Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà máy thông minh có thể tạo ra 2.200 tỉ đô la năm 2023

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà máy thông minh có thể tạo ra 2.200 tỉ đô la năm 2023

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Khi công nghệ phát triển, cách mà ngành công nghiệp sản xuất cũng thay đổi nhanh chóng. Trên khắp thế giới, nhiều công ty đang áp dụng các công nghệ số hóa và tự động hóa vào hoạt động sản xuất để nâng cao năng suất, hứa hẹn đóng góp thêm cho nền kinh tế toàn cầu 2.200 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023.

Nhà máy thông minh có thể tạo ra 2.200 tỉ đô la năm 2023
Một nhà máy thông minh của Schneider Electric ở TP. Batam, Indonesia. Ảnh: Schneider Electric

Nhiều doanh nghiệp lớn rục rịch đầu tư

Mới đây, Viện Nghiên cứu Capgemini (Pháp), công bố một báo cáo nghiên cứu với nhận định các nhà máy thông minh có thể giúp GDP toàn cầu tăng thêm 1.500-2.200 tỉ đô la vào năm 2023. Con số này có được nhờ năng suất tăng cao, chất lượng và thị phần cũng như dịch vụ khách hàng được cải thiện.

Đây là báo cáo dựa vào kết quả khảo sát với hơn 1.000 lãnh đạo của các công ty sản xuất ở 13 nước trên thế giới đang có những sáng kiến về  nhà máy thông minh. Qua đó, mô tả nhà máy thông minh là những nhà máy tận dụng sức mạnh của “các công nghệ và nền tảng số hóa” để cải thiện mạnh mẽ năng suất, chất lượng, tính linh động và dịch vụ.

Báo cáo cũng chỉ ra những thay đổi đáng chú ý trong ngành công nghiệp sản xuất mới xuất hiện trong những năm gần đây. Chẳng hạn, trong năm 2019, có 68% trong số các công ty được khảo sát cho biết họ đang triển khai các dự án nhà máy thông minh so với tỷ lệ 43% trong năm 2017.

Theo dự báo, các công ty trong cuộc cuộc khảo sát sẽ gia tăng số lượng nhà máy thông minh thêm 40% trong 5 năm tới. Đồng thời mức tăng đầu tư hàng năm cho các nhà máy này lên gấp 1,7 lần so với 3 năm qua.
Một trong những công ty đang đầu tư lớn cho các dự án nhà máy thông minh là Công ty sản xuất thiết bị điện và điện tử Schneider Electric (Pháp) nằm trong danh sách 500 công ty lớn nhất toàn cầu do tạp chí Fortune bình chọn.

Schneider Electric đang tập trung phát triển các công cụ số hóa để tích hợp vào các nhà máy thông minh của công ty này ở Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Mexico.

Mourad Tamoud, Phó Chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng toàn cầu của, Schneider Electric, nói: “Chúng tôi khởi động chỉ một dự án thí điểm lớn cách đây vài năm nhưng đến cuối năm 2019, chúng tôi sẽ có 70 nhà máy thông minh được chứng nhận bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)”.

Vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai

Tầm quan trọng của mạng 5G, thế hệ thứ 5 của mạng di động, cũng được nhắc đến trong báo cáo. Các nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Capgemini cho rằng mạng 5G sẽ đóng vai trò then chốt để giúp hiện thực hóa các sáng kiến nhà máy thông minh. Bởi lẽ, các tính năng ưu việt của mạng 5G cho phép các nhà sản xuất triển khai hoặc nâng cao các ứng dụng theo thời gian thực và có độ tin cao.

Song báo cáo cũng cho biết trong số các công ty đang áp dụng sáng kiến nhà máy thông minh, chỉ có 14% nói rằng sáng kiến của họ đang thành công. Nhưng có đến 60% cho biết họ gặp khó khăn khi mở rộng các dự án nhà máy thông minh.

Họ chỉ ra 3 thách thức đang cản trở sự phát triển của các nhà máy thông minh bao gồm: năng lực triển khai và tích hợp các công nghệ và nền tảng số hóa; mức độ sẵn sàng dữ liệu và an ninh mạng; năng lực phát triển các kỹ năng mềm (kỹ năng hợp tác và giải quyết vấn đề) và “kỹ năng lai” (hybrid skills), tức sự kết hợp giữa kỹ năng kỹ thuật và phi kỹ thuật.
Theo báo cáo, các nước dẫn đầu về năng lực phổ cập nhà máy thông minh lần lượt là Trung Quốc, Đức và Nhật Bản. Các nước Hàn Quốc, Mỹ và Pháp xếp ở các vị trí tiếp theo.

Jean-Pierre Petit, Giám đốc bộ phận nghiên cứu giải pháp sản xuất số hóa của Capgemini, nói: “Một nhà máy thông minh là một hệ sinh thái phức tạp và sống động, nơi tính hiệu quả của các hệ thống sản xuất là mục tiêu tiếp theo chứ không phải năng suất của người lao động. Để khai phá tiềm năng của nhà máy thông minh, các công ty cần thiết kế và thực hiện một chương trình quản trị mạnh mẽ đồng thời phát triển văn hóa vận hành sản xuất dựa trên dữ liệu.

Hôm 13-11, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết Hàn Quốc sẽ xây dựng 30.000 nhà máy thông minh và 10 khu công nghiệp thông minh vào năm 2022 như là một phần của nỗ lực ứng phó với sự suy giảm của lực lượng dân số trong độ tuổi lao động. Hãng tin Yonhap đưa tin ông Hong Nam-ki nói rằng số lao động làm việc ở các nhà máy và khu công nghiệp thông minh này sẽ vào khoảng 100.000 người.
Dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) của Hàn Quốc sẽ giảm mạnh trong những thập niên tới. Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc dự báo dân số của Hàn Quốc sẽ rơi về mức 39 triệu người vào năm 2067 so với mức 51,9 triệu người hiện nay. Vào thời điểm đó, số người trên 65 tuổi có thể chiếm đến 46,5% dân số Hàn Quốc. Dân số già hóa nhanh chóng sẽ gây gánh nặng cho xã hội và kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc.

Theo CNBC, Verdict

 


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới