Nhà nước và thị trường
Vũ Thành Tự Anh (*)
(TBKTSG) - Có vẻ như thị trường ngoại hối đã yên ắng trở lại, tỷ giá thị trường đang có xu hướng giảm và dần thu hẹp khoảng cách với tỷ giá chính thức. Một cách diễn giải của hiện tượng này là các biện pháp can thiệp có tính hành chính - cấm mua bán đô la trên thị trường tự do - thực sự có hiệu lực.
Tất nhiên đây không phải là lần đầu tiên các biện pháp hành chính được coi là “ưu việt” hơn so với các biện pháp thị trường. Trong giai đoạn bất ổn vĩ mô năm 2008, một công cụ hành chính hầu như chưa bao giờ được sử dụng - quy định trần lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản - đã được viện dẫn để ngăn chặn cuộc đua lãi suất trong hệ thống ngân hàng.
Nếu đẩy cách diễn giải này xa thêm một chút, thậm chí có thể đi đến kết luận rằng vì các biện pháp can thiệp có tính hành chính tỏ ra có hiệu lực nên nhà nước nên tiếp tục sử dụng các biện pháp này và không nhất thiết phải chuyển sang các công cụ thị trường. Tạm gác nguyên nhân thực sự của việc tỷ giá thị trường giảm (do chính sách thắt chặt tiền tệ) sang một bên và tạm cho rằng việc cấm mua bán đô la trên thị trường tự do chỉ là việc thực thi nghiêm nhặt Pháp lệnh ngoại hối, kết luận này không thuyết phục vì nhiều lý do.
Đầu tiên, cần nhớ rằng hiệu lực không đồng nghĩa với hiệu quả. Một quyết định hành chính có thể đạt được mục tiêu - tức là có hiệu lực, nhưng với cái giá quá lớn - tức là không hiệu quả.
Thứ hai, các biện pháp can thiệp hành chính thường không tương thích với các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường. Nhìn chung, những biện pháp này sẽ bóp méo giá cả và các tín hiệu thị trường khác, vốn là cơ sở để các tác nhân kinh tế ra quyết định. Hệ quả là nguồn lực khan hiếm của nền kinh tế - vốn, lao động, đất đai và tài nguyên - sẽ bị phân bổ một cách không hiệu quả, thậm chí lãng phí. Điều này càng dễ trở nên nghiêm trọng khi các biện pháp hành chính được sử dụng trong các điều kiện khẩn cấp.
Thứ ba, khác với sự vận hành của thị trường, các quyết định hành chính thường có tính tùy định rất cao, và do vậy mở ra rất nhiều cơ hội cho hành vi trục lợi. Kinh nghiệm của bản thân nền kinh tế Việt Nam cho thấy bất kỳ khi nào tồn tại cơ chế hai giá thì một số người sẽ tìm đủ mọi cách để hưởng lợi từ sự chênh lệch giá không lành mạnh này. Nghiêm trọng hơn, vì các quyết định hành chính thường không có tính dự báo trước nên chúng là một nguồn gốc gây ra sự bất trắc và rủi ro cho các tác nhân tham gia thị trường và cho toàn nền kinh tế.
Thứ tư, các quyết định hành chính thường khó có thể lường hết được phản ứng của thị trường; thậm chí ngay cả khi lường trước được thì cũng khó có thể phản ứng lại một cách hiệu quả do bản chất cứng nhắc cố hữu của các biện pháp hành chính. Chẳng hạn như biện pháp cấm kinh doanh vàng miếng có thể bị lách qua một cách dễ dàng bằng một vài thủ thuật đơn giản để biến chúng thành vàng trang sức - như đục một lỗ nhỏ trên tấm vàng để đeo dây, hay chuyển hình dạng miếng vàng từ hình chữ nhật sang hình chiếc lá sen hay lá súng...
Thứ năm, các biện pháp hành chính thường có tính áp đặt, khiến nhiều giao dịch trên thị trường không theo ý chí của các bên tham gia. Khi ấy, có thể xảy ra ba khả năng: Hoặc là giao dịch không thể thực hiện được; hoặc là một hay một số bên nào đó bị thiệt hại do bị xử ép; hoặc các bên sẽ cùng bắt tay nhau để lách luật. Trường hợp thứ nhất làm triệt tiêu thị trường, trường hợp thứ hai gây ra sự bất công, còn trường hợp thứ ba gây ra rủi ro pháp lý cho các bên do phải dối trá một cách không mong muốn.
Như vậy, một cách lý giải khác cho tính hiệu lực của các biện pháp hành chính là “hệ điều hành” kinh tế của chúng ta vẫn quen với các công cụ hành chính cũ mà chưa thích nghi được với các công cụ điều tiết và chính sách mới của cơ chế thị trường. Nói cách khác, về phương diện quản lý kinh tế, chúng ta vẫn sử dụng một “hệ điều hành” cũ trong một nền kinh tế đã khác trước rất nhiều - mở cửa, hội nhập rộng rãi về thương mại và đầu tư, các dòng vốn nước ngoài chảy vào khá tự do, và khu vực ngoài nhà nước đã chiếm tới hai phần ba nền kinh tế.
Cách lý giải này cho thấy cải cách cơ cấu không chỉ cần thiết cho nền kinh tế mà cho ngay bản thân “hệ điều hành” của nền kinh tế ấy. Khi trong “hộp công cụ” của các nhà làm chính sách luôn thủ sẵn các biện pháp hành chính thì tâm lý thường trực sẽ là sử dụng công cụ này mỗi khi không biết xoay xở thế nào. Tâm lý và thói quen này sẽ ngăn cản nền kinh tế vận hành theo các quy luật khách quan của cơ chế thị trường, do vậy làm giảm sức sống, hiệu quả, và tiềm năng phát triển của nền kinh tế.
Cải cách cơ cấu, một lần nữa, phải bắt đầu bằng đổi mới tư duy căn bản về vai trò của Nhà nước và của thị trường. Cần thấu hiểu rằng thị trường là một thể chế song hành một cách khách quan chứ không đơn thuần nằm dưới và chịu sự chi phối có tính tùy định của Nhà nước. Đồng thời, mặc dù các biện pháp hành chính có thể cần thiết trong trường hợp “cấp cứu” nhưng bản thân chúng mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực, và vì vậy cần rất thận trọng mỗi khi sử dụng.
_______
(*) Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright