Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà sản xuất dệt may ‘gồng mình’ chờ gói hỗ trợ đi vào thực tế

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhu cầu thị trường quốc tế yếu dần, cộng thêm các điều kiện tài chính khắc nghiệt khiến lượng hàng tồn kho dệt may tăng 25%, đơn hàng giảm giá đến 50% nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải duy trì sản xuất trong tâm thế cầm cự.

Trong bối cảnh đó, Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), bên lề Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023 diễn ra ngày 10-5 vừa qua, về các chính sách hỗ trợ cần thiết, giúp ngành dệt may không chỉ vượt qua cơn bão hiện nay mà hướng đến phát triển trong dài hạn.

Đại diện Vitas cho biết ngành dệt may cần rất nhiều vốn để đáp ứng nhu cầu từ thị trường quốc tế. Ảnh: TL

- KTSG Online: Từ cuối năm ngoái cho đến nay, nhu cầu từ thị trường quốc tế đã giảm mạnh và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam. Ông có chia sẻ gì về thực trạng hiện nay?

Ông Trương Văn Cẩm: Từ cuối quí 3 năm ngoái, các doanh nghiệp đứng trước nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm 15-20%. Đơn giá cũng giảm mạnh từ 20-30%, cá biệt có đơn hàng giảm giá tới 40-50% so với trước.

Đến quí 1 năm nay, tình hình không cải thiện mà có chiều hướng xấu đi. Do nhiều yếu tố khó đoán định, tăng trưởng GDP thế giới tiếp tục suy giảm trong khi lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng giảm. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp tiếp tục thiếu đơn hàng hoặc phải chấp nhận sản xuất đơn hàng giá thấp để duy trì việc làm cho người lao động.

Riêng với ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu quí 1 chỉ đạt 8,7 tỉ đô la Mỹ, giảm 18,6% so với cùng kỳ. Trước đó chúng tôi dự báo tình hình ảm đạm này sẽ kéo dài hết quí 2, nhưng nay thì hi vọng đến quí 4 thị trường mới có thể ấm trở lại.

Năm ngoái, giới kinh doanh đối mặt không chỉ nhu cầu suy giảm mà điều kiện thị trường tài chính cũng khó khăn, đặc biệt là câu chuyện mặt bằng lãi suất cao. Tình hình từ đầu năm đến nay thế nào thưa ông?

Áp lực tài chính năm nay, theo tôi, còn lớn hơn nhiều so với năm 2022. Trong sáu tháng đầu năm ngoái, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khá thuận lợi, đơn hàng dồi dào và có giá tốt. Mặc dù từ cuối quí 2-2022, các doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn, nhưng nhìn tổng thể cả năm chưa phải là một bức tranh ảm đạm.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, áp lực tài chính xuất hiện từ cuối năm 2022 tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Rất nhiều doanh nghiệp phải sử dụng các nguồn dự trữ hoặc đã phải sa thải nhân công, giảm giờ làm, sản xuất cầm chừng để duy trì lực lượng lao động. Thực tế sau khi dịch Covid-19 hạ nhiệt, nhiều khách hàng đã đặt lượng hàng rất lớn nhưng nay không tiêu thụ được, hàng tồn kho tăng 20-25% so với bình thường.

Cụ thể là những áp lực tài chính gì thưa ông?

Thứ nhất là lãi vay cao. Thứ hai là áp lực trả nợ vay và lãi vay trong khi tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, mặt bằng lãi suất trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao. Mặt khác, nhu cầu vốn của ngành dệt may là rất lớn, để chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, kinh doanh tuần hoàn, truy soát nguồn gốc về lao động và môi trường để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu như thị trường EU hay Mỹ,…

Vậy đâu là điều ông lo ngại nhất hiện nay?

Trong trường hợp chiến tranh Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, các bên liên quan tiếp tục đưa ra các lệnh trừng phạt lẫn nhau, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới, lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới ở mức cao và vẫn chưa thực sự được kiểm soát, có thể dẫn tới việc Fed tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao.

Tăng trưởng chậm kết hợp với lạm phát cao có thể dẫn đến tình trạng “lạm phát đình trệ” tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU. Theo tôi, đây sẽ là biến số đáng lo ngại nhất ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam và là trở ngại lớn trong nỗ lực đưa lãi suất tiếp tục giảm thời gian tới.

Chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đều cho rằng cần cải thiện hiệu quả chính sách tiền tệ bằng nhiều giải pháp khác nhau, từ tăng cường đầu tư công đến cải thiện thị trường vốn thay vì dựa vào dòng tiền từ nhà băng. Ảnh: SGT.

Nói về chính sách tiền tệ, định hướng nới lỏng hiện có thể thấy rõ, nhưng sự hiệu quả vẫn là dấu hỏi lớn nếu thiếu đi sự kết hợp từ chính sách tài khóa hay các chính sách hỗ trợ khác. Theo ông, hiệu quả phối hợp các chính sách hiện nay đang ở mức độ nào?

Đúng là cần phải có sự phối hợp giữa các chính sách và các đơn vị điều hành chính sách mới có thể gia tăng hiệu quả chính sách tiền tệ.

Theo tôi, hiệu quả phối hợp đã có cải thiện đáng kể, tuy chưa được như mong muốn. Chẳng hạn như việc đẩy mạnh đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhưng một số địa phương thực hiện còn chậm. Chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường vốn nhận được nhiều sự quan tâm nhưng đây lại là thị trường lớn và phức tạp. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ với gói 40.000 tỉ đồng từ ngân sách để giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế nhưng đến nay chưa nhiều doanh nghiệp tiếp cận được.

Vậy ông có những đề xuất nào để cải thiện tình hình?

Thứ nhất là với các gói hỗ trợ đã công bố, cần phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân bằng những điều kiện tiếp cận cụ thể, phù hợp và đơn giản hơn so với hiện nay, nhất là gói giảm lãi suất 2%.

Thứ hai là hệ thống ngân hàng cần cơ cấu lại hạn mức cho vay giữa các lĩnh vực, ngành nghề để tránh phát triển nóng ở ngành này nhưng lại mất cân đối ở ngành khác, dễ dẫn đến rủi ro khi gặp biến động. Chẳng hạn, riêng ngành dệt may, ngành xuất khẩu chủ lực chiếm tỷ trọng 12% kim ngạch xuất khẩu cả nước và lực lượng lao động chiếm 25% toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhưng dư nợ tín dụng chỉ chiếm 1,5%, tức khoảng 150.000 tỉ đồng. Trong khi đó ngành hiện có nhu cầu vốn rất lớn cho chương trình xanh hóa, năng lượng tái tạo, kinh doanh tuần hoàn, phát triển nguồn nguyên phụ liệu,…

Một chính sách được ban hành kịp thời nhưng cần phải triển khai ngay là Thông tư 02 về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để tháo gỡ khó khăn. Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Họ phải gồng mình lo đơn hàng sản xuất để không phải, hoặc hạn chế sa thải nhân công, trong khi đơn giá giảm sâu. Thậm chí nhiều doanh nghiệp phải nhận cả những đơn hàng không phải thế mạnh của mình nên năng suất rất thấp.

Bên cạnh việc triển khai kịp thời Thông tư 02, tôi cho rằng Việt Nam cũng nên có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may phát triển bền vững, chuyển đổi xanh để đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Ví dụ như trường hợp của Bangladesh gần đây họ đã giảm thuế thu nhập 2% cho các công ty đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới