(KTSG Online) – Có phải tầm cao văn hóa của một nước tương xứng với “chiều sâu” thu nhập của người dân nước đó? Nếu câu trả lời là “phải” thì chiếu theo tiền đề này, có thể thấy rằng trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia phần nào phản ảnh “văn hóa” của nước đó, ít nhất qua chỉ số HDI.
Trong Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia vừa được thông qua tại kỳ họp bất thường của Quốc hội thứ Hai tuần này, có một điểm đáng chú ý liên quan đến khía cạnh con người. Văn bản này ghi rõ: “Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc…”(1).
Hôm thứ Bảy tuần trước, nhận xét về chỉ số HDI trong dự thảo nghị quyết, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh từ tỉnh Bình Định cho rằng trong giai đoạn 2031 đến 2050, đây là “mục tiêu có định lượng” giúp Việt Nam vạch ra kế hoạch thực hiện được con số nêu trên(2).
Xin nói thêm, theo Tổng cục Thống kê, “chỉ số phát triển con người (HDI) là thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện: sức khỏe (thể hiện qua tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh); tri thức (thể hiện qua chỉ số giáo dục); và thu nhập (thể hiện qua tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người). HDI nhận giá trị từ 0 đến 1. HDI càng gần 1 có nghĩa là trình độ phát triển con người càng cao, trái lại càng gần 0 nghĩa là trình độ phát triển con người càng thấp”(3).
Còn theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng đều đặn và đáng kể qua các năm, từ 0,682 năm 2016 lên 0,706 năm 2020(4). Nhờ vậy, Việt Nam từ nhóm quốc gia có HDI trung bình từ năm 2018 trở về trước đã gia nhấp nhóm đạt mức cao trong các năm 2019 và 2020.
Đối với vấn đề văn hóa, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh khẳng định văn hóa phải đặt ngang tầm kinh tế. Xin cám ơn ông vì đã phần nào đó khẳng định phát triển kinh tế phải mang bộ mặt con người thông qua vấn đề văn hóa trên diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên, theo ông, “…hiện Việt Nam chưa có đủ đội ngũ các nhà văn hóa để phát triển văn hóa”(5).
Đối với nhiều nhà nghiên cứu, văn hóa là một trong những khái niệm phức tạp nhất của nhân loại. Đã có vô số định nghĩa về văn hóa được chấp nhận rộng rãi. Trong khuôn khổ bài báo này, chỉ lấy hai ví dụ để minh họa cho ý trên.
Thứ nhất, giáo trình Nhập môn văn hóa – xã hội dành cho sinh viên ngành ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM(6). Giáo trình này nêu các khái niệm văn hóa – từ “cao cấp” đến “bình dân”, từ văn hóa theo quan điểm nhân chủng học đến khái niệm văn hóa như là tư tưởng và hành vi được định hình của con người. Giáo trình phân loại các định nghĩa văn hóa hiện có theo các nhóm sau (tạm dịch từ nguyên bản tiếng Anh): (1) văn hóa bao gồm tất cả những gì nằm trong một danh sách các chủ đề hoặc phạm trù – như tổ chức xã hội, tôn giáo hay kinh tế; (2) văn hóa là di sản xã hội hoặc truyền thống được truyền lại cho thế hệ tương lai; (3) văn hóa là hành vi của con người được chia sẻ, học hỏi – một lối sống; (4) văn hóa là các điều lý tưởng, các giá trị hay quy luật của cuộc sống; (5) văn hóa là cách thức con người giải quyết các vấn đề nhằm thích nghi với môi trường hay nhằm chung sống cùng nhau; (6) văn hóa là hệ thống phức hợp các tư tưởng, các thói quen được học hỏi nhằm hạn chế sự bốc đồng và phân biệt con người với các động vật khác; (7) văn hóa là các ý tưởng, ký hiệu hay hành vi được định hình và có tương quan qua lại; và (8) văn hóa dựa trên các định nghĩa được gán ghép một cách chủ quan và chia sẻ trong một xã hội. Có thể tạm xem đây là phần thế giới định nghĩa văn hóa.
Thứ hai, văn hóa theo cách hiểu trong ngữ cảnh Việt Nam qua một tự điển tiếng Việt. Các định nghĩa sau được trích từ mục từ “văn hóa” trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Khoa học xã hội – nhân văn Quốc gia và Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn(7): (1) toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra trong lịch sử; (2) những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần (nói chung); (3) trình độ học vấn; (4) Trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh; (5) nền văn hóa của một thời kỳ lịch sử cổ xưa được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật khảo cổ tìm thấy được.
Giáo trình Nhập môn văn hóa – xã hội nói trên cũng nêu ra các bản chất của văn hóa, theo đó (1) văn hóa có thể được học hỏi; (2) văn hóa được duy trì trong từng cá nhân; (3) văn hóa được chia sẻ; (4) văn hóa hợp lý va đúng đắn; (5) văn hóa được hòa nhập; và (6) văn hóa có tính năng động.
Cũng theo giáo trình này, các thành tố của văn hóa bao gồm: (1) sự thích nghi; (2) ẩm thực; (3) công nghệ; (4) ngôn ngữ; (5) cộng đồng; (6) hội nhập (văn hóa); (7) tôn giáo; (8) truyền thuyết; (9) mỹ học; (10) hôn nhân; (11) gia đình và huyết thống; và (12) của cải [sự giàu có, thịnh vượng].
Từ các định nghĩa vừa nêu, có thể thấy được phần nào sự phức tạp của văn hóa và do đó sự phức tạp của việc xây dựng văn hóa trong một xã hội.
Trở lại với quan điểm về văn hóa của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh khi ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các “nhà văn hóa” nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Theo ông, các “nhà văn hóa” này là “những người hiểu biết sâu sắc về văn hoá, những nhà nghiên cứu văn hoá, những người đam mê trong hoạt động văn hoá, họ cũng có thể là những người được cộng đồng tôn trọng, người tiêu biểu ở các hội, họ hoạt động ở nhiều lĩnh vực, nhiều độ tuổi(8)”.
Có lẽ quan điểm của đại biểu Cảnh thể hiện cái nhìn “từ trên xuống” (top down). Theo người viết bài này, cách đặt vấn đề từ trên xuống có tác dụng nêu gương ở “tầm cao”. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các “nhà văn hóa” là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Ở “tầm thấp” hơn, vai trò của từng cá nhân trong xã hội, những “con người văn hóa” cũng hết sức cần thiết trong ngữ cảnh Việt Nam hiện nay.
Làm thế nào để có những “con người văn hóa” bình thường trong xã hội bên cạnh các “nhà văn hóa”?
Đại biểu Cảnh cho rằng “có thể cần phải có hàng chục nghìn người [nhà văn hóa] như vậy trên cả nước”. Người viết lại tin rằng dù có hàng chục ngàn “nhà văn hóa” đó cũng chưa thấm vào đâu so với cả trăm triệu người Việt hiện đang sống.
Có lẽ xây dựng văn hóa nên bắt đầu từ nền móng là “người văn hóa”. Vậy “người văn hóa” đến từ đâu? Xin thưa, họ đến từ các công dân bình thường trong xã hội. Họ có thể không mơ đến chuyện có ngày sẽ trở thành “nhà văn hóa”, nhưng trong hiện tại họ biết tuân thủ luật pháp/lề lối đúng của cộng đồng, biết tôn trọng người thân và hàng xóm, biết ứng xử đúng mực trong gia đình và nơi công cộng, biết đóng góp vào cái chung của xã hội và đất nước.
Làm sao để có được những “con người văn hóa” đó? Xin thưa, họ đến từ hiệu quả của giáo dục đạo đức, văn hóa trong gia đình, nhà trường và xã hội. Một khi chúng ta cải thiện đáng kể hiệu quả của sự giáo dục đó, chúng ta sẽ không lo rằng Việt Nam sẽ thiếu “con người văn hóa”. Ngược lại, có nhiều hơn con số hàng chục ngàn “nhà văn hóa” cũng sẽ không đủ.
Thử hỏi văn hóa ở đâu từ những hiện tượng vẫn còn phổ biến như sau. Trong gia đình, cha mẹ chỉ chú ý đến việc làm giàu; chăm sóc công việc của bản thân hơn là chăm sóc con cái; dạy con lẽ phải nhưng lại làm điều trái. Tại nhà trường, thầy cô lo dạy thêm ở nhà hơn là dạy trò ở trường; học sinh thiếu tôn trọng, hành hung giáo viên. Ngoài xã hội, số cuộc thi và số thí sinh thi hoa hậu nhiều hơn thi Olympic kiến thức cho học sinh; trên các cơ quan truyền thông đầy dẫy các bài, các đoạn phim cổ xúy cho lối sống thực dụng thiên về vật chất, tôn vinh tuyệt đối vẻ đẹp thể hình / nhục dục.
Người Việt thường được nói là tự hào về truyền thống văn hóa của mình. Theo ngữ cảnh này, đặt phát triển văn hóa ngang hàng với phát triển kinh tế trong quy hoạch tổng thể quốc gia là điều cần làm. Đồng thời với cách nhìn “từ trên xuống” qua việc xây dựng các “nhà văn hóa” cũng cần cách nhìn “từ dưới lên” bằng việc chăm chút cho “con người văn hóa” bình thường trong xã hội.
Đó là căn bản, là nền móng cho văn hóa trong xã hội chúng ta. Mà cứ thử nhìn lại các nước phát triển trên thế giới: phải chăng văn hóa cũng là kinh tế?
……………..
(1)https://www.quochoitv.vn/quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-ve-quy-hoach-tong-the-quoc-gia
(3)https://www.gso.gov.vn/du-lieu-dac-ta/2019/12/htcttkqg-chi-so-phat-trien-con-nguoi-hdi/
(4)https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=52698&idcm=188
(6)Nhập môn văn hóa – xã hội, Ngô Thị Phương Thiện, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM, 2011
(7)Từ điển tiếng Việt, Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải Thụy và Nguyễn Đức Dương, Trung tâm Khoa học xã hội – nhân văn Quốc gia và Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2005
Nhà văn hóa, là mô hình không có hiệu quả gì nhiều. Chỉ mang tiếng, không ra miếng. Xây dựng khắp nơi, tốn kém tiền bạc, nhưng thường lâm vào cảnh lèo tèo, theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Cơ sở vật chất nghèo nàn, xuống cấp, buồn tẻ. Tốt nhất, nên đầu tư đàng hoàng, theo mô hình liên hợp. Vừa làm trụ sở nơi giao dịch hành chính của UBND xã phường, vừa làm nơi sinh hoạt của dân cư khi cần thiết. Nhà văn hóa, cần chỉ cần con người, mà cả không gian và không khí văn hóa.
Nên học tập như đồng bào dân tộc thiểu số. Một cái nhà rông, là đủ xài cho mọi thứ nhu cầu của cộng đồng. Vừa gìn giữ bản sắc văn hóa, vừa phát huy công năng, công dụng, đa mục tiêu, đa tiện ích.