Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ nâng chất lượng nước xả thải lên hạng A

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau hơn ba năm vận hành (từ tháng 7-2018), nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ đã chính thức được UBND TP Cần Thơ quyết định đầu tư nâng chất lượng nước thải sau xử lý, từ cột B lên cột A theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hệ thống nước thải qua bể lắng lọc của Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ. Ảnh: Báo Đầu tư.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ vừa có quyết định “Về việc phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình nâng chất lượng nước thải sau xử lý của Nhà máy xử lý nước thải TP Cần Thơ từ cột B lên cột A theo QCVN 40:2011/BTNMT”.

Theo đó, tổng mức đầu tư để nâng chất lượng nước thải sau xử lý của Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ là trên 36,324 tỉ đồng, trong đó, chi phí xây dựng sau thuế là trên 24,146 tỉ đồng; chi phí thiết bị trên 5,088 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án trên 669 triệu đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là trên 2,531 tỉ đồng; chi phí khác là trên 512 triệu đồng và còn lại là chi phí dự phòng.

Theo tìm hiểu của KTSG Online, dự án thu gom, xử lý nước thải Cần Thơ (Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ) có tổng mức đầu tư trên 494 tỉ đồng, trong đó, Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) tài trợ 281 tỉ đồng và phần còn lại là vốn đối ứng của TP Cần Thơ.

Dự án lẽ ra phải được đưa vào vận hành từ năm 2010, nhưng thực tế đã vận hành chậm hơn (tháng 7-2018). Bởi, khi dự án được phê duyệt, thì nước thải sau xử lý khi thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn cột B. Trong khi đó, khi dự án hoàn thành, thì quy định hiện hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường là nước thải sau xử lý muốn thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn cột A.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Hữu Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cấp thoát nước Cần Thơ cho rằng, dự án thu gom, xử lý nước thải Cần Thơ do KFW tài trợ với công nghệ xử lý là lắng lọc cấy vi sinh để xử lý.

Theo ông, công nghệ dự án không xử lý chất “phốt pho” trong nước thải. “Thật ra, hiện trong nước thải của mình không có hàm lượng phốt pho, thành ra tiêu chuẩn xả thải theo cột A vẫn đạt”, ông nói.

Cũng theo ông Lộc, dự án xử lý “không có khử khuẩn”, cho nên, trong quá trình vận hành, nhà máy được châm “clo” để khử khuẩn. “Chúng tôi đưa tạm, chứ không phải trong dây chuyền chính thức của dự án”, ông nói và giải thích, khử khuẩn có thể bằng hoá chất (clo) hoặc bằng tia cực tím.

Ông Lộc cho biết, sau đó Sở Xây dựng TP Cần Thơ có tham mưu UBND thành phố đầu tư thêm công nghệ xử lý. “Như vậy, giả sử nước nguồn thải thay đổi, có thêm “phốt pho” hay các thành phần khác, thì dự án vẫn có thể xử lý đạt cột A khi xả thải ra môi trường”, ông Lộc cho biết và tái nhấn mạnh, hiện nước thải sau xử lý vẫn đạt cột A, nhưng do nước nguồn không có “phốt pho”.

Ông Lộc cho rằng, việc đầu tư này cũng giúp dây chuyền châm khử khuẩn chính thức hơn. “Ngoài ra, có thêm bể sự cố, tức khi dây chuyền xử lý có sự cố, thì nó có bể trữ lại”, ông cho biết.

Theo ông Lộc, công suất của Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ là 30.000 m3/ngày đêm, nhưng mạng lưới thu gom đấu nối chưa đầy đủ nên lúc cao điểm xử lý được 25.000-26.000 m3/ngày đêm và hiện khoảng 21.000-22.000m3/ngày đêm (tuỳ thời điểm).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới