(KTSG Online) – Giá xăng liên tục tăng và ở mức cao kỷ lục đã kéo giá nguyên vật liệu đầu vào tại các nhà hàng, quán ăn tăng theo. Các chủ cơ sở kinh doanh ăn uống này đang chật vật ứng phó, nếu tăng giá bán thì sợ mất khách, còn giữ giá như hiện tại thì chi phí ăn hết vào tiền lời, thậm chí lỗ lã.
- Giải trí, mua sắm phục hồi mạnh, nhu cầu sở hữu bất động sản thương mại gia tăng
- Giá xăng liên tục lập đỉnh, cảnh báo tác động xấu đến kinh tế Việt Nam
- Quán ăn, shipper tất bật nhận đơn hàng giao tận nơi
Người giữ giá, kẻ tăng thêm
Kinh doanh quán "Tiệm ăn Gặm" ở quận Bình Thạnh, anh Phan Phạm Tấn Đạt cho biết tình cảnh người làm chủ lúc này đang đắn đo giữa việc tăng giá bán hay là giữ nguyên, trong khi nguyên liệu đầu vào tăng hơn so với trước.
“Nếu lên giá thì tôi sợ mất khách, mà không lên thì tiền lời không bao nhiêu vì nhiều chi phí phát sinh kéo theo. Nghĩ lại tiền lương nhân viên nếu không tăng lên thì đời sống của họ sẽ khổ nữa, giá leo cao đến mức một tô phở trung bình cũng 50.000 đồng rồi”, anh tâm sự.
Anh cho biết giá nguyên liệu đều có xu hướng tăng lên. Cụ thể, trứng gà từ 25.000 đồng một chục giờ đã lên 35.000 đồng, thịt vịt từ 60.000 đồng/kg giờ tăng thêm 25.000 đồng/kg, một can dầu ăn 35 lít trước dịch khoảng 600.000 đồng, bây giờ lên gần gấp đôi. Gia vị, nước uống cũng lên giá “nhỉnh” hơn trước... Nhưng hiện anh vẫn giữ nguyên giá để duy trì ổn định lượng khách ghé quán.
“Nguyên vật liệu thay đổi giá liên tục nhưng tôi vẫn ráng giữ giá vì hiểu sau đại dịch người dân mới bình ổn kinh tế trở lại nên ai cũng gặp những khó khăn riêng. Bây giờ tiền lương hàng tháng cũng chưa chắc được tăng, nếu đi theo thị trường mà lên giá thì khách hàng sẽ không đến ủng hộ quán nữa”, anh bộc bạch.
Cùng tâm trạng như anh Tấn Đạt, chị Tạ Thị Nga, chủ quán pizza ở Bình Dương, cho hay giá xăng tăng khiến quán kinh doanh nhỏ lẻ của chị gặp nhiều vấn đề. Các nguyên vật liệu làm món đều tăng từ 10.000 – 30.000 đồng, tăng dần theo ngày và mỗi đợt nhập hàng.
Chị Nga chia sẻ: “Tôi nghĩ cái khó của nhiều chủ quán bây giờ là sợ tăng giá sẽ làm khách hàng quay lưng, vì vậy khó gì thì tôi cũng quyết giữ nguyên chất lượng và giá bán, chịu thiệt một tí để hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất, giữ khách trong giai đoạn bão giá này". Chị mong vật giá sẽ sớm ổn định trở lại để các chủ quán ăn nhỏ như chị yên tâm buôn bán.
Mới đây, chuỗi cà phê Highlands Coffee vừa ra thông báo về việc điều chỉnh giá sản phẩm. Cụ thể, chuỗi sẽ tăng giá một số đồ uống từ 6.000 đồng/cốc với hai size uống S, M, riêng ly size L sẽ tăng lên 10.000 đồng so với bảng giá cũ. Mức giá này sẽ áp dụng tại TPHCM và Hà Nội từ ngày 27-6, áp dụng cho toàn quốc bao gồm ứng dụng đặt hàng từ 1-7. Nhãn hàng cũng giải thích việc thay đổi giá cả để giữ vững và nâng cao thêm chất lượng sản phẩm trước tình hình biến động thị trường hiện nay.
Thay đổi để thích nghi
Chị Nguyễn Thị Hằng Thị là chủ của chuỗi quán lẩu chay ở TPHCM và một số cơ sở ở tỉnh thành khác cho hay đợt “bão giá” lần này đã khiến việc kinh doanh như chị gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu đầu vào, vận chuyển hàng hóa thực phẩm, tính toán nhân công, định phí chung và giá cả đầu ra với khách… Chị Hằng Thị cho biết mình phải giải quyết bài toán khó làm sao giữ chất lượng kinh doanh để không bị mất khách nhưng phải cân bằng nguồn vào sao cho hợp lý.
Hiện tại, chị đã tìm cách thương lượng nguồn cung cấp nguyên liệu thực phẩm rau củ, nấm, nguyên liệu khô,.. với số lượng nhiều hơn những vẫn tốt về chất lượng để giảm bớt chi phí vận chuyển, quản lý quy trình bảo quản, chế biến thực phẩm kỹ hơn để tránh bị thất thoát hư hỏng; xem lại giá thực đơn kết hợp với nguyên liệu chế biến món mới nhằm tăng thu hút, thêm doanh thu và đa dạng lựa chọn hơn với khách.
Thay đổi cách vận hành để ứng phó cũng là hướng chị Tạ Thị Nga áp dụng cho quán ăn của mình. Trước đây chị có ưu đãi áp dụng chương trình miễn phí giao hàng cho khách trong bán kính 3 km, nhưng từ ngày giá xăng vượt mức 30.000 đồng/lít, chị bắt buộc hạn chế chương trình này, chỉ miễn phí trong khoảng cách gần, với khoảng cách xa chị sẽ hỗ trợ khách để phí giao hàng rẻ hơn.
Anh Tấn Đạt, chủ "Tiệm ăn Gặm", cũng tìm cách xoay xở giảm chi phí phụ như hạn chế mua hoa tươi về cắm, lúc không có khách sẽ tiết kiệm điện như tắt đèn, quạt từ trong bếp nếu không cần sử dụng. Anh cũng nhấn mạnh trong trường hợp xăng tiếp tục tăng kèm theo "bão giá" từ hóa đơn nguồn nguyên vật liệu anh sẽ điều chỉnh giá phù hợp để duy trì quán, thêm lương nhân viên để họ đủ kinh tế trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày.
“Để lên giá mà muốn giữ chân khách thì vẫn tập trung đến chất lượng món ăn, chăm chút từng sản phẩm và cách làm dịch vụ. Tôi hy vọng với sự chỉn chu này thì khách hàng sẽ hiểu và cảm thông cho các chủ quán giữa thời vật giá leo thang”, anh nói thêm.
Giá cập nhật giá tại chợ đầu mối Hóc Môn (ngày 27-6-2022)
Giá thịt heo
Thịt đùi: 65.000 đ/kg (trước đây 44.000đ/kg) >>> tăng khoảng 20.000 đ/kgThịt heo xay: 50.000-80.000 đ/kg (trước đây 40.000đ/kg) >>> tăng từ 10.000 – 40.000 đ/kgThịt ba rọi lóc:90.000 đ/kg (trước đây 60.000 đ/kg) => tăng 30.000 đ/kgSườn non: 130.000 đ/kg (trước đây 100.000 đ/kg -110.000 đ/kg) >>> tăng 20.000 – 30.000đ/kg
Nông sản
Xà lách: 45.000 đ/kg (trước đây khoảng 20.000-15.000 đ/kg) >>> tăng từ 25.000 – 30.000 đ/kgỚt loại 1: 90.000 đ/kg (trước đây khoảng 25.000 -30.000 đ/kg) >>> tăng từ 55.000 – 60.000 đ/kgCà chua: 16.000 đ/kg (trước đây khoảng 6.000 đ/kg) >>> tăng 10.000 đ/kgHẹ: 15.000 đ/1 bó/nửa ký (trước đây khoảng 10.000 đ/1 bó/nửa ký) >>> tăng 5.000 đ/kg
Trái cây
Thanh long loại 1: 20.000 đ/kg (trước đây khoảng 15.000 đ/kg) >>> tăng 5.000 đ/kgThanh long loại 2: 15.000 đ/kg (trước đây khoảng 10.000 đ/kg – 13.000 đ/kg) >>> tăng 2.000 đ/kgChôm chôm: 20.000 đ/kg – (trước đây khoảng 13.000 đ/kg) >>> tăng 7.000 đ/kgVải: 30.000 đ/kg – 45.000 đ/kg >>> tăng 15.000 đ/kg