Thứ sáu, 25/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhận biết, phòng ngừa và xử trí tai biến mạch máu não

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhận biết, phòng ngừa và xử trí tai biến mạch máu não

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên (phải) đã sẵn sàng trả lời bạn đọc - Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) - Trong gần 2 tiếng giao lưu trực tuyến, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa nội thần kinh B, Bệnh viện 115 đã trả lời hầu hết các thắc mắc của bạn đọc xung quanh chủ đề: Nhận biết, phòng ngừa và xử trí tai biến mạch máu não.

Buổi giao lưu diễn ra lúc 9 giờ ngày 26-11, tại tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa Q.1, TPHCM. Do thời gian có hạn nên một số câu hỏi vẫn chưa được trả lời, tòa soạn sẽ cập nhật thêm nội dung khi bác sĩ trả lời thêm. Mời bạn đọc lại nội dung giao lưu bên dưới:

Nghia: Gần đây do áp lực công việc, tôi thường hay bị đau đầu thường xuyên, có những đêm đang ngủ thì phải dậy vì đau đầu quá. Trường hợp này do tôi bị stress hay tăng huyết áp? Có nguy cơ gì đến bị tai biến không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Gần đây, bạn thường bị đau đầu, có những lúc cơn đau đầu này khiến bạn mất ngủ. Bạn nhìn nhận lại và thấy do áp lực công việc gần đây quá nhiều. Có khả năng bạn bị stress do công việc. Tuy nhiên, có một số trường hợp tăng huyết áp giai đoạn đầu có liên quan đến yếu tố căng thẳng thần kinh. Nhất là ở gia đình có nhiều người bị cao huyết áp. Bạn nên đến khám bác sĩ để bác sĩ tư vấn cho bạn cách chẩn đoán phân biệt hai tình trạng trên cũng như phương pháp điều trị thích hợp.

Bảo Thư: Để ngăn ngừa đột quỵ, chế độ ăn uống thế nào là phù hợp trong điều kiện tôi thường xuyên phải ăn ngoài (sáng và trưa), khó chủ động về món ăn?

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Biết cách ăn uống hợp lý cũng là một phương pháp giảm thiểu nguy cơ đột quỵ đặc biệt ở người lớn tuổi. Trong điều kiện bạn phải thường xuyên ăn ngoài ngày hai lần, theo ý bác sĩ bạn vẫn có thể tạo cho mình một chế độ ăn uống hợp lý như sau: nên ăn các món luộc (rau luộc), ăn cá, thịt kho, tàu hủ (ít mặn), ăn trái cây, rau quả tươi, tránh ăn các món chiên, xào nhiều, không nên ăn nhiều tôm, cua, trứng, lục phủ ngũ tạng heo. Nên uống các nước ép hoa quả, tránh uống nhiều rượu, bia. Nếu có uống bạn có thể uống được 90ml rượu vang đỏ một ngày, hoặc một lon bia, và có thể một chum nhỏ rượu mạnh.

Hong Nguyen: Tôi bị nhồi máu cơ tim cấp, đã đặt stent, không bị chuyển hóa lipid (mỡ trong máu không cao) và phim cho thấy không bị sơ vữa động mạch vành. Tôi có hút thuốc lá. Xin bác sĩ cho biết bị bệnh như thế thì tôi có thuộc nhóm nguy cơ tai biến mạch máu não không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Theo thông tin của anh thì anh bị nhồi máu cơ tim cấp đã đạt stent, phim không cho thấy bị sơ vữa động mạch vành, mỡ trong máu không cao nhưng anh lại hút thuốc. Thuốc lá là một yếu nguy cơ đã được xác định cho cả động mạch vành và động mạch não. Nguy cơ tăng lên theo thời gian hút thuốc và số lượng thuốc hút mỗi ngày. Thuốc lá làm tổn thương lớp nội mạc mạch máu và ảnh hưởng đến các quá trình đông máu. Nguy cơ này sẽ giảm ngay khi anh ngưng thuốc nhưng sẽ giảm ngoạn mục sau vài năm ngưng thuốc. Chúc anh cai thuốc lá thành công!

Thành Minh: Tôi nghe nói người bị huyết áp cao, có nguy cơ bị tai biến mạch máu não thì phải kiêng cữ, hạn chế trong chuyên sinh hoạt vợ chồng, điều này có đúng không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Cao huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ tai biến mạch máu não nhưng là một yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được. Điều đấy cũng có nghĩa là nếu khống chế huyết áp ở ngưỡng dưới 140/90 mmHg thì nguy cơ này giảm đi. Số lần sinh hoạt vợ chồng phụ thuộc nhiều vào lứa tuổi và tình trạng sức khỏe chung của hai bên. Anh có thể an toàn nhập cuộc khi huyết áp của anh được kiểm soát tốt. Nếu tình trạng sức khỏe "sinh lý" của anh suy giảm. Anh nên gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch tìm lời khuyên (vì có một số ít thuốc huyết áp có ảnh hưởng đến chuyện sinh hoạt vợ chồng).

Vo Tan Huy: Bác sĩ có thể định nghĩa một cách tổng quát về tai biến mạch máu não, cách nhận biết và phòng ngừa như thế nào không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Tai biến mạch máu não là sự khởi phát một cách đột ngột các triệu chứng thần kinh thường khu trú hơn là lan tỏa, các triệu chứng này kéo dài trên 24 giờ hoặc tử vong mà nguyên nhân là do tổn thương mạch máu. Có thể là do tắt nghẽn một động mạch làm thiếu máu nuôi vùng mô não tương ứng hoặc do vỡ một động mạch nuôi não làm máu tràn vào trong mô não hay vào màng não.

Các triệu chứng thường gặp khi bị đột quỵ như sau: bao giờ cũng là khởi phát đột ngột, cấp kỳ tình trạng yếu, liệt, tê nửa thân (tay và chân cùng bên), mặt méo, mất nói hoặc nói mà không hiểu hoặc nói khó, hay có rối loạn về nhìn như mù hoặc bán manh hai mắt, hoặc có các rối loạn về thăng bằng như chóng mặt, đi đứng loạn choạng, một số ít bệnh nhân có nhức đầu, buồn ói, ói hoặc mê man bất tỉnh.

Về phòng ngừa kể cả ở bệnh nhân đã bị đột quỵ hay chưa bị bệnh đột quỵ bao giờ thì phương pháp phòng ngừa hiệu quả bao gồm: thay đổi lối sống, ít uống rượu, không ăn mặn, không hút thuốc, tập thể dục đều đặn (tối thiểu 30 phút một ngày). Xác định và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến đột quỵ: cao huyết áp, tiểu đường, các bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ đặc biệt đối với bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, hay cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua.

Nguyễn Hồng Hà: Em được chẩn đoán là bị hở van tim hai lá 2/4, vậy em muốn hỏi tình trạng bệnh của em có nguy cơ bị đột quỵ hay không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Bác sĩ chưa được biết em bao nhiêu tuổi, chẩn đoán em bị hở van 2 lá mức độ 2/4 do nguyên nhân gì? Nhưng nhìn chung ở người trẻ tuổi có bệnh lý van tim thì thông thường do bệnh hở van tim bẩm sinh hay do hậu thấp. Nhưng cho dù là nguyên nhân gì thì đây cũng là một yếu tố nguy cơ bị đột quỵ. Theo bác sĩ em cần đến khám tại một bác sĩ chuyên khoa tim mạch để xác định nguyên nhân của hở van hai lá để có hướng điều trị phù hợp theo từng nguyên nhân cũng như một chế độ thuốc thích hợp nhằm phòng ngừa các loại tai biến mạch máu.

Lan Phương: Xin bác sĩ cho biết, bệnh tai biến mạch máu não có thể phòng ngừa được không? Tôi nghe nói bị tai biến mạch máu não nằm một chỗ sẽ phát sinh thêm nhiều bệnh khác, nặng nhất là rối loạn tiêu hóa. Vậy việc chăm sóc người bị bệnh phải thế nào cho tốt. Châm cứu có thể điều trị được bệnh này không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Tai biến mạch máu não là một bệnh có thể phòng ngừa được. Khi đã bị đột quỵ rồi, nếu do tắt hay vỡ một động mạch lớn trong sọ, sẽ dẫn đến tàn phế lâu dài (nếu không tử vong) và thường liên quan đến nhiều biến chứng như: viêm phổi, viêm đường tiểu, loét điểm tì do nằm và ăn uống rất khó khăn, nhiều khi phải nuôi ăn qua sonde mũi - dạ dày.

Việc chăm sóc người bệnh bao gồm cho nằm trong phòng đầy đủ không khí, yên tĩnh, xoay trở, vỗ lưng mỗi hai giờ một lần để tránh viêm phổi và loét, vệ sinh ở cơ quan sinh dục hằng ngày, thay tả liền khi bệnh nhân tiểu để đảm bảo vùng đó luôn khô và thoáng, sạch.

Về vấn đề nuôi ăn, nếu bệnh nhân không có rối loạn về nuốt và tĩnh táo, bạn cho bệnh nhân ăn và uống bằng đường miệng. Tuy nhiên, bạn phải rất cẩn thận vì nguy cơ hít sặc đồ ăn và nước uống gây viêm phổi rất nguy hiểm, để tránh được biến chứng này, bạn nên cho ăn từ thức ăn đặc (như bột em bé, cháo nghiền) uống nước từ nửa muỗng cà phê rồi từ từ tăng dần. Khi cho ăn bệnh nhân phải ở tư thế ngồi hay nửa nằm nửa ngồi và phải tỉnh táo. Bạn phải theo dõi liên tục các biểu hiện đe dọa hít sặc như: khó nuốt nước bột, ho khi ăn uống, chảy nước dãi quanh miệng, giọng nói thay đổi, nghẹn trong và sau khi ăn hay uống.

Thường xuyên nói chuyện, thăm hỏi và quan tâm đến người bệnh để họ đỡ cảm thấy cô đơn. Nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ thường xuyên vì khi đã bị đột quỵ thì nguy cơ rất cao bị đột quỵ tái phát và các biến cố mạch máu khác như nhồi máu cơ tim. Phương pháp châm cứu có thể giúp người bệnh tuần hoàn khí huyết đỡ đau mỏi cơ khớp làm thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục sau đột quỵ.

Hà My: Xin bác sĩ cho biết nên hoặc không nên dùng những thực phẩm gì để phòng ngừa bị tai biến mạch máu não?

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Tai biến mạch máu não là một bệnh mạch máu, cũng như các bệnh lý mạch máu khác như tim, thận, mạch máu ngoại biên thì việc ăn uống hợp lý có vai trò làm giảm tỉ lệ mắc các bệnh lý này. Nên tránh ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ, khó tiêu như: tôm, cua, lục phủ ngũ tạng heo (óc, gan, lòng, cật, tim), trứng và các thức ăn chiên xào... Nên ăn cá, thịt gà, ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước, nếu bạn là nam giới bạn có thể uống khoảng 90 ml, rượu vang đỏ mỗi ngày, nếu có uống bia thì có thể uống một lon, nếu uống ruợu mạnh có thể là một chum nhỏ, ngoài ra, bạn nên dành thời gian tập thể dục mỗi ngày (tối thiểu 30 phút). Tự tạo cho mình một cuộc sống tinh thần thỏa mái, chúc bạn thành công!

Trần Ngọc Châu: Bình thường huyết áp 14/9, làm việc căng thẳng thì 15/10. Hiện đang uống nửa viên coversyl mổi buổi sáng thì huyết áp xuống còn 13/8 và cơ thể thấy bình thường. Xin cho biết có cần uống thuốc thường xuyên mỗi ngày như thế không? và thuốc có làm ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng hay không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Bạn bị bệnh cao huyết áp mãn, huyết áp tốt nhất đạt dưới ngưỡng 140/90 mmHg. Nếu bạn uống nửa viên coversyl mỗi sáng mà huyết áp 13/8 là đạt yêu cầu, bạn nên uống liên tục và thường xuyên như thế, chỉ khi đã uống như vậy mà huyết áp cao hơn nguỡng 140/90, thì bạn nên đến bác sĩ để chỉnh thuốc. Bạn yên tâm mà uống thuốc vì thuốc này không ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng.

Vũ Phong: Khi làm việc căng thẳng thì tôi bị bừng bừng, nóng mặt khoảng vài phút. Khi cúi đầu thấp, hoặc đang ngồi xổm đứng lên thì bị chóng mặt. Có lần tôi bị choáng, chóng mặt, người nhà đưa thuốc huyết áp uống 2 ngày thì khỏi (nhưng chưa đi khám bác sĩ). Gia đình tôi có tiền sử huyết áp. Bệnh tôi có nguy hiểm không? có cần đến bác sĩ để khám bệnh hay không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Trong câu hỏi của anh khi anh làm việc căng thẳng thường hay bừng bừng chóng mặt, đó có thể là triệu chứng của cao huyết áp. Khi anh cúi đầu thấp hoặc đang ngồi xổm mà đứng lên thì bị chóng mặt, triệu chứng này của rất nhiều bệnh, nhưng không thường gặp trong bệnh tăng huyết áp. Triệu chứng này hay thường gặp ở bệnh nhân có huyết áp thấp hoặc có tình trạng thiếu máu não do bệnh lý của các đốt sống cổ. Việc chưa chẩn đoán chính xác là có cao huyết áp hay không mà uống thuốc hạ huyết áp thì nguy hiểm vì nó gây tình trạng tụt huyết áp toàn thân. Tuy nhiên, trong gia đình anh có tiền sử cao huyết áp mà bệnh huyết áp có di truyền. Anh nên đến bác sĩ tim mạch để xác định và cho những chỉ dẫn thích hợp.

Bảo Thư: Tôi nghe nói rằng người bị huyết áp cao thường luôn kèm theo bệnh tim và các bệnh về khớp, thận. Nếu vậy, phái chăng người có nguy cơ tai biến mạch máu não cũng có thể đồng thời có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Xin hỏi bác sĩ, những biện pháp phòng ngừa tai biến mạch máu não có hữu ích cho việc ngừa chứng nhồi máu cơ tim không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Người bị cao huyết áp lâu ngày dễ dẫn đến các bệnh lý tim và thận, người có nguy cơ tai biến mạch máu não cũng đồng thời có nguy cơ nhồi máu cơ tim. Những biện pháp phòng ngừa tai biến mạch máu não đồng thời hữu ích cho việc phòng ngừa nhồi máu cơ tim.

Hai Duong: Người ở độ tuổi nào và có bệnh gì sẽ dễ bị tai biến mạch máu não? Tỷ lệ tử vong khi gặp biến cố này là bao nhiêu?

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Tuổi thường hay bị đột quỵ nhất là từ 60 đến 70 tuổi, những bệnh sau đây dễ dẫn đến tai biến mạch máu não: cao huyết áp, tiểu đường, các bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, bệnh lý sơ vữa, hẹp động mạch cảnh, những thói quen không tốt như: hút thuốc lá, ít vận động, ăn uống quá mức... Khi bị đột quỵ tỷ lệ tử vong khoảng 10% trong tháng đầu, tỷ lệ này sẽ tăng lên khi bạn có kết hợp với các bệnh lý khác, đặc biệt là bệnh lý tim mạch.

Nguyễn Ngọc Phụng: Mẹ tôi sống ở quê lao động chân tay nhiều, ăn uống cũng đạm bạc mà tại sao lại bị đột quỵ. Người bị đột quỵ có khả năng hồi phục hoàn toàn không. BS có thể cho biết triệu chứng của người sắp bị đột quỵ không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Mẹ của anh, chị đã lớn tuổi, có thói quen lao động chân tay, ăn uống ở mức vừa phải mà vẫn bị đột quỵ. Trong nhóm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ thì nhóm có thể điều chỉnh được là nhóm quan trọng. Trong nhóm này, ngoài yếu tố lười vận động và ăn uống quá mức ra còn có những yếu tố rất quan trọng khác (mà anh, chị không nêu ở đây) như: cao huyết áp, tiểu đường. bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ... Những yếu tố này cần phải được kiểm soát tốt mới giảm được nguy cơ bị đột quỵ. Trong nhóm các yếu tố nguy cơ đột quỵ thứ 2 (là nhóm không điều chỉnh được) trong đó có yếu tố quan trọng là tuổi cao bắt đầu từ độ tuổi trên 50 nguy cơ đột quỵ ngày càng tăng theo tuổi cứ mỗi tăng 10 năm tuổi nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi.

Buổi giao lưu kết thúc lúc 11 giờ 30. Tòa soạn xin chân thành cảm ơn bạn đọc và bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên đã tham gia giao lưu trực tuyến.

Xin hẹn được giao lưu với bạn đọc vào buổi giao lưu trực tuyến lần sau, trong một chủ đề thú vị khác.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới