(KTSG Online) – Với quyết định rót 2 tỉ đô la Mỹ cho một dự án sản xuất pin xe tải, các nhà sản xuất động cơ diesel và xe tải thương mại lớn nhất ở Mỹ đặt cược rằng, ngành vận tải đường bộ đã sẵn sàng chuyển từ các trạm xăng dầu sang trạm sạc pin. Họ đang đón đầu nhu cầu khi giới chức trách siết chặt khí thải từ ngành vận tải đường bộ, đồng thời yêu cầu xe tải chạy bằng pin phải chiếm một tỷ lệ nhất định trong tổng doanh số xe tải thương mại của các nhà sản xuất.
- Tesla giao xe tải đầu kéo điện đầu tiên cho hãng PepsiCo
- Các nhà sản xuất của Ấn Độ nhắm đến xe tải điện để giảm ô nhiễm
Công ty sản xuất động cơ diesel Cummins và hai công ty sản xuất xe tải Daimler Truck và Paccar có kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 2 tỉ đô la Mỹ ở bang Mississippi để sản xuất pin cho xe tải thương mại. Đây sẽ là nhà máy lớn nhất Mỹ chuyên sản xuất pin cho xe tải, với sản lượng ban đầu đủ cung cấp pin hàng năm cho hơn 40.000 xe tải hạng trung và hạng nặng. Nhà máy sẽ tuyển dụng 2.000 lao động và hoạt động như một liên doanh, dự kiến bắt đầu sản xuất pin vào năm 2027.
Hôm 18-1, hội đồng lập pháp của bang Mississippi phê duyệt gói đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng, trợ cấp và ưu đãi thuế để xây dựng nhà máy sản này.
Daimler, Paccar và Accelera, đơn vị năng lượng sạch của Cummins, sẽ sở hữu mỗi bên 30% cổ phần của nhà máy. Họ sử dụng pin từ nhà máy để lắp ráp các bộ pin độc quyền cho hệ thống truyền động điện của xe tải mà họ sản xuất. EVE Energy, nhà sản xuất pin của Trung Quốc, nắm giữ 10% cổ phần còn lại. Công ty này chịu trách nhiệm cung cấp công nghệ và vật liệu cho nhà máy để sản xuất pin lithium iron phosphate (LFP).
Pin LFP chủ yếu được sử dụng ở Trung Quốc nhưng ngày càng được ưa chuộng ở Mỹ vì chi phí sản xuất thấp hơn so với pin dựa vào nickel và cobalt. Nguồn cung lithium cần thiết để sản xuất pin LFP hiện chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cummins tiết lộ, EVE Energy sẽ giúp các đối tác Mỹ phát triển chuỗi cung ứng pin trong nước.
Rakesh Aneja, người đứng đầu eMobility của Daimler Truck ở khu vực Bắc Mỹ, cho biết, việc cải thiện nguồn vật liệu sẵn có và có một nhà máy sản xuất pin dành riêng cho xe tải trong nước sẽ giúp giảm giá thành của xe tải điện, vốn thường có giá cao gấp hai hoặc ba lần so với xe tải chạy bằng diesel. .
“Pin là bộ phận đắt nhất của xe tải điện”, ông nói. Khoản đầu tư trên là một sự đặt cược lớn, khi nhà đầu tư kỳ vọng rằng ngành vận tải đường bộ sẽ bắt đầu chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng sạch. Nguyên nhân là do các tiêu chuẩn mới của chính phủ Mỹ về khí thải động cơ sẽ khiến việc mua và vận hành xe tải chạy bằng động cơ diesel trở nên tốn kém hơn đáng kể.
Daimler, nhà sản xuất xe tải thương hiệu Freightliner, là công ty dẫn đầu thị trường về doanh số bán xe tải hạng nặng ở Mỹ. Paccar, với các thương hiệu xe tải Peterbilt và Kenworth, đứng thứ hai về doanh số. Xe tải và xe buýt chạy bằng pin đã xuất hiện trên thị trường từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe tải vẫn chưa sốt sắng chuyển hướng sản xuất sang các mẫu xe chạy bằng pin giống như ngành công nghiệp xe hơi.
Chính quyền các bang và chính phủ liên bang đang gây áp lực nhiều hơn lên các nhà sản xuất xe tải và những tài xế xe tải còn do dự ủng hộ các phương tiện không phát thải.
“Thời điểm xây dựng nhà máy pin này đã được tính toán. Nhu cầu xe tải điện sẽ tăng lên khi các quy định tiếp tục thúc đẩy nỗ lực giảm lượng khí thải trong lĩnh vực vận tải đường bộ”, Jennifer Rumsey, CEO của Cummins, nhà sản xuất động cơ diesel hàng đầu ở Mỹ, nói trong một cuộc phỏng vấn.
Doanh số xe tải chạy bằng pin hiện nay chỉ là một phần rất nhỏ trong số 600.000 xe tải thương mại được bán ở Mỹ và Canada. Các công ty vận tải đường bộ hầu hết hạn chế mua xe tải điện vì lo ngại về giá thành và độ bền cũng như thiếu cơ sở hạ tầng sạc pin để hỗ trợ xe chạy đường dài. Ngoài ra, thị trường xe tải điện cũ vẫn chưa hình thành và điều này cũng là một trở ngại, vì hầu hết các công ty vận tải đều tính đến kế hoạch bán xe tải điện sau một thời gian sử dụng để thu hồi một phần chi phí.
Bắt đầu từ năm nay, bang California sẽ yêu cầu 5% doanh số xe đầu kéo hạng nặng của nhà sản xuất xe tải và 9% doanh số xe tải khác ở bang này phải là phương tiện không phát thải. Mười bang khác dự kiến cũng đưa ra các yêu cầu tương tự với tỷ lệ xe tải điện trong doanh số xe tải thương mại của nhà sản xuất tăng dần trong ba năm tới.
Trong khi đó, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) yêu cầu các nhà sản xuất động cơ diesel tiếp tục giảm lượng khí thải oxit nitơ,một thành phần trong khói từ xe tải, khoảng 80% bắt đầu từ năm 2027.
Yêu cầu này dự kiến khiến các nhà sản xuất xe tải tăng gấp đôi hệ thống xử lý và lọc khí thải khí thải của động cơ diesel. Các phân tích ước tính, điều đó có thể sẽ làm tăng thêm khoảng 30.000 đô la vào giá thành của một chiếc xe đầu kéo hạng nặng mới.
EPA cũng đang xem xét yêu cầu giảm đáng kể lượng khí thải carbon dioxide từ xe tải thương mại vào đầu thập niên 20230, điều mà các nhà phân tích cho rằng sẽ buộc ngành vận tải đường bộ chuyển sang sử dụng nhiều phương tiện chạy điện hơn.
Công ty nghiên cứu thị trường xe tải ở bang Indiana là ACT Research, kỳ vọng xe tải điện sẽ chiếm 10% tổng doanh số xe tải ở Mỹ và Canada vào năm 2027, với thị phần dự kiến tăng lên hơn 30% vào đầu thập niên tới.
Theo WSJ