(KTSG) - Để người dân là trung tâm của quá trình phát triển, trước hết Nhà nước cần biết cách lắng nghe.
Từ giữa năm 2022, UBND thành phố Hà Nội quyết định khôi phục lại loa phường, đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả phường, xã của thủ đô đều được trang bị hệ thống truyền thanh. Động thái này đảo ngược quyết định vào năm 2017 của thành phố, khi Chủ tịch lúc đó là ông Nguyễn Đức Chung tuyên bố “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử” và lấy ý kiến người dân để dừng sử dụng. Vào thời điểm đó, hơn 90% người Hà Nội được hỏi ủng hộ quyết định này.
Pha “quay xe” của Hà Nội cho thấy sự lúng túng của chính quyền trong việc giao tiếp với người dân trong thời đại mới. Loa phường là đại diện tiêu biểu cho kênh truyền thông thế hệ cũ: chỉ có nói mà không có nghe, không cần để ý đến nhu cầu tiếp nhận.
Cách giao tiếp một chiều như thế có thể tồn tại ở thời kỳ tiền đổi mới, khi thông tin hạn chế và năng lực phản biện của người dân chưa cao. Nhưng với sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội, và khi trình độ dân trí có sự cải thiện lớn, sẽ khó để thuyết phục người dân chỉ nghe mà không có chất vấn, đặc biệt với những vấn đề phức tạp và còn nhiều ý kiến đa chiều.
Các kênh truyền tải ý kiến của người dân tới Nhà nước, và ngược lại, cần được cải thiện, nhằm tối thiểu hóa những bất đồng quan điểm nảy sinh trong từng chính sách cụ thể.
Giao tiếp một chiều không chỉ là vấn đề của loa phường. Những công cụ truyền thông khác của Nhà nước nhằm giữ “sợi dây truyền tải” với người dân, từ các cơ quan báo chí, tổ chức chính trị - xã hội, cho đến những đơn vị có chức năng giao tiếp với người dân, đều gặp khó khăn nhất định trong việc nắm bắt những thay đổi nhanh chóng của xã hội. Lấy ví dụ các cơ quan đoàn thể như đoàn thanh niên. Mô hình này hoạt động tốt với phần đông dân số cố định ở một nơi, hạn chế di chuyển trong thời kỳ bao cấp do hộ khẩu, nhưng hoàn toàn bị động với sự bùng nổ của di cư nội địa - đặc biệt là từ nông thôn ra thành thị và các trung tâm công nghiệp - của thời kỳ đổi mới. Đoàn thanh niên cũng đối diện với nhiều thách thức để thu hút giới trẻ tham gia ở đô thị lớn, trong tình trạng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng gọi là “Nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”.
Thiếu vắng các kênh “lắng nghe” là biểu hiện của một cơ chế trách nhiệm giải trình thiếu hiệu quả. Trách nhiệm giải trình hiểu đơn giản là việc Nhà nước và những người nắm quyền lực nhà nước chịu trách nhiệm cho hành động của mình với bất kỳ ai chịu ảnh hưởng bởi quyết sách của họ. Đó có thể là người dân bị thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, những người nộp thuế muốn biết về hiệu quả thu - chi ngân sách nhà nước, công nhân muốn biết tác động của chính sách bảo hiểm xã hội mới, hay đơn giản là một cá nhân tìm hiểu thông tin về hoạt động của cơ quan công quyền.
Vì sao điều này lại quan trọng?
Về mặt chính trị, đáp ứng trách nhiệm giải trình hiện thực hóa tinh thần “nhân dân làm chủ”, làm tăng tính chính danh của bộ máy nhà nước. Việc lắng nghe và đưa ra quyết định dựa vào ý kiến của người dân giúp tạo dựng niềm tin rằng trong bất kỳ trường hợp nào, chính quyền cũng sẽ đặt lợi ích của người dân lên trên hết.
Về mặt kinh tế, trách nhiệm giải trình gắn liền với nguyên tắc thuế và đại diện. Một nhà nước hiện đại phải được xây dựng trên một cơ sở thuế vững chắc, đặc biệt với các loại thuế trực thu như thuế thu nhập cá nhân. Tỷ lệ thuế trực thu ở các nước phát triển dao động từ 20% tổng thu ngân sách, cá biệt ở một số nước có thể lên đến 40%. Con số này ở Việt Nam còn rất thấp, chiếm khoảng 7% nguồn thu ngân sách. Muốn tăng nguồn thu này, không có cách nào khác ngoài việc tăng trách nhiệm giải trình: người dân sẵn sàng đóng thuế nếu biết khoản tiền mình bỏ ra phụng sự cho cuộc sống của chính họ.
Trách nhiệm giải trình cùng với một nhà nước hiệu quả và pháp quyền mạnh là nền tảng của một xã hội phát triển và thịnh vượng. Trách nhiệm giải trình mạnh hạn chế lũng đoạn chính sách bởi lợi ích nhóm. Quay trở lại giai đoạn đại dịch Covid-19, nếu như tiếng nói của một bộ phận người dân, nhà nghiên cứu, chuyên gia chính sách được lắng nghe thấu đáo, có thể hai vụ đại án “chuyến bay giải cứu” và kit test Việt Á không đến mức nghiêm trọng như diễn ra.
Trong cuộc sống, có lẽ nhiều người từng thấm thía rằng biết lắng nghe không phải là điều dễ dàng. Chuyện lắng nghe của Nhà nước với 100 triệu dân đương nhiên còn khó khăn hơn gấp bội. Lắng nghe đúng cách cần cơ chế phù hợp. Hiện tại, người dân có ba cơ chế bày tỏ ý kiến với Nhà nước. Tuy nhiên, cả ba đều có những vấn đề riêng.
Cách đầu tiên, dễ thấy nhất, là biểu thị ý kiến qua các hành động tập thể, như phản ứng của một bộ phận người lao động phản đối Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi năm 2015. Về nguyên tắc, đây là quyền được Hiến pháp quy định và bảo vệ qua cả bốn lần chỉnh sửa. Tuy vậy, quyền hiến định này chưa được cụ thể hóa bằng luật hay nghị định. Bởi thế, đây là kênh phản hồi chứa đựng nhiều rủi ro cho cả người dân và Nhà nước, khi rơi vào vùng xám của hợp pháp và phi pháp.
Lựa chọn thứ hai, người dân có thể trực tiếp phàn nàn với Nhà nước thông qua thư khiếu nại, hoặc thậm chí khởi kiện các quyết định hành chính. Tuy nhiên, con đường này cũng không dễ dàng. Hàng năm, số lượng các vụ khởi kiện quyết định hành chính là trên 11.000 vụ, nhưng tỷ lệ thành công, theo nghĩa sửa đổi hay hủy các quyết định, chỉ dưới 4%. Đáng ngại nhất là việc thời gian giải quyết chưa được đảm bảo: có những vụ kiện kéo dài ròng rã gần chục năm trời mới được đưa ra xét xử. Nếu may mắn nằm trong số 4% những người thành công, việc buộc cơ quan thua kiện thi hành án hành chính cũng không dễ dàng.
Cách thứ ba, người dân có thể thông qua các đại diện trung gian để nêu lên tiếng nói của mình. Họ có thể tiếp cận đại biểu Quốc hội của khu vực mình sống, yêu cầu đưa vấn đề bức xúc ra thảo luận tại nghị trường. Họ cũng có thể thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để truyền tải ý kiến của mình. Tuy đã tiến bộ hơn nhiều kể từ sau thời kỳ đổi mới, kênh biểu thị này vẫn còn chưa hoàn thiện.
Không ít ví dụ cho thấy các tổ chức đoàn thể nhà nước hụt hơi trước biến động nhanh chóng của đời sống xã hội trong thời đại Internet và toàn cầu hóa: hội phụ nữ địa phương gặp nhiều khó khăn trước vụ việc bạo hành gia đình, hay công đoàn cơ sở chưa bảo vệ tốt được quyền lợi của người lao động bị doanh nghiệp xâm phạm. Trong khi đó, báo chí - truyền thông không phải lúc nào cũng đầy đủ tai mắt lắng nghe. Các tổ chức xã hội, sau giai đoạn phát triển vào đầu những năm 2010, gặp nhiều khó khăn cả về khung khổ pháp lý lẫn tài chính hoạt động.
Nhà nước đương nhiên không buộc phải lắng nghe. Với quyền lực của mình, Nhà nước có thể dùng biện pháp mạnh để răn đe và xử lý thay vì giải thích và đối thoại. Những phương án đó hoàn toàn có thể thực hiện được trong ngắn hạn. Thế nhưng trong dài hạn, quyền lực áp chế chỉ khiến người dân bằng mặt nhưng không bằng lòng, tạo thêm áp lực cho “nồi áp suất” bất ổn xã hội.
Để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ hiện đại giữa Nhà nước và người dân, hai bên cần được đặt ở vị trí cân bằng. Đó phải là những cuộc trao đổi hai chiều thực sự, dựa trên thái độ tôn trọng và cầu thị, được hỗ trợ bởi thông tin minh bạch và kịp thời. Các kênh truyền tải ý kiến của người dân tới Nhà nước, và ngược lại, cần được cải thiện, nhằm tối thiểu hóa những bất đồng quan điểm nảy sinh trong từng chính sách cụ thể. Để người dân là trung tâm của quá trình phát triển, trước hết Nhà nước cần làm tốt hơn cách lắng nghe.