Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà sản xuất thịt heo ở Trung Quốc đối mặt thua lỗ, phá sản

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá thịt heo ở Trung Quốc suy yếu dai dẳng và đã giảm khoảng 40% so với mức đỉnh vào năm 2022. Với tình hình thị trường không có khả năng cải thiện sớm, nhiều nhà sản xuất thịt heo ở đất nước đông dân thứ hai thế giới đang đối mặt thua lỗ, phá sản.

Jiangxi Zhengbang Technology, công ty sản xuất thịt heo lớn thứ 6 ở Trung Quốc, phá sản vào cuối năm 2022 và buộc phải tái cơ cấu nợ. Ảnh: IC Photo

Thịt heo chiếm đến 60% lượng tiêu thụ thịt của Trung Quốc nhưng giá mặt hàng này chưa thoát ra được đợt sụt giảm kéo dài. Giá heo hơi tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, giao dịch ở mức khoảng 14 nhân dân tệ (1,93 đô la)/kg vào hôm 16-4.

Mức đỉnh gần đây nhất của giá heo hơi trên sàn giao dịch này là 26 nhân dân tệ/kg, được thiết lập vào tháng 10-2022. Nhưng vào cuối năm đó, giá heo hơi heo giảm 40% xuống còn khoảng 15 nhân dân tệ/kg và chưa bao giờ tăng lên trên mức 20 nhân dân tệ kể từ đó.

Số lượng đàn heo ở Trung Quốc giảm mạnh trong giai đoạn 2018- 2021 do dịch tả heo châu Phi bùng phát. Sau đó, Bắc Kinh khuyến khích mở rộng chăn nuôi heo nhằm ổn định nguồn cung.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố hôm 11-4, sản lượng thịt heo của Trung Quốc trong năm 2024 dự kiến đạt khoảng 56 triệu tấn. Dù thấp hơn mức của năm ngoái nhưng con số này cao hơn khoảng 50% so với khoảng 36 triệu tấn được sản xuất vào năm 2020 và cũng cao hơn so với năm 2017, trước khi dịch tả heo châu Phi lan rộng. Fitch Ratings dự báo tình trạng dư thừa nguồn cung thịt heo ở Trung Quốc có thể kéo dài sang quí 2-2024.

“Do tác dụng của các biện pháp chính sách mạnh mẽ như áp đặt mục tiêu về số lượng đàn heo, thị trường ngày càng dễ rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung”, Kenshi Momosaki, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách thuộc Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản, nói.

Trước đây, khi giá thịt heo sụt giảm kéo dài do dư cung, nông dân Trung Quốc ngừng chăn nuôi heo và một số chủ trang trại chăn nuôi heo nhỏ phá sản. Điều này khiến nguồn cung thiếu hụt và thúc đẩy giá tăng mạnh. Vòng tròn này lặp đi lặp lại tạo ra chu kỳ tăng giảm giá trên thị trường thịt heo.

Ruan Wei, chuyên gia của Viện nghiên cứu Norinchukin (Nhật Bản), nói: “Các công ty sản xuất thịt heo ở Trung Quốc đang chống chịu bất ổn tốt hơn nhờ vốn và quy mô tăng lên, không còn dễ dàng sụp đổ ngay cả khi giá giảm. Điều này khiến cơ chế tự phục hồi giá thịt heo kém hiệu quả hơn”.

Nhưng các công ty chăn nuôi heo lớn đang đứng trước áp lực lớn. Hồi tháng 1, Muyuan Foods, công ty sản xuất thịt heo lớn nhất Trung Quốc, bán hơn 60 triệu con heo mỗi năm, ước tính mức lỗ trong năm 2023 khoảng 3,8 - 4,6 tỉ nhân dân tệ (540-650 triệu đô la Mỹ).

Theo thông tin công bố gần đây, Muyuan Foods đã bán heo hơi với giá 13,84 nhân dân tệ/kg trong 2 tháng kết thúc vào ngày 29-2, so với chi phí 15,8 nhân dân tệ/kg, dẫn đến thua lỗ 2,3 tỉ nhân dân tệ.

Wens Foodstuff Group, nhà sản xuất thịt heo lớn thứ 3, cũng trong tình trạng tương tự, bán heo hơi với giá 14,02 nhân dân tệ/kg, so với chi phí 15,6 nhân dân tệ/kg.

Một số nhà sản xuất thịt heo lớn cũng đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Jiangxi Zhengbang Technology, công ty sản xuất thịt heo lớn thứ 6 ở Trung Quốc tính đến năm 2022, đã phá sản vào cuối năm đó và buộc phải tái cơ cấu nợ. Đầu năm nay, công ty cảnh báo nguy cơ bị hủy niêm yết khỏi Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến do tổng nợ lớn hơn tài sản trong 2 năm liên tiếp.

Aonong Group, nhà sản xuất thịt heo lớn thứ 7 ở Trung Quốc, đang đối mặt với khoản nợ quá hạn ngày càng tăng do thu nhập suy giảm. Gần đây, tòa án đã chấp thuận yêu cầu của các chủ nợ về việc tái cơ cấu đối với Aonong Group sau khi công ty không trả được các khoản nợ đến hạn. Aonong lưu ý, công ty có thể phải đối mặt với nguy cơ phá sản nếu tái cơ cấu thất bại.

Sự gia tăng các vụ phá sản của các công ty sản xuất thịt heo lớn có thể dẫn đến những cú sốc nguồn cung bất ngờ trong tương lai.

Chính phủ Trung Quốc đang bắt đầu thực hiện các biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng dư thừa nguồn cung thịt heo. Hồi đầu tháng 3, Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc công bố mục tiêu giảm số lượng đàn heo nái xuống mức 39 triệu con so với mục tiêu 41 triệu con vào năm 2021.

“Nếu tình trạng dư cung được giải quyết, đó có thể là yếu tố đẩy giá thịt heo ở Trung Quốc tăng trở lại”, Li Xuelian, nhà phân tích cấp cao của Viện nghiên cứu Marubeni (Nhật Bản), nhận định.

Giá thịt heo có tác động đáng kể đến xu hướng giá tiêu dùng ở Trung Quốc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 của Trung Quốc tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 3% của chính phủ trong năm nay. Áp lực giảm phát ở Trung Quốc có thể dịu lại ở mức độ nhất định nếu giá heo bắt đầu tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm số lượng đàn heo cũng có thể tác động đến thị trường ngũ cốc toàn cầu. Nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc giảm sẽ gây áp lực giảm giá các loại ngũ cốc sử dụng để chế biến thức ăn chăn nuôi như bắp và đậu nành trên thị trường quốc tế.

Theo Nikkei Asia, Caixin Global

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới