Nhà trường - phụ huynh: ai là bên yếu thế?
Ngô Việt Hòa
(TBKTSG) - Gần đây báo chí, mạng xã hội phản ánh nhiều bất đồng sâu sắc giữa các trường tư thục và phụ huynh về việc thu học phí trong kỳ học trực tuyến (online) chưa có tiền lệ đang diễn ra. Xung đột chuyện này chuyện kia giữa nhà trường và phụ huynh thực tế đã xảy ra đâu đó từ rất lâu và đây là dịp tốt để soi xét phần nào mối quan hệ này dưới con mắt luật pháp, cũng như các khía cạnh liên quan khác.
Học phí trường tư mùa dịch Covid: Mỗi trường xử lý một kiểu
Lạm thu trong trường học - vì đâu nên nỗi?
Học sinh tại một kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh minh họa Thành Hoa. |
Nhìn chung phụ huynh là bên yếu thế
Luật pháp coi quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh là quan hệ hợp đồng giữa bên cung cấp dịch vụ giáo dục và bên sử dụng dịch vụ giáo dục. Khi đồng ý cho con em nhập học, phụ huynh đã giao kết với nhà trường một hợp đồng dịch vụ giáo dục.
Các hợp đồng dịch vụ giáo dục thường là các hợp đồng mẫu và bao gồm cả các quy định và nội quy chung của nhà trường như là các cam kết mà phụ huynh, học sinh phải tuân thủ. Như các hợp đồng mẫu khác, khách hàng (phụ huynh) gần như không có cơ hội đàm phán về các điều khoản và điều kiện của hợp đồng do nhà trường đưa ra. Một khi họ đồng ý cho con nhập học thì phải chấp nhận các quy định của hợp đồng mẫu. Không chỉ thế, trên thực tế nhiều khi phụ huynh còn phải chấp nhận ràng buộc với các thay đổi quan trọng mà nhà trường đưa ra một cách đơn phương trong quá trình học tập của con họ tại trường.
Ví như trong tình huống nhà trường đóng cửa, phải tổ chức học trực tuyến vì đại dịch như hiện nay chẳng hạn, một số trường tự ý đưa ra các quyết định về học phí mà không hề tham vấn trước ý kiến của phụ huynh.
Nếu bất tuân sự thay đổi đơn phương của nhà trường, phụ huynh dường như chỉ còn một lựa chọn: chuyển trường cho con. Tuy nhiên, việc chuyển trường không phải lúc nào cũng là một lựa chọn dễ dàng và “miễn phí”. Cái giá phải trả không chỉ về mặt tài chính mà quan trọng hơn là ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường về tâm sinh lý, học tập, nhân cách, sự thích nghi của các con.
Các con sẽ phải xa rời thầy cô, bạn bè thân quen, có thể sẽ gặp phải những sang chấn tâm lý trong một thời gian dài, và hẳn cũng mất một thời gian dài nữa để thích nghi với môi trường học tập ở ngôi trường mới. Tóm lại là ảnh hưởng rất lớn và khó đong đếm được bằng tiền.
Nhưng phụ huynh được bảo vệ với tư cách là người tiêu dùng
Luật pháp thường phải dự liệu và có các quy định để bênh vực các bên yếu thế. Phụ huynh - với tư cách là bên yếu thế - rất may cũng đã được luật pháp soi xét đến. Cụ thể hơn, hợp đồng dịch vụ giáo dục một mặt là một hợp đồng dân sự thông thường, là sự thỏa thuận giữa các bên về cung cấp và tiếp nhận dịch vụ giáo dục, nhưng mặt khác nó còn là một giao dịch giữa đơn vị kinh doanh (nhà trường) và người tiêu dùng (phụ huynh) và do đó phụ huynh còn được bảo vệ bởi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Như tên gọi của nó, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là để bảo vệ người tiêu dùng - người yếu thế hơn - khỏi các áp đặt, đối xử bất bình đẳng, bất công, lạm dụng và nhiều hành vi gây bất lợi cho người tiêu dùng khác của bên kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Vì thế, luật đưa ra những quy định buộc doanh nghiệp phải tuân thủ, không được làm khác hay nói đúng hơn là hạn chế quyền tự do hợp đồng, quyền tự do “áp đặt lối chơi” của doanh nghiệp trong quan hệ với khách hàng là người tiêu dùng. Nôm na hơn, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là chốt chặn của sự lạm quyền trong quan hệ hợp đồng.
Trong đại dịch Covid-19 đang diễn ra, phụ huynh hoàn toàn có thể viện dẫn đến các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để từ chối các quyết định đơn phương từ phía nhà trường (nếu có), qua đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Chẳng hạn như điều 10.3(b) của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định doanh nghiệp không được lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc người tiêu dùng giao dịch. Như vậy, luật pháp đã dự liệu và đề phòng trong trường hợp dịch bệnh các doanh nghiệp có thể ép buộc người tiêu dùng giao dịch. Việc nhà trường đơn phương ấn định và yêu cầu nộp học phí cho kỳ học trực tuyến có thể được diễn giải là hành động ép buộc phụ huynh giao dịch.
Một điều khác trong luật này có thể có lợi cho phụ huynh là quy định cấm doanh nghiệp yêu cầu người tiêu dùng thanh toán dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng (điều 10.5). Khi tổ chức chương trình học trực tuyến, nhà trường đã thay đổi phương thức cung cấp dịch vụ và điều luật này có thể được diễn giải theo hướng nhà trường phải thỏa thuận lại với phụ huynh về mức học phí trước khi yêu cầu phụ huynh thanh toán, dù hợp đồng dịch vụ giáo dục có quy định như thế nào đi nữa.
Hay như điều 16.1 đưa ra hàng loạt hành vi không được phép của bên kinh doanh như thay đổi điều kiện cung cấp dịch vụ, bắt người tiêu dùng tuân thủ nghĩa vụ trong khi bên kinh doanh không tuân thủ nghĩa vụ. Và còn nhiều quy định khác, dù rõ ràng hay được ẩn ý, trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể trao những quyền lực, lợi thế không nhỏ cho phụ huynh trong quan hệ với nhà trường.
Vậy rốt cuộc ai là bên yếu thế trong câu chuyện học phí?
Phụ huynh gửi gắm không chỉ niềm tin mà còn là niềm hy vọng và tương lai của họ vào bàn tay nhà trường. Ảnh minh họa Thành Hoa. |
Nhờ được luật pháp bênh vực, phụ huynh từ vị thế là bên yếu thế lại nắm các lợi thế nhất định về mặt pháp lý trong bất đồng về học phí hiện nay. Nếu bất đồng chuyển thành tranh chấp và được mang ra giải quyết, chắc chắn các lợi thế này sẽ được sử dụng.
Ngoài ra, học phí là mối quan tâm chung của hầu hết các phụ huynh nên khi không hài lòng về vấn đề này, phụ huynh sẽ có các cách để tập hợp lực lượng, dưới dạng các hội nhóm không chính thức, để đoàn kết cất lên tiếng nói chung. Cộng với việc có “chính nghĩa” nên về mặt truyền thông, phụ huynh cũng không phải là bên yếu thế so với nhà trường nếu không muốn nói là ngược lại, họ đang là bên mạnh hơn.
Thực tế cho thấy, chưa cần dùng đến các công cụ pháp lý, các cách thức phản kháng “trực tuyến” mà phụ huynh sử dụng đang tỏ ra rất hiệu quả. Theo các diễn biến mới nhất, một số trường đã phải nhượng bộ, mong được thảo luận với phụ huynh trước khi đưa ra mức thu học phí, không còn áp đặt mức thu nữa. Vậy là ít ra thì đến nay một số trường đã đang dần nhận ra vị thế thực sự của mình trong câu chuyện học phí.
Các trường cần làm gì?
Câu trả lời thật đơn giản. Nhà trường cần tham vấn trước và có sự đồng thuận (ít nhất là đa số tối thiểu) của phụ huynh về mức học phí dự định thu. Điều này một mặt để tuân thủ quy định pháp luật, mặt khác quan trọng hơn là thể hiện sự tôn trọng với phụ huynh.
Tham vấn có thể ở hình thức giải trình, minh bạch phần nào chi phí đến mức có thể, đề xuất mức thu hợp lý và có cơ sở, với sự san sẻ rủi ro giữa hai bên. Trong quá trình đối thoại, nhà trường cần tiếp nhận và lắng nghe các ý kiến đóng góp, phản biện của phụ huynh một cách cầu thị và chân thành. Tất nhiên để đi đến một giải pháp mà các bên hài lòng sẽ cần nỗ lực, thời gian và thiện chí của cả đôi bên.
Bỏ qua câu chuyện thắng thua, pháp lý hay truyền thông, thì quan hệ nhà trường và phụ huynh là mối quan hệ đặc biệt, vượt ra rất xa câu chuyện khúc mắc về tài chính.
Phụ huynh tin tưởng lựa chọn nhà trường là môi trường giáo dục cho con em vì họ tin vào các giá trị cốt lõi mà nhà trường xây dựng và theo đuổi, họ nhìn thấy những điều tốt đẹp ở nhà trường. Phụ huynh gửi gắm không chỉ niềm tin mà còn là niềm hy vọng và tương lai của họ vào bàn tay nhà trường.
Một khi đặt niềm tin, hy vọng và tương lai vào tay đối tác là nhà trường, phụ huynh tất nhiên kỳ vọng và xứng đáng nhận được sự đối xử tôn trọng và chân thành chứ không phải sự áp đặt và đối đầu từ phía nhà trường.