(KTSG Online) – Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, đại diện cho Đảng Cộng hòa, đang tiến đến gần hơn thỏa thuận tăng trần nợ công, hiện ở mức 31,4 nghìn tỉ đô la sau khi thu hẹp đáng kể các bất đồng. Thỏa thuận này dự kiến nâng giới hạn nợ của chính quyền liên bang và cắt giảm chi tiêu khoảng 1.000 tỉ đô la trong hầu hết lĩnh vực trong hai năm tới.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết thỏa thuận trên chỉ cho phép tăng chi tiêu tùy ý (các khoản chi tiêu được quốc hội phê duyệt) cho quân đội và cựu chiến binh, nhưng về cơ bản cơ bản giữ chi tiêu tùy ý phi quốc phòng như các mức năm của năm hiện tại. Vị quan chức này nói rằng thỏa thuận này chưa phải là cuối cùng và cần tiếp tục cần thảo luận thêm các chi tiết.
Các nguồn tin của hãng tin Bloomberg cho biết thêm chi tiêu quốc phòng sẽ được phép tăng 3% vào năm tới theo yêu cầu của Tổng thống Joe Biden.
Thỏa thuận cũng sẽ bao gồm quy định cho phép nâng cấp lưới điện quốc gia để cung cấp năng lượng tái tạo, đồng thời đẩy nhanh việc cấp giấy phép cho các đường ống và các dự án nhiên liệu hóa thạch khác mà đảng Cộng hòa ủng hộ.
Thỏa thuận sẽ cắt giảm 10 tỉ đô la từ khoản tăng ngân sách chi tiêu 80 tỉ đô la cho Sở Thuế vụ liên bang. Đảng Dân chủ cho rằng khoản tăng ngân sách này là cần thiết để tuyển dụng thêm các kiểm toán chống gian lận thuế.
Theo một nguồn thạo tin khác, thỏa thuận cuối cùng sẽ chỉ định tổng số tiền mà chính phủ Mỹ có thể chi cho các chương trình tùy ý như nhà ở và giáo dục. Nhà Trắng và phe Cộng hòa chỉ còn bất đồng đối với khoảng 70 tỉ đô la chi tiêu tùy ý trên tổng số cắt giảm chi tiêu khoảng 1 nghìn tỉ đô la.
Tổng thống Joe Biden xác nhận các bên vẫn chưa thống nhất về việc nên cắt giảm ở đâu nhưng ông nhấn mạnh ông không ủng hộ cắt giảm những khoản chi tiêu có thể gây ảnh hưởng đối với tầng lớp trung bình của Mỹ.
Nội dung của thỏa thuận nợ trần hiện tại ít tham vọng hơn so với những gì mà đảng Cộng hòa đề xuất ban đầu: chỉ đồng ý tăng trần nợ công đến tháng 3 năm sau với điều kiện chính phủ giới hạn chi tiêu tùy ý trong 10 năm tới.
“Chúng tôi vẫn chưa đạt thỏa thuận. Chúng tôi biết điều này sẽ không dễ dàng”. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy nói với các phóng viên vào tối 25-5 và cho biết sẽ tiếp tục đàm phán trong các ngày cuối tuần,
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs nói rằng có khả năng cao thỏa thuận sẽ đạt được vào ngày 26-5.
Hạ nghị sĩ Kevin Hern, người đứng đầu Ủy ban Nghiên cứu đảng Cộng hòa, cũng dự đoán thỏa thuận có thể đạt được vào chiều 26-5 (theo giờ Mỹ).
Nhiều hãng xếp hạng tín dụng như Fitch, Moody's, Scope Ratings, DBRS Morningstar cảnh báo sẽ xem xét hạ bậc tín dụng của Mỹ nếu các bên không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công. Trong cuộc khủng hoảng về trần nợ công của Mỹ vào năm 2011, Standard & Poor’s hạ bậc tín dụng dài hạn của Mỹ từ AA+ xuống AAA.
Nếu thỏa thuận tăng trần nợ công sớm đạt được, Hạ viện Mỹ có khả năng bỏ phiếu cho thỏa thuận vào ngày 30-5. Sau đó, Thượng viện Mỹ cũng sẽ tìm cách bỏ phiếu thông qua nhanh chóng để gửi thỏa thuận đến tới bàn làm việc của của Tổng thống Joe Biden trước ngày 1-6, thời điển mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bộ của bà có thể không còn tiền để chi tiêu.
Ngày 2-6 là thời hạn thanh toán an sinh xã hội cho hàng triệu hưu trí ở Mỹ. Điều này cũng gây áp lực buộc các nhà chính trị chạy đua giải quyết các bất đồng liên quan đến thỏa thuận tăng trần nợ công.
“Người dân Mỹ xứng đáng được biết rằng các khoản an sinh xã hội của họ sẽ được thanh toán, các bệnh viện dành cho cựu chiến binh vẫn mở cửa và tiến bộ kinh tế sẽ tiếp tục. Nếu chính phủ vỡ nợ, tất cả những điều này đều chịu rủi ro. Các nhà lãnh đạo quốc hội hiểu điều đó và họ nhất trí rằng : Sẽ không có vỡ nợ”, Tổng thống Joe Biden nói trong trong bài phát biểu ngày 25-5 tại Nhà Trắng.
Theo Reuters, Bloomberg