Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhận diện kinh tế Trung Quốc sau Đại hội 20

TS. Phạm Sỹ Thành (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Khi Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 (gọi tắt là HNTW6) kết thúc vào ngày 11-11-2021, trong văn bản được gọi là nghị quyết lịch sử lần thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vai trò và vị trí của người đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc hiện nay đã được khẳng định không thể rõ nét hơn.

Trong bối cảnh chỉ còn vài tháng là tới Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới đây là một số định hướng căn bản để nhận diện quỹ đạo phát triển của nền kinh tế này.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 8 đến 11-11-2021. Ảnh: Tân Hoa Xã

Sự lãnh đạo của Đảng trong công tác kinh tế

Nghị quyết của HNTW6 có tiêu đề “Nghị quyết của trung ương về những thành tựu trọng đại và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm đấu tranh của Đảng” cho thấy Trung Quốc đang muốn nhấn mạnh vào “thành tựu và kinh nghiệm” thay vì “một số vấn đề” như tiêu đề nghị quyết thời ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình làm lãnh đạo. Điều này trước hết nhằm khẳng định rằng, quyết sách để đưa Đảng Cộng sản Trung Quốc trở lại vị trí trung tâm trong không chỉ đời sống chính trị mà cả đời sống kinh tế là một chủ trương lớn, và đúng đắn của ông Tập Cận Bình.

Kể từ khi “tư tưởng Tập Cận Bình trong thời đại mới” được đưa vào điều lệ Đảng tại Đại hội 19, vai trò dẫn dắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được đặt ở vị trí đầu tiên trong 14 phương lược của tư tưởng này. Các nội dung thảo luận về kinh tế đứng vị trí thứ ba trong các buổi “học tập tập thể” được tổ chức dành cho Bộ Chính trị.

Được khởi xướng vào năm 2002, cho đến nay, Bộ Chính trị đã tổ chức tổng cộng 151 phiên họp, bao gồm 77 phiên họp dưới thời ông Hồ Cẩm Đào và 74 phiên họp dưới thời ông Tập Cận Bình. Trong tổng số 74 phiên dưới thời ông Tập Cận Bình, Bộ Chính trị Trung Quốc đã tổ chức chín phiên nghiên cứu về các chủ đề liên quan đến kinh tế và tài chính (chiếm 12%) và 17 phiên họp về công tác đảng (chiếm 23%).

Vai trò dẫn dắt của khu vực kinh tế nhà nước

Vào năm 2017, Ủy ban Quản lý tài sản nhà nước (SASAC) yêu cầu tất cả các công ty niêm yết nhà nước phải đưa điều lệ Đảng vào trong điều lệ công ty và phải chịu trách nhiệm với đảng ủy công ty. Trước đó, Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp FDI phải thành lập chi bộ đảng và 70% số doanh nghiệp FDI đã đáp ứng điều này.

Tháng 1-2020, tại hội nghị của Ủy ban Kinh tế Tài chính Trung ương, một thông điệp mới đã được đưa ra. Đó là “chống lại các công ty độc quyền và sự lan tràn bừa bãi của tư bản vô tổ chức”. Mô hình Đảng lãnh đạo, kinh tế nhà nước dẫn dắt hiện đã được triển khai ở các lĩnh vực quan trọng khác, chẳng hạn đổi mới và sáng tạo của các công ty công nghệ.

Nếu từ góc độ kinh doanh, nhiều quỹ đầu tư tỉ đô la trên thế giới sẽ phải thèm muốn danh mục đầu tư của Quỹ đầu tư Internet Trung Quốc (CIIF). CIIF có cổ phần tại (i) ByteDance, công ty mẹ của nhóm truyền thông xã hội TikTok và Weibo, (ii) SenseTime, một trong những nhóm trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất của Trung Quốc và (iii) Kuaishou, một dịch vụ video ngắn. Nhưng các quỹ sẽ phải ghen tỵ với CIIF vì mặc dù chỉ có vẻn vẹn 1% cổ phần trong ByteDance, nhưng CIIF lại có quyền bổ nhiệm một trong ba thành viên hội đồng quản trị. Một món hời tương tự đã xảy ra tại Weibo, CIIF chọn 1% cổ phần với chi phí chỉ 1,5 triệu đô la Mỹ.

Điều quan trọng, CIIF hầu hết thuộc sở hữu của Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), nó rót vốn để “hợp tác, góp vốn” với các công ty tư nhân trong một số lĩnh vực mà Trung Quốc muốn kinh tế nhà nước nắm vai trò dẫn dắt. Số vốn của các quỹ liên kết công - tư trong tổng vốn đăng ký doanh nghiệp ở Trung Quốc đã tăng từ 14,1% năm 2000 lên 33,5% vào năm 2019. Hơn 130.000 công ty tư nhân đã thành lập liên doanh với các công ty nhà nước. Trung bình một quỹ nhà nước liên doanh với bốn công ty tư nhân vào năm 2000 thì đến năm 2019 con số này là 19 công ty.

Thịnh vượng chung/cùng giàu có và các công cụ

Khi cụm từ “thịnh vượng chung” xuất hiện tại hội nghị của Ủy ban Kinh tế Tài chính trung ương vào ngày 17-8-2021, riêng trong hai tháng 8 và 9-2021, số lần cụm từ này xuất hiện trên tiêu đề của tờ Nhân dân Nhật báo đã là 16 lần.

Xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Nhân dân Nhật báo vào ngày 25-9-1953, nhưng ba tháng sau, bài xã luận đầu tiên về cụm từ này mới xuất hiện trên Nhân dân Nhật báo với loạt bài có tên “Đường lối tuyên truyền chung cho nông dân” (向 农民 宣传 总路线). Ngay sau đó, các cải cách ruộng đất, hợp tác xã và xây dựng công xã nông thôn đã được khởi động để tạo ra của cải quân bình hơn cho nông dân. Nhưng chính sách đó đã thất bại.

Là người kế nhiệm, ông Đặng Tiểu Bình nhanh chóng sửa chữa bằng chính sách ưu tiên hiệu quả, ưu thế tự nhiên và phát huy tính tự chủ bằng khẩu hiệu “để một số vùng, một số người giàu lên trước”. Nhưng chính sách này đã làm gia tăng bất bình đẳng và chênh lệch giàu nghèo. Năm 2007, ông Hồ Cẩm Đào đã nhận ra các vấn đề của bất bình đẳng và chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng nên đã nhắc lại khẩu hiệu “thịnh vượng chung”. Tuy nhiên, khẩu hiệu đó đã rơi vào quên lãng dù những cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn dưới thời này đã đạt được rất nhiều thành tựu thực tế.

Hiện nay, gần như chắc chắn, đây sẽ là một trọng tâm kinh tế xuyên suốt mà ông Tập Cận Bình muốn hoàn thành trong năm năm tới. Nó như việc hoàn thành giấc mơ dang dở của các đời lãnh đạo Trung Quốc kể từ năm 1949, và sẽ đưa ông lên vị trí quan trọng không thể lu mờ. Có hai cách để thực hiện giấc mơ này: hoặc là bằng con đường hành chính mệnh lệnh, hoặc là qua con đường thị trường.

Trung Quốc đã ban hành chủ trương yêu cầu mỗi công ty giàu có của đất nước phải chịu trách nhiệm với một huyện nghèo, bao gồm cả đầu tư về địa phương, tạo việc làm, tăng sinh kế và thu nhập… Đó là con đường mệnh lệnh hành chính. Đồng thời, quốc gia này cũng đã tái khởi động hàng loạt loại thuế trực thu nhằm cải thiện an sinh xã hội. Đó là những gì chúng ta nhìn thấy ở điều mà ông Tập Cận Bình gọi là “phân phối thu nhập lần thứ ba”. Những loại thuế mà Trung Quốc muốn thay đổi là thuế tài sản (chủ yếu đánh vào bất động sản), thuế thu nhập cá nhân và thuế thừa kế tài sản.

Nhưng với ba nhóm thuế nhằm vào ba đối tượng (cá nhân ở đô thị, doanh nghiệp và địa phương) thì việc làm cả ba cùng lúc sẽ rất khó khăn. Chẳng hạn, với thuế bất động sản. Vào năm 2013, Trung Quốc đã kêu gọi áp dụng thuế bất động sản - dạng tài sản chiếm khoảng 70% tài sản hộ gia đình Trung Quốc. Thuế bất động sản thực sự sẽ là một loại thuế ổn định giá cả ở thị trường nhà ở nóng nhất. Năm 2014, sự phản đối cấp thành phố và cấp quận đã đình trệ các nỗ lực quốc gia nhằm tạo ra một sổ đăng ký tài sản trên toàn quốc. Chỉ có 16% thành phố và 4% quận đạt được các mục tiêu đăng ký.

Xanh hơn nhưng với thời gian triển khai chậm lại

Cuộc họp của Ủy ban Kinh tế Tài chính Trung ương trong tháng 10-2021 đã xác định Trung Quốc sẽ theo mô hình phát triển mới dựa trên đổi mới và tăng trưởng xanh. Điều này là nhất quán kể từ khi ông Tập Cận Bình phát động cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường ở trong nước. Nhưng với những gì đã xảy ra liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng vào tháng 9 và 10 vừa rồi, khẩu hiệu này đã được chỉnh thành “Hành động “từng bước” để đạt được mức trung hòa carbon”.

Gia tăng các căng thẳng và cạnh tranh địa - kinh tế

Khuynh hướng phát triển của kinh tế Trung Quốc năm năm tới vừa chứa đựng những cơ hội như sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, khả năng lan tỏa và đóng góp đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự gia tăng nhập khẩu, các cam kết mới trong việc chống biến đổi khí hậu và trung hòa khí phát thải… nhưng nó cũng tiềm ẩn những bất ổn.

Trước hết, mô hình kinh tế do khu vực nhà nước dẫn dắt (mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là mô hình “kinh tế tư bản nhà nước”) có thể là một gợi ý và tạo ra sức hấp dẫn với các quốc gia khác. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến sự cạnh tranh với mô hình kinh tế tư bản tự do của Mỹ và các nước phương Tây. Tiếp đó, các căng thẳng địa - chính trị và địa - kinh tế trong năm năm tới giữa Mỹ với Trung Quốc xoay quanh vấn đề mô hình phát triển như vừa nêu tiếp tục gia tăng cho dù hai bên có tìm cách duy trì các kênh đối thoại như thế nào. Thứ ba, sự xuất hiện ngày càng nhiều của Trung Quốc trong việc thiết lập các tiêu chuẩn kinh tế toàn cầu mới (chẳng hạn việc gia nhập CPTPP, khởi động Sáng kiến An ninh dữ liệu toàn cầu, sáng kiến Vành đai, Con đường…) sẽ làm gia tăng các tranh luận gay gắt giữa các quốc gia về tính an ninh và khả năng phổ quát của các luật chơi mới trong sân chơi toàn cầu. Mỹ đã công khai ý định thiết lập một sáng kiến hợp tác kinh tế đa phương mới cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một cách phản ứng trước việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP.

(*) Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (VNUA)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới