Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà hoang sau chợ hoa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà hoang sau chợ hoa

Việt Linh

(TBKTSG Xuân) - Năm nào cũng vậy, cứ Tết đến là con đường lớn trước ngõ vô nhà cô chị khai trương chợ hoa lớn. Đối diện công viên bờ sông, tiện trưng bày/chuyên chở nên chợ hoa ngày càng rực rỡ, và trong cái rực rỡ áp đảo đó, ít ai để ý sau chất ngất hoa có ngôi nhà hoang...

Ngôi nhà có trước chợ hoa rất lâu, khi bờ sông còn chưa lở, khi những căn nhà nửa sàn nửa bê tông bên kia đường chưa lần lượt ngả nghiêng, bị giải tỏa đồng loạt để Nhà nước dựng bờ kè xây công viên tỉnh. Ngôi nhà theo đó tăng giá trị do hướng mặt ra sông, con đường hẹp chông chênh phía trước thành đại lộ. Từ khi có chợ hoa Tết vị trí đất nơi đây tăng giá phi mã. Chị chỉ nói vị trí đất bởi ngôi nhà đã hoang phế, sụp mất phần hậu, chỉ còn lại hành lang rộng phía trước, nơi xưa kia chị và anh H. hay tạt lon, đánh cầu lông. Ông ngoại anh H. là anh của ông nội chị, nên theo vai vế chị phải gọi H. bằng anh dù lớn tuổi hơn. Anh H. có ba anh trai nhưng chị chỉ chơi thân với H. vì trạc tuổi, có cùng sở thích “văn nghệ”. Chị không biết chính xác ngôi nhà xây khi nào, nhưng những bức hình chị mặc áo đẹp đứng cạnh ông bà Hai và cả đại gia đình - dĩ nhiên có anh - còn giữ trong album cho thấy chị thường xuyên về đây từ năm sáu tuổi, trong những dịp hè, Tết...

Đó là ngôi nhà xây kiểu villa Pháp, nền cao lững so với mặt đường, sáu phòng ngủ, ba nhà vệ sinh, phòng khách thênh thang có thể đánh cầu lông khi sảnh trước bị mưa. Như mọi ngôi nhà sang trọng khác, nhà ông Hai có sân rộng trồng cây cảnh nên sau nhiều đợt mở đường, nhà vẫn chưa bị cắt. Sân có nhiều thứ hoa nhưng chị nhớ nhất hoa phù dung - loài hoa có tên đẹp mà cuộc diện kiến đầu tiên với chị đầy ám ảnh: Sáng kia, phát hiện trên cây có bông hoa trắng tinh, cô em họ chị bèn lén ngắt, giấu nâng niu trong bình sứ chờ buổi chiều khoe anh H. Chị nhớ hoài cảm giác run rẩy khi từ đáy bình lôi ra đóa hoa hồng sẫm chứ không phải trắng (?). Anh H. nói hoa ma khiến cô em hoảng hồn mang ra cây trả, và lạnh hồn hơn khi sáng sau thấy hoa... đỏ như máu! Nhiều ngày liền hai anh em không dám ra sân cho đến khi, qua ai đó, biết hoa phù dung vốn sáng trắng, trưa hồng, tối đỏ héo hon như câu “Phù dung sớm nở tối tàn”.

Trưởng thành, chị thấy ngôi nhà không quá lớn như chị nhìn khi nhỏ; lớn đến mức mỗi lần đi qua các hành lang để về phòng con nít chị rất sợ, dù có rất nhiều đèn trang trí. Thay vì hãnh diện được ở trong ngôi nhà mênh mông như xóm giềng tấm tắc, không hiểu sao chị không thấy thích nó - cái “dinh cơ” mà ngoài chuyện chạy nhảy, đùa vui thoải mái; ấn tượng lớn nhất của ngôi nhà khi đó với chị chỉ là ban đêm sợ ma, ban ngày mỏi chân, vương vất ngột ngạt bí ẩn... Má chị nói ông Hai cất nhà sẵn chờ bác S. du học y khoa về mở “Clinique” như bác sĩ T. gần đó. Nhà bác sĩ T. lớn gấp rưỡi nhà ông Hai với miên man cỏ hoa, nhưng do chỉ đi ngang không được “ở trong” nên chị nhìn nó khá hững hờ; có chăng là cảm giác nôn nao cái cơ ngơi bát ngát của ông Hai sẽ thành “Clinique” thế nào khi bác S. hồi hương. Rốt cuộc bác S. cũng về nhưng không với bằng bác sĩ mà làm chi đó ở Sài Gòn. Ông bà Hai, bác S. lần lượt mất, ngôi nhà đẹp cũ dần...

Sau năm 1975, anh H. và các anh của anh về quê sinh sống vì cha anh, thẩm phán chế độ cũ đi học tập; ngôi nhà trống trải thành nơi trú ngụ cho các anh. Anh H. đẹp trai, hát hay, có bộ trống lớn mà mỗi khi nghe anh đánh cơ thể chị cứ như chạm điện. Anh H. hân hoan xung phong vô đội văn nghệ phường, nhưng “văn nghệ”, như về sau anh nói, không làm ra tiền mà ba má anh thì không thể cưu mang đám con công-nông gốc công tử. Mấy lần Tết sau gặp lại, chị thấy anh tiều tụy hẳn, râu ria tua tủa. Anh vẫn cười lớn, nói lớn như xưa nhưng hay ngưng đột ngột hoặc kéo dài vô cớ. Có lẽ đó là lý do anh nhanh chóng mất/thôi việc ở đội văn nghệ.

Ba anh của anh H., người vượt biên, người làm việc trên thành phố, người mất vì bạo bệnh; nhà do vậy chỉ còn anh cai quản. Anh H. có dấu hiệu trầm cảm, tệ hơn, hoang tưởng về một kho báu trong nhà mà chứng tích là trước đây bà Hai có đào lên hũ tiền bạc sau gian bếp - những đồng tiền trắng đục cô cháu chị cũng được cho hai miếng, ra tiệm làm lắc đeo rủng rỉnh nhiều năm. Không biết anh H. có đào xới ngôi nhà như người ta đồn đãi hay không, nhưng mỗi khi có cơ hội về thăm cô, thấy anh thấp thoáng vườn sau, chị mơm mớm dò la bằng câu hỏi anh H. nhớ em không, anh cười rổn rảng nói nhớ Phù dung, rồi đi mất.

Lâu rồi chị không bước chân lên nhà anh, dù nhà cô cách nhà anh chỉ qua cái ao nhỏ. Chị sợ mùi mốc, sợ phải thấy những căn phòng khi xưa học, ngủ, chơi đùa... giờ tan hoang hang hốc nếu việc đào kiếm kho báu của anh là sự thật. Sợ bước vô trong, nhưng mỗi lúc đi ngang chị không thể không nhìn ngắm nơi giữ gìn kỷ niệm. Nhà giờ không còn cao nổi bật do đường đã mấy lượt nâng lên, khoảnh hành lang rộng lưu bóng tích bề thế ngún dần trong đám lau cỏ, hoang sơ, lạc lõng đến mức đôi khi chị giả thiết nếu làm phim kinh dị, đây sẽ là bối cảnh tương thích mà họa sĩ khó hình dung, tạo lập. Từ ngày có chợ hoa sự hoang phế của ngôi nhà càng tương phản thứ phông nền đặc sắc, nghĩ vậy nhưng chưa bao giờ chị chụp ảnh. Người ta khó chụp nỗi đau, dù đẹp, của chính mình.

Bỏ qua xác nhà hoang, mảnh đất ngàn mét vuông giữa đô thị là một giá trị quá lớn. Nghe nói rất nhiều người hỏi mua nhưng anh - một trong những người thừa kế chính - không muốn bán. Hai năm rồi chị không có dịp về thăm cô, lần này về thấy các gian sau sụp hẳn, không biết nền lún do đất hay người. Lần này về chị không có dịp chào anh, nhưng từ sâu thẳm chị không muốn gặp. Chị sợ thực tế bất lực. Chắc chắn một ngày anh H. và chị sẽ ra đi, không biết ai đi trước, nhưng nghĩ về ngôi nhà và người anh họ đáng yêu khi xưa chị thấy lòng tê tái. Mặc kệ ngôi nhà hoang mục cùng chủ nhân hoang tưởng, chợ hoa Tết năm nay vẫn rộn ràng phía trước, muôn màu... 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới