Thứ bảy, 15/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhận diện và vượt qua nguy cơ chiến tranh thương mại: Nhìn từ trường hợp Việt Nam

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Các FTA quả thật có thể là... đường tránh, giúp xuất khẩu Việt Nam an toàn đi qua các nguy cơ thương chiến trong những ngày tháng tới. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết và cũng đủ điều kiện để đi trên con đường này”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Mục tiêu của chính quyền Trump 2.0 đã khác?

KTSG: Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố áp thuế (bổ sung) 25% với hàng hóa từ Canada và Mexico (đang hoãn áp dụng một tháng) và 10% với hàng hóa từ Trung Quốc. Trung Quốc đã đáp trả thông qua siết xuất khẩu một số loại kim loại quan trọng và chính thức nộp đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bà nhận định như thế nào về những diễn biến này? Khả năng xảy ra một cuộc thương chiến giữa Mỹ - Trung Quốc như thế nào và tác động của nó lên thương mại toàn cầu sẽ ra sao?

- TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Có thể nói thuế quan hiện là “từ khóa” nóng nhất trong thương mại quốc tế những ngày này. Gắn liền với đó là các dự báo về các nguy cơ, nhỏ thì là “căng thẳng”, lớn có thể là “thương chiến”, giữa các nước liên quan, và thậm chí là rủi ro với cả hệ thống thương mại toàn cầu.

Trên thực tế, các lệnh áp thuế mới đây của ông Trump đã hoặc có thể dẫn tới những hành động trả đũa cũng bằng thuế quan từ các nước liên quan. Trung Quốc, như đã thấy, ngay lập tức tuyên bố tăng thuế thêm 10-15% lên một số loại khoáng sản, năng lượng, máy móc phương tiện của Mỹ từ ngày 10-2-2025 (chưa kể các biện pháp phi thuế khác như điều tra chống độc quyền Google, khởi kiện ra WTO...). Canada trước khi Mỹ hoãn lệnh áp thuế cũng đã dự kiến trả đũa bằng mức thuế bổ sung 25% lên khoảng 155 tỉ đô hàng hóa Mỹ. Tình hình có thể sẽ phức tạp hơn nhiều lần nếu ông Trump thực hiện ý định hồi tranh cử, rằng có thể sẽ áp mức thuế bổ sung 10% lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ bất kể chúng từ quốc gia nào.

Các cuộc chiến thuế quan này nếu thành hiện thực chắc chắn sẽ tạo ra những hệ quả nghiêm trọng. Bị tác động trước hết là giá cả của hàng hóa, sức cạnh tranh, nguồn đầu vào và lợi nhuận của doanh nghiệp, túi tiền và hành vi của người tiêu dùng ở các nước liên quan. Liền sau đó là những ảnh hưởng sâu rộng tới dòng chảy thương mại thế giới khi hàng hóa bị chặn do thuế quan cao có thể sẽ đổ bộ vào các khu vực khác thay thế. Tiếp đến là dòng đầu tư vào các chuỗi sản xuất có thể giảm sút do những e ngại tình trạng bất ổn, hoặc bị chuyển dịch khỏi các khu vực liên quan. Và tất nhiên, sau rốt sẽ là những ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế nói chung trên toàn cầu.

Trong thương chiến, tránh bỏ trứng vào một giỏ sẽ không chỉ là bài học được khuyên nên làm mà có thể là giải pháp sống còn để bảo đảm cho xuất khẩu Việt Nam có thể tiếp tục duy trì ổn định và phát triển.

Trong lâu dài, không chỉ hàng hóa mà cả hệ thống thương mại toàn cầu cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng từ gốc rễ.

Phải biết rằng trong hơn ba thập niên (từ giữa thập niên 1990 đến cuối những năm 2010), thương mại thế giới đã chứng kiến sự phát triển ấn tượng chủ yếu nhờ vào hệ thống các quy tắc thương mại đa phương trong khuôn khổ WTO, mà “ba chân kiềng” là “không phân biệt đối xử”, “minh bạch” và “tính có thể dự đoán trước”. Áp dụng trong trường hợp thuế quan, điều này có nghĩa là một nước không thể áp thuế cao hơn mức đã cam kết, không thể áp đặt các mức thuế khác nhau lên các đối tác vì các lý do kinh tế - chính trị, và cũng không thể đơn phương trả đũa trước hành động mà mình cho là không đúng của đối tác.

Trong khi đó, những biện pháp thuế quan của ông Trump, cũng như các động thái trả đũa của các bên liên quan, đã triệt để phá vỡ các quy tắc quan trọng này, nhất là khi chúng được áp dụng mà chẳng cần viện dẫn (dù chỉ là hình thức) đến bất kỳ căn cứ pháp lý nào (điều hoàn toàn khác so với các lệnh áp thuế bổ sung trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump). Nếu đây là tiền lệ cho những hành động tương tự ở các khía cạnh khác hoặc với các công cụ khác, có thể dự đoán được thương mại thế giới sẽ bất ổn và bị tổn hại nghiêm trọng như thế nào trong lâu dài.

Các FTA quả thật có thể là... đường tránh, giúp xuất khẩu Việt Nam an toàn đi qua các nguy cơ thương chiến trong những ngày tháng tới. Ảnh: H.P

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những nhân tố cho thấy nguy cơ chiến tranh thương mại có thể thành hiện thực, nhưng ở quy mô không lớn như lo ngại, ít nhất là với các định hướng cho tới hiện tại. Ông Trump dường như đang sử dụng công cụ thuế quan không đơn thuần là để đạt được các mục tiêu kinh tế mà còn để tạo sức ép và lợi thế đàm phán của Mỹ về các lợi ích khác trong chính sách “Nước Mỹ trên hết” của mình, như vấn đề biên giới và nhập cư với Mexico và Colombia, vấn đề thuốc giảm đau với Canada và Trung Quốc... Các nước liên quan, kể cả Trung Quốc, có lẽ cũng đã nhận được tín hiệu này của ông Trump và đang chuẩn bị tâm thế cũng như các “lá bài” cần thiết cho những đàm phán tiếp theo với Mỹ. Và dường như nếu Mỹ đạt được các lợi ích đủ lớn từ các đàm phán này, sức ép về thuế quan với các nước liên quan sẽ được rút lại hoặc chí ít cũng sẽ được giảm bớt.

Các kịch bản với Việt Nam

KTSG: Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia có mức thặng dư thương mại với Mỹ lớn nhất trên thế giới. Với chính sách thuế quan của ông Trump, theo bà, nguy cơ mà Việt Nam trở thành một nước phải gánh chịu rủi ro trừng phạt thương mại từ Mỹ như thế nào? Bà hình dung ra sao về các tình huống có thể xảy ra?

- Ông Trump trước nay luôn có quan điểm tiêu cực về thâm hụt thương mại khi cho rằng đây là biểu hiện yếu kém của nền kinh tế Mỹ và là bằng chứng cho thấy đối tác đang có chính sách thương mại không công bằng với nước này. Còn nhớ ở nhiệm kỳ trước, ông Trump đã cho áp dụng một loạt biện pháp thuế khác nhau nhắm vào các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, phần lớn thông qua sử dụng Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 của nước này.

Nếu trong điều kiện thông thường, thuế quan theo FTA đã là lợi thế quan trọng, thì trong điều kiện chiến tranh thương mại, ưu đãi thuế quan FTA thậm chí có thể là công cụ quyết định thành công trong cạnh tranh các đơn hàng xuất khẩu. Lợi thế là vậy nhưng vấn đề của chúng ta là khả năng tận dụng các ưu đãi thuế quan FTA này.

Tin tốt là trong những ngày đầu nhiệm kỳ thứ 2 này, ông Trump dường như chưa để tâm lắm tới vấn đề thâm hụt thương mại như trong nhiệm kỳ đầu. Các quan ngại khiến ông Trump áp thuế bổ sung với Canada, Mexico hay Trung Quốc hồi đầu tháng 2 không bao gồm lý do này, dù rằng đúng là hai trong số ba nước này cũng đồng thời đứng trong tốp các đối tác Mỹ chịu thâm hụt lớn nhất.

Một số chuyên gia cho rằng ông Trump đang tập trung gây sức ép thương mại nhắm vào các đối tác mà ông cho rằng Mỹ có thể đạt được lợi ích tương đối, về kinh tế hoặc về các vấn đề khác, trong chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Và trong tương quan này thì Việt Nam, dù có thặng dư thương mại lớn với Mỹ nhưng chỉ chiếm một tỷ trọng rất khiêm tốn (3-4%) trong tổng nhập khẩu của Mỹ, có lẽ chưa tạo ra ảnh hưởng quá lớn đến lợi ích của Mỹ và vì thế chưa phải là mục tiêu trong tầm ngắm của Mỹ trong tương lai gần.

Mặc dù vậy, số liệu mà Bộ Thương mại Mỹ vừa mới công bố ngày 5-2-2025, cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ năm 2024 đạt mức kỷ lục trong lịch sử với 1.200 tỉ đô la, có thể sẽ một lần nữa thu hút sự chú ý của ông Trump với vấn đề này. Và cũng theo số liệu mới công bố này thì Việt Nam đứng thứ 4 về thặng dư với Mỹ, sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mexico.

Còn nhớ vào cuối nhiệm kỳ trước của ông Trump, Việt Nam khi đó dù chỉ trong tốp 7 cũng đã bị Mỹ điều tra theo Mục 301 với cáo buộc về định giá thấp tiền tệ và kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Rất may là cuộc điều tra sau đó đã kết thúc với kết quả tích cực, sau các nỗ lực chứng minh và tự điều chỉnh của Việt Nam.

Do đó, theo kịch bản lạc quan, trong tương lai gần, Việt Nam có lẽ chưa phải là đối tượng bị nhắm tới của các biện pháp không mong muốn ở thị trường Mỹ. Mặc dù vậy, vẫn có một tỷ lệ nhất định xảy ra kịch bản kém lạc quan hơn, dù khả năng là thấp.

KTSG: Trong một cuộc họp mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu cần chuẩn bị kịch bản cho khả năng chiến tranh thương mại. Tương ứng với các tình huống nêu trên, kịch bản ứng phó sẽ như thế nào?

- Từ những quan sát ở trên, có thể thấy đang tồn tại song song những kịch bản lạc quan và không lạc quan lắm, cho cả nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ với các đối tác và nguy cơ Mỹ có hành động nhắm vào xuất khẩu của Việt Nam.

Là một nền kinh tế có độ mở cao, với Mỹ chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu và Trung Quốc là nguồn cung của 38% kim ngạch nhập khẩu, việc chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản này như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất quan trọng.

Ở kịch bản nào đi nữa, trong quan hệ với Mỹ, chúng ta vẫn luôn cần có một chiến lược bài bản và tổng thể nhằm giải quyết mối quan ngại về thâm hụt thương mại của phía Mỹ. Chiến lược này có thể bao gồm các giải pháp đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu; tăng cường mua hàng hóa từ Mỹ, đặc biệt là những sản phẩm Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu; đấu tranh quyết liệt chống gian lận thương mại, xuất xứ để không bị lợi dụng; và tiếp tục thúc đẩy các hoạt động ngoại giao và hợp tác với phía Mỹ để kịp thời nhận diện và phối hợp xử lý các vướng mắc, nếu có. Chúng ta cũng cần chuẩn bị phương án để phản ứng kịp thời, chủ động và linh hoạt trong quan hệ thương mại - đầu tư với Mỹ khi tình huống không mong muốn xảy ra.

Mặt khác, để tránh nguy cơ là bãi đáp cho dòng hàng hóa chuyển hướng hoặc dư thừa, duy trì cạnh tranh lành mạnh và công bằng ở thị trường nội địa, chúng ta cũng cần có chiến lược ứng phó thích hợp, tập trung vào các công cụ kiểm soát nhập khẩu để bảo đảm chỉ các hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, tuân thủ các yêu cầu về thuế, phí và các quy định liên quan mới có thể tiếp cận thị trường.

Tất nhiên, trong “nguy” có “cơ”, ở các kịch bản chiến tranh thương mại không trực diện liên quan tới Việt Nam, doanh nghiệp cũng có thể tranh thủ tận dụng những cơ hội (nếu có), ví dụ những khoảng trống thị trường mở ra bất chợt hoặc những nguồn cung đầu vào cho sản xuất có thể có giá hợp lý hơn trong một giai đoạn nào đó.

Tận dụng các FTA thế nào?

KTSG: Mở rộng thị trường luôn là một giải pháp được các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế đưa ra. Thưa bà, với số lượng hiệp định thương mại tự do (FTA) chúng ta tham gia, giải pháp này có thể thực hiện một cách thuận lợi hay không, cụ thể như thế nào?

- Khi thương mại thế giới bất ổn, đặc biệt là ở các thị trường mà chúng ta phụ thuộc lớn, đa dạng hóa thị trường thông qua việc khai thác hiệu quả các thị trường chưa phát huy hết tiềm năng và mở rộng các thị trường mới là yêu cầu cấp bách. Trong thương chiến, tránh bỏ trứng vào một giỏ sẽ không chỉ là bài học được khuyên nên làm mà có thể là giải pháp sống còn để bảo đảm cho xuất khẩu Việt Nam có thể tiếp tục duy trì ổn định và phát triển.

Việc Việt Nam đã có 16 FTA đang có hiệu lực với 54 đối tác thương mại là nền tảng không thể tốt hơn để chúng ta thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường một cách ổn định và ưu tiên. Nếu trong điều kiện thông thường, thuế quan theo FTA đã là lợi thế quan trọng, thì trong điều kiện chiến tranh thương mại, ưu đãi thuế quan FTA thậm chí có thể là công cụ quyết định thành công trong cạnh tranh các đơn hàng xuất khẩu. Đó là chưa kể các điều kiện thuận lợi khác được tạo ra từ các cam kết giảm thiểu hàng rào phi thuế và tạo thuận lợi thương mại trong các FTA này.

Lợi thế là vậy nhưng vấn đề của chúng ta là khả năng tận dụng các ưu đãi thuế quan FTA này. Theo các điều tra của Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ các doanh nghiệp biết về các cam kết FTA có lợi cho mình chỉ chiếm khoảng 15-25%, tỷ lệ tận dụng được các cam kết này còn thấp hơn nữa. Một khảo sát gần đây cũng của đơn vị này cho thấy phần lớn các doanh nghiệp làm thủ tục xin chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan FTA cho hàng hóa xuất khẩu một cách thụ động, do nhà nhập khẩu yêu cầu. Nói cách khác, doanh nghiệp hoặc là chưa biết, hoặc là chưa chủ động biến các ưu đãi thuế quan FTA thành lợi thế của mình khi tìm kiếm khách hàng hay đàm phán các đơn hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp cho biết việc tiếp cận thị trường, đặc biệt là các thị trường mới, rất khó khăn. Khách hàng ở những nơi này hầu như chưa biết đến sản phẩm của Việt Nam, chi phí nghiên cứu thị trường và quảng bá quá lớn, thiếu kênh kết nối với người mua nước ngoài...

Đó là chưa kể tới các hạn chế cố hữu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, trong năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn truyền thống lẫn các tiêu chuẩn mới về xanh, bền vững ở các thị trường.

Nói cách khác, các FTA quả thật có thể là... đường tránh, giúp xuất khẩu Việt Nam an toàn đi qua các nguy cơ thương chiến trong những ngày tháng tới. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết và cũng đủ điều kiện để đi trên con đường này.

KTSG: Để sử dụng con đường tránh an toàn này thì chúng ta phải làm thế nào?

- Tất nhiên câu trả lời trước hết là ở từng doanh nghiệp, ở các nỗ lực tự tìm hiểu, nâng cao năng lực và tiếp cận thị trường của họ.

Mặc dù vậy, trên bình diện cả nền kinh tế, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan (như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cơ quan đại diện và xúc tiến thương mại ở nước ngoài, VCCI và các hiệp hội...) là đặc biệt có ý nghĩa. Những hỗ trợ của các đơn vị này với số đông các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu sẽ tạo ra những hiệu quả cộng hưởng lớn trong khi lại ít tốn kém hơn rất nhiều so với chi phí từng doanh nghiệp có thể phải bỏ ra để tự bươn chải.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa ở những khâu mà doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện tương tự nhau hoặc có thể cùng hưởng lợi. Ví dụ như các thông tin, hướng dẫn về cách thức tận dụng các ưu đãi thuế quan, về thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn, về các quy định, luật lệ của thị trường xuất khẩu hay về nhu cầu, thị hiếu khách hàng... Tương tự, các chiến dịch quốc gia quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt với khách hàng nước ngoài, các kênh kết nối nhà sản xuất xuất khẩu Việt Nam với các đối tác nhập khẩu đáng tin cậy... có thể mang lại lợi ích cùng lúc cho hàng ngàn doanh nghiệp.

Trong một chừng mực nhất định, những hành động hỗ trợ chung ở những khía cạnh tưởng như đơn lẻ này có thể là cách thức để cả nền sản xuất xuất khẩu Việt Nam, thay vì chỉ một vài doanh nghiệp, có thể tận dụng các FTA để ứng phó và thuận lợi vượt qua các nguy cơ thương chiến trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới