(KTSG) - Đại dịch với những xáo trộn trong đời sống đang làm lung lay những giá trị văn hóa hiện đại và đẩy nhân loại vào cuộc khủng hoảng lớn. Đây đó đã có những truy vấn về ý nghĩa của văn chương, nghệ thuật trước một hiện thực khắc nghiệt và tương lai bất định.
Từ Mỹ, nhà văn Trần Thùy Mai - tác giả tiểu thuyết Từ Dụ Thái Hậu và nhiều truyện ngắn nổi tiếng mang dấu ấn tinh thần Huế - đã trao đổi với KTSG những suy nghĩ của bà về chủ đề này.
CUỘC SỐNG CÀNG GẦN BÌNH THƯỜNG CÀNG TỐT
KTSG: Thưa chị, đại dịch hôm nay đang xô đổ những thành trì tưởng chừng rất an toàn ở các quốc gia, từ nghèo đến giàu. Nước Mỹ những ngày này cũng đang lo lắng về sự lặp lại tình trạng số người nhiễm bệnh và tử vong tăng cao như hồi năm ngoái. Ám ảnh đói nghèo, bất ổn và chết chóc mà nhân loại đang trải qua ảnh hưởng thế nào đến tâm thế viết của chị lúc này?
- Nhà văn TRẦN THÙY MAI: Tôi vừa đi một vòng trung tâm thành phố, quang cảnh khá đìu hiu dù San Francisco vốn được xem là New York của bờ Tây nước Mỹ. Vừa mấy hôm trước, CDC khẳng định toàn bang California đang ở giữa làn sóng Covid-19 thứ tư. Mong muốn trở lại cuộc sống bình thường của con người nơi đây đã bị chững lại, chỉ sau chưa đầy hai tháng được sống tương đối thoải mái.
Tôi vào một nhà hàng Việt Nam trên phố Irving, rất sạch và có vẻ an toàn. Bất cứ ai muốn bước vào tiệm đều phải xuất trình bằng chứng tiêm chủng. Tuy vậy, khách vẫn thưa vắng. Ông chủ nhà hàng cho biết đêm qua có một nhà hàng trong thành phố chịu lỗ đến tám ngàn đô la do thực khách hủy hẹn vào phút cuối.
Nhìn hình ảnh Sài Gòn trong bức tranh treo trên vách, tôi nghĩ đến những người thân yêu của mình đang trong tâm dịch ở quê nhà. Mỗi ngày, con gái tôi ở Bình Dương vẫn liên tục chia sẻ tin tức với tôi. Tôi dặn con phải gắng duy trì cuộc sống càng gần với bình thường càng tốt, vì cái hy vọng dập tắt con virus trong một thời gian ngắn là không thể. Tính chất của đại dịch này cho đến nay là liên tục lên rồi xuống, chứ không phải đến rồi đi.
KTSG: Luôn dõi theo tình hình quê nhà khi con gái sống ở Bình Dương - nơi đang bùng phát thành một tâm dịch mới, chị suy nghĩ gì về phương thức chống dịch và tâm lý con người trong dịch bệnh?
- Dịch bệnh này quật ngã người ta quá nhanh, đồng thời gieo rắc quá nhiều sang chấn tinh thần. Nó rất ác vì làm cho con người, vốn là một sinh vật sống cùng nhau, bây giờ phải tách rời nhau. Những cái ôm, cái hôn, cái bắt tay, cuộc thăm viếng, cuộc họp mặt... là những thành tựu đẹp nhất trong văn hóa loài người nay đã trở thành những hành vi nguy hiểm, cấm kỵ.
Tâm lý bức xúc, hoang mang, đổ lỗi... tất yếu sẽ xảy ra. Khi sự chịu đựng đã vượt ngưỡng của mỗi người, chỉ cần một sự va chạm, một biến cố tình cờ cũng đủ làm bùng ra những cuộc xô xát liên hoàn. Bởi vậy, rất cần giảm áp lực về tâm lý, tuyệt đối không gây thêm căng thẳng, trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Đối đầu với một kẻ địch “thiên biến vạn hóa” như con virus này, không ai có thể có được quyết sách chính xác từ đầu. Ở bên Mỹ cũng vậy thôi, từ một tháng nay, riêng chuyện người đã tiêm chủng có cần đeo khẩu trang ở chỗ công cộng hay không cũng đã được điều chỉnh ít nhất hai lần.
Cũng may là người Mỹ luôn tham khảo ý kiến người thụ nhận và rất linh động trong các quyết sách. Một ví dụ như trong khi chuẩn bị mở cửa trường học, CDC bang Cali ban đầu ấn định tất cả giáo viên phải đeo khẩu trang lúc giảng dạy để bảo vệ các em nhỏ vốn không được tiêm chủng.
Nhưng khi các giáo viên đồng lên tiếng nếu đeo khẩu trang thì họ không thể nói suốt buổi được, vì “chúng tôi không thể thở”, thì CDC lập tức thay đổi quyết định, đồng thời tổ chức tiêm chủng cho các em 12 tuổi trở lên, trong khi tiếp tục cân nhắc việc tiêm chủng cho các em nhỏ từ 5 đến 12 tuổi với liều thích hợp.
Tôi thấy ở Việt Nam cũng tương tự, cũng đã có những quyết sách vội vàng và cũng đang điều chỉnh. Mới đây, tôi rất mừng khi thấy Bộ Giao thông Vận tải phát biểu trên báo rằng “tất cả hàng hóa đều là thiết yếu”. Vậy đã là một bước hợp lý hơn nhiều so với các chỉ thị trước đây. Với tinh thần nhanh chóng phát hiện, nhanh chóng chỉnh sửa thì rất hy vọng sẽ có sự vận hành hợp lý trên nhiều lãnh vực hơn nữa...
TỪ SỬ LIỆU HÔM NAY...
KTSG: Trong quá khứ, Huế đã trải qua những biến cố đầy tang tóc, nhưng khi đi vào văn chương của chị thì với một tinh thần chấp nhận, hướng tới chữa lành. Theo chị, cần những điều kiện nào để một thực tế lịch sử đau thương chuyển hóa thành sự độ lượng, tương thông và hóa giải?
- Những sự kiện lớn của Huế như vào năm 1885 hay 1968 là những đề tài được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Thời gian và sự sống tự nó có khả năng tương thông và hóa giải vô điều kiện. Nhưng con người có thể làm chậm lại quá trình hàn gắn ấy bằng cách bới móc ân oán trong quá khứ; hoặc đẩy nhanh nó bằng sự trung thực và bao dung khi nhìn về lịch sử: trung thực, vì nói đến chữa lành vết thương thì trước hết phải mở vết thương ra, lau rửa và khâu vá nó; bao dung, vì chỉ có thể chạm đến chiều kích thân phận con người khi chịu từ bỏ cái nhìn thiên kiến để chấp nhận cái khác với mình.
Nguyện vọng của tôi là viết những câu chuyện sử của quê hương mình. Trong những ngày tháng không yên vì dịch bệnh này, bàn viết là nơi giúp tôi thoát khỏi sự lo âu, ít nhất là trong giờ phút đang ngồi viết.
Hiện tôi đang viết tiểu thuyết có bối cảnh triều Nguyễn giai đoạn 1860-1890 với đỉnh điểm là thời kỳ mà người ta thường gọi là thời tứ nguyệt tam vương và biến cố thất thủ kinh đô năm 1885. Đây cũng là phần đời tiếp theo của nhân vật Từ Dụ Thái Hậu với nhiều sự kiện từng gây tranh cãi.
KTSG: Chị có nghĩ những gì đang xảy ra của thực tế đại dịch là một cuộc chất vấn khắc nghiệt đối với sự tồn tại của nhà văn và văn chương trong một đời sống đầy thách đố?
- Thực tế đang vô cùng khắc nghiệt với hầu hết mọi người chứ chẳng với riêng ai. Nhưng những chấn động lớn của cuộc sống chính là bối cảnh cho những sáng tác quan trọng ra đời, bởi chúng lay động và thức tỉnh bản năng của người viết trước nỗi đau nhân sinh. Chắc chắn những hình ảnh, những tin tức nóng bỏng hôm nay sẽ là nguồn sử liệu về một sự kiện mang tầm toàn cầu.
Nhưng tình hình hôm nay rất khác so với sự kiện Cái Chết Đen ở thế kỷ 14. Trong trận dịch hạch năm xưa, con người không biết nó đến từ đâu, và vì sợ lây lan nên người ta trở nên tàn nhẫn, rào chặt những làng bị bệnh dịch rồi bỏ mặc cho họ chết. Còn ngày nay, chúng ta có tri thức khoa học để phòng tránh, có cộng đồng hỗ trợ và cứu giúp nhau, có mạng lưới trực tuyến để mua sắm, chia sẻ kinh nghiệm và phương tiện...
Trong tâm dịch, các bác sĩ, y tá đang ra sức cứu sống bệnh nhân, những nhóm thiện nguyện xông pha đi cứu đói, những nhóm mai táng miễn phí đi giúp cho các gia đình chỉ còn trẻ nhỏ..., trên các mạng xã hội, người người góp ý, góp lời, góp tâm huyết. Rõ ràng, trong đau thương ngất trời, chúng ta vẫn không thụ động. Nếu không có những điều tuyệt vời đó, con virus dữ dằn này hoàn toàn có thể nhấn chìm thế giới trong cơn đại hồng thủy thứ hai.
Tác giả Trần Thùy Mai từng là một giảng viên, biên tập viên xuất bản. Bà được xem là một trong những nhà văn nữ thành công ở thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết. Bà từng đoạt giải A Văn học Nghệ thuật Cố đô (2008), Giải cống hiến vì cộng đồng của Ủy ban Kết nghĩa TPHCM và thành phố San Francisco (2011). Gần đây nhất, tiểu thuyết Từ Dụ Thái Hậu của bà được Giải sách hay của Viện Giáo dục Quốc tế IRED năm 2020 và Giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà Văn Việt Nam 2015-2020. Cuối năm 2020, tuyển truyện ngắn Thương nhớ hoàng lan của bà được Phanbook ấn hành.