(KTSG Online) – Vừa “chiêu đãi” khán giả ở rạp với Đảo Độc Đắc – Tử Mẫu Thiên Linh Cái, nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng, cũng có dịp đánh giá lại một năm đầy thách thức với điện ảnh Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Ông chia sẻ đây là giai đoạn đội ngũ sản xuất cần nỗ lực gấp bội để phục hồi phong độ và không ngừng tiến lên trong năm tới.
- Rạp phim TPHCM đóng cửa, 4 phim Việt dành cho Tết hủy chiếu
- Nhiều tỉnh thành cho phép vũ trường, rạp phim hoạt động trở lại
Chờ thời điểm “vàng” cho phim rạp
Là một trong hai nhà sản xuất phim Đảo Độc Đắc – Tử Mẫu Thiên Linh Cái, ông Nguyễn Cao Tùng cũng được nhiều người biết đến với vai trò sản xuất các phim chiếu rạp khác như Thất Sơn Tâm Linh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho em gần anh thêm chút nữa, Chí Phèo ngoại truyện, Cô gái đến từ hôm qua, Siêu sao siêu ngố... Quay lại đường đua phim Việt cuối năm 2022 với dự án phim kinh dị, ông Tùng nhìn thấy những khó khăn của nhà làm phim gặp phải đang đến từ nhiều phía khác nhau cùng một lúc.
Đầu tiên, ông chỉ ra những công ty sản xuất không đủ nguồn lực tài chính, phải phát hành phim gấp ra thị trường để giải quyết vấn đề dòng tiền, cũng như sức ép của nhà đầu tư, khiến nhiều phim phát hành vội, hậu quả là phim chất lượng thấp.
Thứ hai, việc thiếu phim Việt lên sóng khiến một số nhà phát hành chấp nhận cả những phim chưa đủ tiêu chuẩn ra rạp, trong đó có cả những phim tốt nghiệp của sinh viên. Thứ ba, nhìn từ thực tế, các nhà đầu tư đã bị kiệt sức sau hai mùa Covid-19, cộng thêm nền kinh tế trong nước và thế giới đang không phát triển tốt, nhiều yếu tố vĩ mô bất lợi như chứng khoán, bất động sản, thất nghiệp... khiến sức mua ở rạp rất yếu. Cuối cùng có thể kể đến là lạm phát khiến chi phí sản xuất, phát hành và quảng bá phim tăng cao.
“Tình hình chung là khó khăn với bất kỳ nhà làm phim nào. Chúng tôi còn đùa nghề làm phim là nghề nghiệp quật, cực khổ và bị nhiều áp lực từ xã hội, công chúng và truyền thông nhưng vì đam mê, chúng tôi vẫn cố gắng nỗ lực gấp đôi để được làm phim”, ông tâm sự.
Bằng chứng là đội ngũ sản xuất luôn dành nhiều thời gian để làm kịch bản và chuẩn bị cho một bộ phim với tối thiểu hai năm lên ý tưởng, công tác tiền sản xuất sao cho chỉn chu, chất lượng, nhà sản xuất nói thêm.
Trải qua hai năm phim rạp vắng bóng, nhiều dự án quay lại “hồi phục” đường đua dịp cuối năm, tuy vậy ông Tùng đánh giá đây vẫn không phải là thời điểm tốt cho phòng vé vực dậy như trước. Theo ông, sức mua đang thấp, cộng thêm một giai đoạn quá nhiều phim Việt kém chất lượng. Trong khi đó, khán giả được xem quá nhiều sản phẩm hay trên hệ thống VOD, app trả phí, nền tảng mạng xã hội khiến ý định mua vé của họ đối với phim Việt trở nên ít lại, trừ những phim thật sự đủ nội lực lôi người ta đến rạp. “Cá nhân tôi nghĩ do kỳ vọng khán giả Việt vào phim nhà rất cao nên họ khó khăn hơn khi đánh giá hay quyết định mua vé xem phim”, ông nhấn mạnh.
Ông cũng chỉ ra các nhà làm phim cần một giai đoạn lấy lại niềm tin cho khán giả Việt, phục hồi sức mua (từ nền kinh tế) ít nhất phải đến giữa năm 2023. Riêng các phim điện ảnh chuẩn bị “trình” dịp Tết Nguyên Đán 2023 có chất lượng đáng mong chờ. Ông Tùng hy vọng những sản phẩm này có thể hâm nóng thị trường và kéo khán giả lại gần phim Việt hơn.
Niềm “tự hào dân tộc” của khán giả
Sau khi ra mắt Đảo Độc Đắc – Tử Mẫu Thiên Linh Cái vào tháng qua, ông Cao Tùng nhìn nhận việc phát hành phim lần này mình không đưa ra quá nhiều kỳ vọng “thắng lớn”. Ông giải thích dòng phim kinh dị là dòng phim ngách, khó bùng nổ phòng vé trăm tỷ như các thể loại khác nên định vị của ekip sản xuất chỉ là một phim kinh dị vào mùa lễ với doanh thu vừa phải ở rạp, đủ hòa vốn vì bản chất phim đã bán được giá ở thị trường VOD (video theo yêu cầu).
Ông Tùng cũng đồng tình với quan điểm người xem ngày càng yêu cầu cao hơn cho điện ảnh Việt. Cụ thể, ông thường ngồi trong rạp xem phim cùng khán giả trẻ. “Tôi nhìn thấy họ mong chờ rất nhiều cho sản phẩm nước mình. Đây là một điều tốt, kiểu tự hào dân tộc. Ví dụ như cùng một miếng hài hình thể, hài nhiều bằng thoại, với phim nước khác thì khán giả Việt dễ dàng chấp nhận, nhưng với phim Việt Nam thì họ cho rằng như vậy là bựa, dơ sân khấu... Điều này đem lại áp lực lớn hơn cho các nhà sản xuất và đạo diễn”, ông bày tỏ.
Nhìn chung, tỷ lệ thị trường phim ở bất kỳ quốc gia nào là phim thắng doanh thu bằng khoảng 5-15% tổng số phim phát hành một năm, nên tỷ lệ số lượng phim thắng – thua của năm 2022 ở Việt Nam là bình thường. Ở Hàn Quốc, không phải bất kỳ phim điện ảnh được sản xuất là sẽ ra rạp và tỷ lệ rất ít những phim phát hành thành công mới được đem đi chiếu ở Việt Nam. Tương tự là những phim Mỹ, Thái... cũng đã được chọn lọc như vậy trước khi có mặt ở nước ta. Ở các thị trường đó, tỷ lệ thắng thua còn khắc nghiệt hơn, ông giải thích. Nếu làm phim thì có phim hay phim dở, một nhà sản xuất thành công chỉ có thể đảm bảo một tỷ lệ nhất định chứ khó có nhà sản xuất nào đảm bảo tỷ lệ thắng 100% các phim.
Tuy nhiên theo ông Tùng, các nhà sản xuất phải đảm bảo chất lượng tối thiểu đối với dòng phim điện ảnh (phim chiếu rạp) khi ra rạp. Nếu nhà làm phim cứ vô tư tung những phim không đủ chất lượng, hay nhà phát hành dễ dãi trong việc chọn lựa phim chiếu, thì khán giả Việt sẽ càng tẩy chay phim nước nhà. Thị trường Thái Lan đang bị tình trạng này trong các năm gần đây và vẫn chưa hoàn toàn hồi phục được niềm tin của khán giả. Sự dễ dãi của nhà sản xuất và nhà phát hành có thể làm tổn thương khán giả Việt Nam trong thời gian rất lâu, ông dẫn chứng.
Khi số lượng phim một năm giảm về chỉ 40-50 phim/năm so với trước đại dịch, nghĩa là cơ hội làm nghề, thực hành của nhà sản xuất, đạo diễn và biên kịch đều giảm đi. Cũng vì lý do này, ông cho rằng nền điện ảnh Việt đang thiếu toàn diện và quan trọng là thiếu cơ hội. “Trong khi đó ngành này đòi hỏi chúng tôi, những người làm sản xuất, đạo diễn, biên kịch phải thực hành thật nhiều, làm nhiều mới nâng cao kỹ năng như một vòng luẩn quẩn con gà và quả trứng”, ông giải thích thêm.
Được biết, đội ngũ có nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng đang “thai nghén” những dự án khác nhau một thời gian dài để phục vụ khán giả ngày càng nâng cao cảm thụ. Ví dụ phim Số Đỏ đã được ekip mua bản quyền chuyển thể và phát triển kịch bản gần năm năm, hay Cầu Vong Phách của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, chuyển thể từ truyện của nhà văn Thục Linh, cũng là dự án được đội tập trung hai năm nay và hy vọng bấm máy kịp trong năm 2023.