Thứ Ba, 2/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhà văn Michel Bussi: Tôi rời Việt Nam mang theo nỗi nhớ

Ngọc Trân thực hiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Phỏng vấn dành riêng cho KTSG, vài giờ trước khi Michel Bussi – nhà văn Pháp nổi tiếng với những cuốn truyện trinh thám – lên máy bay quay lại nước Pháp hôm 4-11-2022.

Michel Bussi

KTSG: Ông đã đi Việt Nam, từ Bắc chí Nam. Điều gì gây ấn tượng nhất cho ông về chuyến đi này?

– Ông Michel Bussi: Đó là một chuyến đi tuyệt vời. Thực sự, tôi đã được chào đón một cách rất ấm áp ở khắp mọi nơi, từ Hà Nội, cho đến Huế và Đà Nẵng, và Sài Gòn, trong những ngày cuối cùng của chuyến đi. Điều khiến tôi ấn tượng nhất độc giả, nữ lẫn nam, đã đến gặp tôi, để nhờ tôi ký vào sách. Đó là những thanh niên nhiệt tình, rất ham học hỏi, vì vậy đó là một bất ngờ thú vị.

Ông đã nói ở Hà Nội và ngày hôm qua, ở đây, rằng ông muốn đưa Việt Nam vào trong một trong những cuốn sách tiếp theo mình?

– Không nghi ngờ gì nữa, có lẽ vì tôi lấy rất nhiều cảm hứng cho sách của mình từ những nơi mà tôi biết và những nơi mà tôi cần cố gắng để biết rõ hơn. Thực tế là tôi đã ở Việt Nam mười lăm ngày, được thảo luận với nhiều người Việt Nam; chuyện này chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho tôi. Và khi, trong một trong những cuốn tiểu thuyết tiếp theo, tôi cần một nơi chốn thì hẳn Việt Nam sẽ đứng đầu trong số những nơi tôi có thể đề cập đến.

Và một nhân vật Việt Nam, có lẽ?

– Có thể, có thể. Vẫn còn quá sớm để biết. Có thể là một nhân vật Việt Nam, cũng có thể là một nhân vật sẽ tới Việt Nam. Nói chung, không chỉ là những nơi tôi đã đến thăm ở Việt Nam, đó còn là cả văn hóa Việt Nam mà tôi cố gắng lưu giữ.

Ông biết rõ rằng Saint-Exupéry lẽ ra phải thực hiện chuyến bay dài đó từ Paris đến Sài Gòn. Nhưng cuối cùng thì ông ta cùng máy bay đã rơi ở một nơi nào đó trên sa mạc Sahara. Chuyện như thế có truyền cảm hứng cho ông về Sài Gòn?

– Như người ta thường nói, không có chuyện ngẫu nhiên. Đúng là đến Việt Nam để quảng bá cho cuốn Mã 612 Ai đã giết Hoàng tử Bé? của tôi, trong khi Saint-Exupéry đã viết Hoàng tử bé sau khi đâm vào sa mạc khi ông ấy được cho là phải đến Sài Gòn để đánh bại kỷ lục bay của Paris – Sài Gòn, thực sự là một điều khá tuyệt vời.

Có lẽ điều đó cũng góp phần tạo nên thành công, cho sự cuồng nhiệt của người Việt dành cho Hoàng tử Bé. Trong mọi trường hợp, tôi rất tự hào về sự trùng hợp này.

Tôi không chắc mình sẽ viết lại điều gì đó về Saint-Exupéry. Nhưng vì nhiều tiểu thuyết của tôi là những cuốn mà nhân vật đi du lịch nhiều nơi, nên hầu như chắc chắn Việt Nam sẽ là một trong những chuyến đi tiếp theo nhân vật. Tất nhiên, tôi đang nói về hành trình văn học.

Tại sao ông lại quyết định trở thành nhà văn ở tuổi 40?

– Tôi không nghĩ bạn trở thành nhà văn. Tôi tin rằng chúng ta đều là nhà văn. Với tôi thì sinh ra là một nhà văn rồi. Tôi luôn muốn viết, kể những câu chuyện bằng cây bút. Một người, thậm chí có thể là nhà văn, trong khi đóng cửa ở nhà; khó khăn là xuất bản sách. Vì vậy, điều đó có nghĩa phải viết sách với đủ sự nghiêm túc để nó có thể được xuất bản và đón nhận. Và tôi phải đợi đến năm 40 tuổi mới được xuất bản và được đọc!

Tôi cứ muốn quay lại câu hỏi trên: Tại sao ông không bắt đầu sớm hơn, ví dụ như ở tuổi 20, như nhiều nhà văn khác?

– Bởi vì tôi nghĩ rằng mình ở rất xa thế giới viết lách, và trở thành nhà văn là chuyện không dành cho tôi; đó chỉ là một ước mơ. Trên thực tế, tôi viết tiểu thuyết đầu tiên khi hơn 30 tuổi; nó không được các nhà xuất bản chấp nhận ngay lập tức. Do đó, cần phải kiên nhẫn trước khi tiểu thuyết đầu tiên của tôi được xuất bản.

Nhưng từ năm sáu tuổi tôi đã luôn viết. Hầu hết những cuốn tiểu thuyết tôi viết hôm nay đều là những cuốn tiểu thuyết được viết trước 40 tuổi. Hay ít ra, những ý tưởng về những cuốn đó đã xuất hiện từ lâu, trước khi tôi 40 tuổi.

Nói một cách ngắn gọn, bây giờ cuộc sống của ông như thế nào, với tư cách là một tác giả có hàng triệu độc giả?

– Đó là một cuộc sống tuyệt vời. Nhưng đó cũng là một cuộc sống xen kẽ với những khoảnh khắc phi thường, giống như ở Việt Nam, nơi tôi gặp gỡ độc giả. Đó là những kinh nghiệm sống đặc biệt. Nếu trước đây ai đó nói với tôi rằng tôi sẽ đến Việt Nam để gặp gỡ những độc giả Việt Nam đọc sách của tôi, tôi sẽ không tin. Đây là một kinh nghiệm sống phi thường. Tuy nhiên, mặt khác, cuộc sống của một nhà văn cũng là cuộc sống ở trong nhà, viết sách với máy tính, càng nhiều thời gian càng tốt.

Có thể nói cuộc sống giống như người đi tu, nhưng người đi tu cũng phải học cách sống… Bạn phải xen kẽ giữa những lúc cô đơn, cô độc, và những lúc sống với đời; gặp người này, người kia chính là đặc ân của người viết.

Theo ông, tương lai của văn chương sẽ như thế nào, nói chung, trong một thế giới bị chi phối bởi mạng xã hội khiến người ta đọc rất ít?

– Thì phải chiến đấu, phải đấu tranh. Trên thực tế, có nhiều sự cạnh tranh trong việc đọc ngày nay tất nhiên, so với 50 năm trước hoặc thậm chí vài thế kỷ trước. Nhưng tôi cũng tin chắc mọi người trẻ có tài năng, có óc sáng tạo, trí tưởng tượng, cách thể hiện duy nhất của họ là qua văn, qua sách.

Khi lên 10, 15, hoặc thậm chí 20, bạn không thể viết được một cuốn tiểu thuyết ngay lập tức. Bạn không thể làm phim ngay lập tức. Bạn chưa thể sáng tạo ngay được. Nhưng mà phương tiện chủ yếu của trí tưởng tượng và tài năng là sách. Và nếu những ý tưởng hay nhất, những câu chuyện hay nhất đều xảy ra trong sách thì sách sẽ luôn có một vị trí rất quan trọng. Đó là điều khiến tôi lạc quan.

Tôi thấy ở Việt Nam có nhiều bạn trẻ cũng thích đọc sách, có trí tưởng tượng. Điều này cũng đúng ở những nơi khác. Sách hiện diện rất nhiều trong cuộc sống của con người.

Ông sẽ quay lại Việt Nam?

– Tôi hy vọng được như vậy. Bởi chưa thấy hết; chuyện như thế khiến tôi muốn quay trở lại. Không biết khi nào và như thế nào, nhưng luôn có mong muốn này trong tôi. Tôi sẽ đáp máy bay trong vài giờ nữa để tới Paris. Rõ là tôi đang buồn, sẽ có một nỗi nhớ. Tôi không thể nói rằng mình sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới