Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhân đôi sức mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhân đôi sức mạnh

Tấn Đức

Chuyên gia người nước ngoài và công nhân tại nhà máy của Hà Tiên 1 ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Cuối năm 2009, cổ đông của hai Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 và 2 đã thông qua quyết định tái sáp nhập hai doanh nghiệp xi măng lớn này. Khác với lần trước vào năm 1983, lần sáp nhập này không phải là sự kết hợp hai nửa của một dây chuyền công nghệ, mà là của hai đơn vị với hệ thống sản xuất khá hoàn chỉnh và đang dẫn đầu về thị phần ở hai khu vực thị trường khác nhau.

Năm 1993, Nhà máy liên hợp Xi măng Hà Tiên bị tách ra làm hai doanh nghiệp độc lập là Hà Tiên 1 và Hà Tiên 2.

Đây là sự chia đôi một công ty và cũng là một dây chuyền công nghệ hoàn chỉnh, trong đó Hà Tiên 2 sở hữu toàn bộ phần sản xuất clinker (nguyên liệu đầu vào cho các trạm nghiền xi măng) và một phần công đoạn nghiền xi măng. Còn Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1, sau khi chia tách chỉ còn là một cơ sở nghiền cỡ trung bình với công suất 800.000 tấn/năm.

Sự chia tách này làm cho hoạt động sản xuất của Hà Tiên 1 trong tình trạng thiếu chắc chắn, do phụ thuộc vào nguồn clinker nhập khẩu và của các doanh nghiệp khác, nhất là vào thời điểm nhu cầu của thị trường tăng mạnh. Trong khi đó, Hà Tiên 2 thì phải gánh thêm mối lo tìm kiếm khách hàng tiêu thụ phần clinker không sử dụng hết vào những thời kỳ sức mua của thị trường chậm.

Trong 13 năm qua, cả hai công ty đều đã có những bước phát triển khá ấn tượng, đặc biệt là với Hà Tiên 1. Hơn một thập niên qua, công ty đã liên tục đầu tư mở rộng cơ sở nghiền cũ và xây thêm các nhà máy sản xuất xi măng và trạm nghiền mới.

Đến đầu năm 2010, chỉ riêng Hà Tiên 1, năng lực sản xuất đã đạt 1,8 triệu tấn clinker và 4,5 triệu tấn xi măng thành phẩm. Bên cạnh đó, Hà Tiên 1 còn nắm 35% cổ phần trong Công ty liên doanh Holcim và 30% cổ phần của liên doanh Bê tông hỗn hợp Việt Nam. Với Hà Tiên 2, thời gian qua năng lực và công nghệ sản xuất xi măng cũng đã được đầu tư mở rộng lên gấp ba lần.

Ông Ngô Minh Lãng, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1, nói: “Sau sáp nhập, chúng tôi sẽ trở thành nhà sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam. Hà Tiên có năm nhà máy với công suất trên 3 triệu tấn clinker và 6 triệu tấn xi măng thành phẩm. Với việc sản xuất lớn, chúng tôi không chỉ bảo đảm cung cấp ổn định cho nhu cầu của khách hàng, mà còn có điều kiện thuận lợi để đem lại cho người tiêu dùng sản phẩm với giá cả hợp lý và dịch vụ cung ứng, phân phối tốt, kịp thời”.

Việc sáp nhập hai công ty Hà Tiên 1 và 2 sẽ mang lại cho doanh nghiệp mới nhiều lợi thế, cả trong lĩnh vực điều hành sản xuất lẫn kinh doanh, giúp công ty có điều kiện thuận lợi để tăng cường khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, năng lực sản xuất clinker của Hà Tiên 2 đang thừa so với nhu cầu của chính công ty này. Trong khi đó, Hà Tiên 1 dù có thêm 1,8 triệu tấn công suất từ nhà máy ở Bình Phước, nhưng vẫn không đủ để cung cấp cho các trạm nghiền ở quận Thủ Đức và quận 9. Như vậy, sự kết hợp này sẽ giúp cho công ty chủ động hơn về nguồn cung cấp clinker và giảm nhập khẩu. Qua đó, giảm được một phần mối lo về mua ngoại tệ để nhập nguyên liệu.

Về thị trường, kể từ khi chia tách vào năm 1993, Hà Tiên 1 và Hà Tiên 2 đã được Tổng công ty Xi măng Việt Nam giao đảm nhận những khu vực thị trường khác nhau. Theo đó, Hà Tiên 2 phụ trách vùng đồng bằng sông Cửu Long, còn Hà Tiên 1 lo cung ứng cho khu vực miền Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Điều này cũng đồng nghĩa với thị trường của công ty mới sẽ được nhân rộng và không ảnh hưởng đến mức tiêu thụ do lâu nay không có sự cạnh tranh, giẫm chân lên nhau trong cùng một địa bàn. Bên cạnh đó, sự sáp nhập còn giúp cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí về quản lý điều hành quá trình sản xuất và cung ứng sản phẩm, quảng bá và tiếp thị sản phẩm, chi phí kho bãi và vận chuyển, tận dụng tốt và có hiệu quả hơn cơ sở vật chất, hệ thống kho bãi hiện có của hai công ty…

Ngoài ra, vị trí địa lý cũng là thế mạnh cạnh tranh đáng kể của Hà Tiên. Xi măng là sản phẩm có giá trị thấp, nhưng khá cồng kềnh. Do vậy, phí vận chuyển, kho bãi và xếp dỡ chiếm tỷ lệ không nhỏ trong toàn bộ chi phí của khâu phân phối sản phẩm. Công ty Xi măng Hà Tiên có các nhà máy nằm ở miền Nam, là thị trường tiêu thụ xi măng lớn.

Thêm vào đó, năm nhà máy của công ty lại phân bố đều ở ba thị trường tiêu thụ trọng điểm là đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và khu vực Tây Nguyên. Lợi thế địa lý này là điều kiện thuận lợi để Hà Tiên có chi phí vận chuyển và kho bãi thấp hơn nhiều đối thủ cạnh tranh khác, nhất là những doanh nghiệp phải chở xi măng thành phẩm hoặc clinker từ miền Bắc hoặc Bắc Trung bộ vào miền Nam.

Ông Ngô Minh Lãng cho biết, việc đưa Nhà máy Xi măng Bình Phước, với năng lực sản xuất 1,8 triệu tấn clinker và 1,3 triệu tấn xi măng, vào hoạt động đầu năm 2010 là bước ngoặt của Hà Tiên. Nó không chỉ giúp công ty chủ động hơn trong việc sản xuất theo nhu cầu thị trường, mà còn có điều kiện để mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ.

Lâu nay, do năng lực sản xuất còn hạn chế, nên cả Hà Tiên 1 và Hà Tiên 2 chủ yếu là lo làm tròn nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu thị trường ở những khu vực được Tổng công ty Xi măng giao. Nay với công suất tăng thêm gần 2 triệu tấn, công ty có điều kiện để mở rộng thị trường ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và thị trường Campuchia.

Năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của Hà Tiên 1 vượt mục tiêu 15%. Kết quả này chủ yếu là từ việc đưa trạm nghiền đầu tiên ở Phú Hữu (TPHCM) công suất 1,3 triệu tấn vào hoạt động, giúp nâng sản lượng xi măng tiêu thụ lên 2,7 triệu tấn (nhà máy cũ ở xa lộ Hà Nội chỉ có công suất 1,5 triệu tấn). Ông Lãng dự báo hiệu quả kinh doanh trong năm nay có thể còn tốt hơn, nhờ sản phẩm từ nhà máy ở Bình Phước có chi phí sản xuất thấp, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty.

Tuy nhiên, Hà Tiên vẫn chưa thể chủ động hoàn toàn nguồn cung cấp clinker. Sản lượng hơn 3 triệu tấn ở Kiên Lương (Kiên Giang) và Bình Phước chỉ đủ đáp ứng khoảng hai phần ba nhu cầu của các trạm nghiền. Vì vậy, công ty đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng thêm dây chuyền sản xuất clinker thứ hai ở Bình Phước. Tới lúc ấy, Hà Tiên sẽ giải tỏa được hoàn toàn mối lo về sự biến động thất thường của nguồn cung cấp cũng như giá cả nguyên liệu ở thị trường khu vực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới