (BAT) cũng có kế hoạch rời đi vào cuối năm nay.

"Sau khi đánh giá khả năng hoạt động và thương mại lâu dài tại Myanmar, chúng tôi đã quyết định rút khỏi nơi này", Madeeh Pasha, Giám đốc phụ trách các hoạt động tại Trung Đông và Nam Á của BAT, cho biết trong một email.

Nhưng cuộc di cư đang bắt đầu lan rộng ra ngoài các công ty đa quốc gia ở châu Âu. Cảng Adani và Đặc khu kinh tế của Ấn Độ tuần rồi cho biết họ sẽ rút đầu tư khỏi Myanmar. Nhà điều hành cảng đã kinh doanh trên một khu cảng container trị giá 290 triệu đô la xây dựng trên đất thuê  từ Tập đoàn kinh tế Myanmar.

"Ủy ban quản lý rủi ro của công ty, sau khi xem xét tình hình, đã quyết định làm việc với kế hoạch rút vốn đầu tư của công ty tại Myanmar, bao gồm cả việc tìm hiểu bất kỳ cơ hội thoái vốn nào", nhà điều hành cảng Adani cho biết.

Tính đến cuối tháng 9 rồi, có 1.873 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hoạt động tại Myanmar – theo Tổng cục Đầu tư và Quản lý Công ty. Con số không thay đổi đáng kể kể từ trước khi quân đội nắm quyền kiểm soát, cho thấy hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang lượng giá chuyện ở hay đi.

Tuy nhiên, số dự án đầu tư mới được phê duyệt đã giảm xuống còn 48 dự án cho năm kết thúc vào tháng 9 - chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết trong số họ đã được chấp thuận trước khi quân đội nắm quyền kiểm soát từ tháng 2-2021.

Các nhà đầu tư nước ngoài còn gặp cản trở bởi tình trạng hỗn loạn tài chính dưới thời chính phủ quân sự. Với triển vọng kinh tế trở nên xám xịt, đồng nội tệ kyat đã mất giá hơn 30% kể từ đầu tháng 2. Việc rút tiền từ ngân hàng bị hạn chế nghiêm ngặt, tiền mặt thiếu nghiêm trọng – kể cả đồng kyat và đô la Mỹ.

“Chúng tôi không thể chuyển doanh thu thành đô la để trả tiền mua sản phẩm. Nhiều công ty khác cũng gặp khó khăn tương tự”, một nhà nhập khẩu cho biết. Phần lớn số này là các nhà sản xuất nhập nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Myanmar sẽ giảm 0,1% vào năm 2022, sau đó tăng trưởng khoảng 2,5% một năm từ năm 2023 đến 2026. Điều này sẽ đánh dấu sự xuống dốc không phanh từ các dự báo tăng trưởng trung hạn khoảng 6,5% được đưa ra trước khi tiếp quản.

Các công ty Nhật vương vấn

Trong làn sóng bỏ đi đang dâng cao, nhiều công ty Nhật Bản cảm thấy mình đang loay hoay giữa dòng. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ các doanh nghiệp xâm nhập vào Myanmar sau khi nước này bắt đầu chuyển đổi sang chế độ dân sự vào năm 2011. Doanh nghiệp Nhật Bản đã xây dựng được nền tảng chắc chắn hơi nhiều so với các công ty từ châu Âu hoặc Mỹ, mà giờ bỏ đi thì tiếc.

"Chúng tôi đã đầu tư một số tiền đáng kể. Vì vậy, chúng tôi không thực sự có lựa chọn rời đi", giám đốc điều hành của một nhà sản xuất hàng đầu cho biết.

Một giám đốc quốc gia của hãng buôn nói: “Chúng ta cần chờ xem tình hình sẽ thay đổi như thế nào”. Khi được hỏi công ty có thể đợi bao lâu, ông trả lời "Có lẽ cho đến khi cuộc bầu cử." Chế độ quân sự cho biết một cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào năm 2023. Một giám đốc điều hành khác trong ngành dịch vụ cho biết công ty của ông phải đối mặt với tình thế khó xử trước những lo ngại của nhà đầu tư. "Chúng tôi không thể đầu tư lớn vì các cổ đông có thể phản đối", vị này cho biết.

Một công ty kế toán của Nhật hoạt động ở Myanmar nói rằng ​​tình hình kinh doanh đi xuống. "Khoảng 20% ​​công ty khách hàng của chúng tôi đã quyết định rút lui hoặc ngừng hoạt động", nhà quản lý của hãng kế toán nói.

Trong một trong những động thái quan trọng nhất của tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản tại Myanmar, nhà sản xuất đồ uống Kirin Holdings cho biết họ sẽ giải thể liên doanh với một công ty được quân đội hậu thuẫn ngay sau khi tiếp quản. Hiện các thương lượng đang bị đình trệ. "Về cơ bản, chúng tôi muốn ở lại Myanmar. Một số nhà sản xuất đã nói rằng họ sẽ rời khỏi Myanmar nhưng chúng tôi không nghĩ là có nhiều” – thông cáo viết.

Đặc khu kinh tế Thilawa là nơi tiếp nhận đầu tư lớn nhất của Nhật Bản vào Myanmar. Lưới điện, cảng và đường sá ở đó được tài trợ thông qua các khoản vay bằng đồng yen do chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, và nhà điều hành Myanmar Japan Thilawa Development (MJTD) sở hữu 49% cổ phần, bao gồm các nhà kinh doanh Sumitomo Corp., Mitsubishi Corp. và Marubeni. Khoảng một nửa trong số khoảng 100 công ty hoạt động trong khu vực này mang quốc tịch Nhật Bản

Mặc dù một số hoạt động bị đình chỉ sau khi tiếp quản và khi Covid-19 hoành hành, "gần 90% người thuê của chúng tôi từ trước khi tiếp quản hiện đã hoạt động trở lại", một giám đốc điều hành của MJTD cho biết. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy nhiều công ty hoạt động không hết công suất. Chủ các nhà hàng và quán trà gần đó cho biết lưu lượng khách hàng chỉ bằng 20% so với trước đây.

"Thông thường trong giờ ăn trưa, chúng tôi bận rộn đến mức không có đủ bàn. Bây giờ, chỉ có bốn hoặc năm khách hàng sẽ đến”, một chủ quán cho biết.

Nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi, nguy cơ thất nghiệp tăng cao ở địa phương. Điều này cũng khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc.

Yusuke Yukawa, đại diện chi nhánh Yangon của hãng luật Nishimura & Asahi, cho biết: “Các tổ chức phi chính phủ và các nhóm khác không muốn các doanh nghiệp rời đi một cách liều lĩnh. Họ cũng cần quan tâm hơn đến chuyện tài trợ và các mối quan hệ khác với quân đội. Nếu các công ty chọn tiếp tục hoạt động, họ sẽ cần tiến hành đánh giá sâu hơn về những rủi ro tiềm ẩn”.

Nguồn: Myanmar Times, Reuters, Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới