Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà văn Lý Lan: “Tôi tự cân bằng mình”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà văn Lý Lan: “Tôi tự cân bằng mình”

Vợ chồng nhà văn Lý Lan tại Đại học Cần Thơ.

(TBKTSG) - Sống ở Mỹ và viết về Việt Nam đã bảy năm nay, nhà văn Lý Lan hay trở về quê nhà, như để tìm thêm nguồn cảm hứng sáng tác. Lần này, chị ở nhà lâu hơn, đi nhiều và viết nhiều hơn…

TBKTSG: Đọc blog mới biết, tới giờ chị vẫn giữ quốc tịch Việt Nam và xài hộ chiếu Việt Nam. Như vậy có… “bảo thủ” quá không trong thời buổi này?

- Nhà văn LÝ LAN: Bởi vì thế giới này thực ra không hề “phẳng” như có người ví von; nó lởm chởm những rào chắn và sâu thẳm những hố cách biệt. Việc tôi giữ quốc tịch Việt Nam và dùng hộ chiếu Việt Nam có nhiều lý do chứ không phải do tôi bảo thủ đâu.

- Chuyến về nhà lần này, chị đi nhiều và ra mắt khá thành công cuốn sách mới, “Tiểu thuyết đàn bà”. Chị có thấy ấm áp hơn năm ngoái không?

- Đất nước đang thay đổi nhanh, người đi xa mấy tháng trở về có thể bỡ ngỡ. Cuốn “Tiểu thuyết đàn bà” được bạn bè và bạn đọc đón nhận như vậy khiến cho tôi cảm thấy ấm áp thật. Và nhất là có thêm cảm hứng sáng tạo.

- Chị thấy việc PR cho sách văn học ở nhà dạo này ra sao?

- Xã hội mình đã ít nhiều biến thành xã hội tiêu thụ. Sách cũng là hàng hóa. Người tiêu dùng luôn bị bao vây bởi vô vàn quảng cáo hàng hóa khác nhau, mà họ thì không có nhiều thì giờ, cái gì biết thì biết, cái gì không biết thì thôi. Cho nên đối với độc giả trung thành với mình, cũng cần phải giúp cho người ta biết đến sự tồn tại của sản phẩm mà mình muốn đưa tới tay họ.

Dĩ nhiên mặt trái của vấn đề là người tiêu thụ ít nhiều đã lờn quảng cáo, thậm chí nghi ngờ và bất tín cái gì được quảng cáo rầm rộ. Sách văn học là thứ mà một số người còn dị ứng với việc quảng bá. Nhưng mấy năm nay, ngoài yếu tố giá trị tự thân, tôi thấy những quyển sách được dư luận chú ý đều được quảng cáo tốt dưới hình thức này hay hình thức khác.

- Vừa rồi chị và ông xã đã đến làm việc tại Đại học Cần Thơ. Vốn là giáo viên, chị thấy môi trường giáo dục ở vùng này ra sao?

- Vợ chồng tôi rất yêu vùng đồng bằng sông Cửu Long vì ngoài mối quan tâm nghề nghiệp, còn có chút kỷ niệm riêng. Chúng tôi đã từng hò hẹn nhau ở vùng sông nước này. Mỗi lần về Việt Nam, chúng tôi đều về Cần Thơ, cũng nhằm để “hâm” lại tình yêu, nhưng mối quan tâm nghề nghiệp mới là vấn đề quan trọng.

Mart, chồng tôi, là sử gia về môi trường. Biến đổi môi trường trong tương quan kinh tế và văn hóa là mối quan tâm nghiên cứu của anh ấy. Ở Đại học Cần Thơ, Mart có những đồng nghiệp “tâm đầu ý hợp” chia sẻ được mối quan tâm và hợp tác nghiên cứu. Hồi tháng 6-2008, Mart làm việc với khoa Môi trường của Đại học Cần Thơ về đề tài các yếu tố xã hội trong tai họa thiên nhiên, chia sẻ với các đồng nghiệp ở Cần Thơ những bài học mà các sử gia rút ra từ thảm họa bão Katrina ở Mỹ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có một buổi làm việc với các đồng nghiệp ở bộ môn Ngữ văn tiếng Việt và bộ môn tiếng Anh của khoa Sư phạm về một phương pháp phê bình sáng tác văn học đã hình thành và phát triển trên thế giới được 20 năm nay, tạm gọi là “phê bình văn học môi trường”,  “văn học sinh thái”, hay nôm na là “văn học xanh”. Những buổi làm việc này ích lợi cho cả hai bên, rất thân tình, đầy hưng phấn, và mở ra nhiều triển vọng, nên tụi này vui lắm.

- Làm việc thì vui như vậy, còn đi chơi ở Cần Thơ, sao thấy chị có vẻ trầm tư quá?

- Chuyến này do lịch làm việc chặt chẽ nên tôi không có nhiều cơ hội gặp các bạn văn nghệ Cần Thơ để bù khú như lần trước. Buổi nào Mart không làm việc trong trường Đại học Cần Thơ là cả hai lang thang tìm về chốn tình tự cũ để tìm kỷ niệm.

Nhưng Cần Thơ cũng thay đổi nhiều, chẳng hạn tám năm trước hai đứa còn thuê xuồng chèo tay vô mấy con rạch, len lỏi qua những khu vườn xanh tốt. Nay cũng đi như vậy, nhưng sông rạch đã ô nhiễm, ngồi trên xuồng có thể ngửi thấy mùi hôi và vớt được rác trôi lều bều. Biết đó là cái giá phải trả cho sự phát triển đô thị, vẫn không thể không trầm tư. 

- Trong một bài báo mới đây về đạo diễn Việt Linh, chị có viết: “Một phụ nữ có cá tính, dấn thân trên con đường nghệ thuật bằng một lối đi riêng, vì hạnh phúc cá nhân mà ly hương, thân nơi đất khách để tình nghĩa ở quê nhà, là chị hay là tôi?”. Sao buồn quá vậy?

- Người ta thường lầm tưởng phụ nữ chỉ cần hạnh phúc gia đình. Hình ảnh kẻ lữ thứ tha hương xưa nay trong văn học, thường chỉ là người đàn ông.  Người đàn ông ly hương nhớ về một mái nhà ấm áp tình yêu của một người đàn bà, mẹ hay vợ. Còn người đàn bà ly hương thì đem tình yêu của mình sưởi ấm ngôi nhà ở nơi khác; khi hướng về quê hương mới thảng thốt nhận ra khoảng trống mình bỏ lại, luôn cảm thấy chơi vơi, nặng nề.

- Và những bài thơ mới trên blog của chị, cũng có những câu buồn quá, tỉ như: “Tôi cũng tự biết mình đang mất. Ở chung quanh và ở rất xa”?

- Tôi về mới mấy tháng mà đi bốn đám tang, đều là những người tôi yêu kính, có người cùng trang lứa với mình. Cũng có người tôi không về kịp đám tang. Cái chết và bệnh tật ám ảnh. Mình còn đây, đã về đây, nhưng nhận ra thế giới mình từng biết đang mất đi. Những người cỡ tuổi tôi chắc cũng bắt đầu có trải nghiệm và tâm tình như tôi thôi. Để thấy quý trọng cuộc sống mình đang có, để thấy sốt ruột với những ước mơ, dự án chưa làm được.

- Nhà văn Lý Lan còn làm hẳn hai trang webbolgs (*) cho hai nhà văn Nam bộ nổi tiếng là Sơn Nam và Trang Thế Hy. Chị nói một chút về chuyện này đi?

- Chuyện này có tính riêng tư. Nhà văn Sơn Nam và nhà văn Trang Thế Hy là những người bạn lớn từ hồi tôi mới viết văn. Ông Trang Thế Hy là người biên tập những bài viết đầu tiên của tôi trên tuần báo Văn Nghệ TPHCM, hồi đó còn là báo Văn Nghệ Giải Phóng. Lần đầu tiên tôi đi gần khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, lúc mới hăm mấy tuổi, là đi cùng ông Sơn Nam.

Sau này, khi tiếp xúc với bạn bè, các giáo sư, sinh viên ở nước ngoài tìm hiểu về văn học Việt Nam, một trong những câu họ thường hỏi là, “nhà văn Việt Nam đương đại nào có ảnh hưởng đến chị?”. Tôi nói “nhà văn Sơn Nam và nhà văn Trang Thế Hy”.

Tôi thấy tác phẩm của hai nhà văn này thể hiện được tâm tình, tính cách và nhân sinh quan của người miền Nam. Đáng tiếc là tác phẩm của họ không dễ tìm ở ngoài Việt Nam. Nên tôi làm cho mỗi người một website, để trên đó một số tác phẩm của họ cùng dư luận liên quan đến tác phẩm và tác giả, nhằm tiện giới thiệu với bạn đọc bốn phương.  

- Ngoài sáng tác, chị còn thành công với bản dịch tiếng Việt bộ tiểu thuyết Harry Potter. Nghe nói chị tính viết một cuốn sách nhỏ dành cho bạn đọc Việt Nam về công việc dịch thuật này?

- Tôi đã tính như vậy. Nhưng vì sốt ruột với những công việc khác mà cuốn sách đó vẫn chưa xong.

- Vậy còn cuốn “Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen”?

- Nó là chuyện đồng thoại. Nhà xuất bản Văn nghệ TPHCM sẽ cho phát hành vào tháng 8 này. Cảm hứng để viết những chuyện đó là một đêm khuya, bỗng có con thằn lằn đen thui rớt xuống quyển sách tôi đang đọc. Nó nằm im một lúc. Tôi tưởng nó chết rồi. Ai ngờ tôi vừa chạm vào nó là ngóc đầu lên nhìn tôi…

- Còn dự định tới đây thì sao?

- Tôi đang hoàn tất cuốn “Văn chương nữ quyền”, hy vọng cuối năm nay sẽ xuất bản. Thỉnh thoảng tôi vẫn làm thơ, viết truyện ngắn hay tùy bút; khi nào nhiều nhiều sẽ gom lại để in thành sách.

- Rốt cuộc là sống ở Mỹ và viết về Việt Nam, nhà văn Lý Lan có thể  “tâm tình” một chút với bạn đọc?

- Trong đời thực, và đời thường, có những điều mà đến tuổi “tri thiên mệnh” như tôi thì biết đó là “phần số” của mỗi người. Một người bạn đời, một chỗ đi về… hóa ra do duyên do phận cả. Nhưng trong trí tưởng tượng của nhà văn thì có sự tự do tuyệt đối, sự giải thoát hoàn toàn. Sống và viết là cách tôi tự cân bằng mình.

(*) nhavansonnam.blogspot.com - trangthehy.googlepages.com

HUỲNH KIM thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới